Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Làm gì khi bị máy ATM nuốt tiền?

Cập nhật 25/10/2010 - 09:27:08 AM (GMT+7)
Gần đây, một chủ thẻ BIDV tại TPHCM rút tiền ở máy ATM của ba ngân hàng, dù giao dịch không thành công nhưng tài khoản vẫn bị trừ 5,5 triệu đồng. Cty Cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink (cung cấp các dịch vụ liên quan đến thẻ thanh toán cho các ngân hàng) tư vấn về vấn đề này.

 

Khi giao dịch không thực hiện được, nếu muốn kiểm tra tài khoản của mình có bị trừ tiền hay không cần làm gì?

Khách hàng có thể kiểm tra số dư tài khoản ngay tại máy ATM hoặc gọi điện tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngân hàng mình đăng ký phát hành thẻ để kiểm tra thông tin tài khoản (số điện thoại thường được ghi ở mặt sau của thẻ).

Ngoài ra, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động (SMS banking) để kiểm tra số dư tài khoản của mình.

Trong trường hợp trên, nếu tài khoản bị trừ tiền, thủ tục khiếu nại ra sao?

Trong thời gian sớm nhất, khách hàng cần đến chi nhánh, phòng giao dịch nơi mình đăng ký phát hành thẻ đề nghị tra soát khiếu nại. Trường hợp không tới được thì gọi điện tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Ngân hàng phát hành thẻ để được hướng dẫn chi tiết.

Nhân đây cũng đề cập thêm, đối với trường hợp giao dịch tuy thành công, nhưng tài khoản lại bị trừ nhiều hơn số tiền muốn rút, khách hàng cũng gọi điện ngay tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng để kiểm tra và làm yêu cầu tra soát khiếu nại.

Giả sử, chủ thẻ là Vietcombank, nhưng lại rút tiền ở máy ATM của BIDV, nếu xảy ra sự cố trên thì khiếu nại ở ngân hàng nào?

Tại ngân hàng khách hàng đăng ký phát hành thẻ Vietcombank.

Khi xảy ra sự cố, theo quy định trong thời hạn bao lâu khách hàng vẫn được quyền khiếu nại tới ngân hàng có trách nhiệm?

Thời hạn tra soát khiếu nại tùy thuộc vào chính sách của từng ngân hàng phát hành thẻ. Khách hàng có thể liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để biết thông tin chi tiết

Nếu sự cố rơi vào thứ bảy hoặc chủ nhật, có thể báo ngay cho ngân hàng biết hay phải đợi đến khi đi làm?

Trong trường hợp này, khách hàng có thể thông báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc Khách hàng của ngân hàng phát hành thẻ qua điện thoại 24/7 để được hướng dẫn giải quyết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định trong bao lâu (chủ thẻ rút tiền ở máy ATM cùng ngân hàng, khác ngân hàng)?

Thời gian giải quyết khiếu nại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chính sách của ngân hàng, loại giao dịch (tại ATM của ngân hàng phát hành thẻ hay ngân hàng khác), địa bàn giao dịch… Tuy nhiên các ngân hàng đều cố gắng giải quyết khiếu nại của khách hàng nhanh nhất trong thời gian có thể. Thông thường, thời hạn giải quyết khiếu nại khoảng 10 ngày (cùng ngân hàng), còn khác ngân hàng khoảng 4 tuần (trường hợp đặc biệt có thể lâu hơn).

Dùng thẻ của ngân hàng này, nhưng rút tiền ở máy ATM của ngân hàng khác có dễ xảy ra sự cố trên?

Không, giao dịch lỗi không liên quan đến giao dịch tại ngân hàng phát hành thẻ hay ngân hàng khác

Một giao dịch rút tiền ở máy ATM thường diễn ra trong bao lâu, nếu quá thời gian quy định mà máy vẫn không báo giao dịch không thực hiện được và không trả lại thẻ, khách hàng cần làm gì?

Tùy vào thao tác người dùng, thông thường sau khi khách hàng chọn số tiền cần rút, giao dịch sẽ được thực hiện trong khoảng 10 đến 30 giây. Nếu thấy lâu hơn, khách hàng vẫn nên chờ đến khi màn hình ATM trở về trạng thái giao dịch bình thường mới nên rời khỏi máy, để tránh trường hợp tiền ra chậm mà khách hàng đã vội đi. Trường hợp máy không báo giao dịch không thực hiện được và không trả lại thẻ, khách hàng cần liên hệ với Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngân hàng phát hành thẻ để giải quyết.

Các chủ thẻ nên lưu ý lưu số của Trung tâm chăm sóc khách hàng vào danh bạ điện thoại, tránh trường hợp bị nuốt thẻ không lấy được số liên lạc.

Giao dịch thành công, nhưng tiền bị nhăn, bị rách phải làm thế nào?

Khách hàng cần gọi ngay tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng để phản hồi và lưu giữ hóa đơn giao dịch ATM, toàn bộ số tiền giao dịch để tới chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng phát hành thẻ giải quyết.

(Theo Tiền Phong Online)