Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Đại học là học đại, đủ đầy ý nghĩa xót xa!

Cập nhật 09/12/2015 - 03:51:09 PM (GMT+7)

Để đại học hết “học đại” cần rất nhiều nỗ lực từ ngành giáo dục và toàn xã hội, đã đến lúc phải quyết liệt hơn với “quốc sách hàng đầu”.

LTS: Nhìn nhận thấy chương trình học bậc đại học sau nhiều năm không có thay đổi về kiến thức, về giáo trình trong khi con số thất nghiệp ngày càng gia tăng, Ths Trương Khắc Trà mạnh dạn chỉ ra những điểm cần được cải cách trong hệ thống giáo dục với mong muốn đừng để đại học là “học đại”. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết cùng độc giả. 


Từ lâu đại học Việt Nam được ví von là “học đại” một sự ví von ngắn gọn, súc tích nhưng đủ đầy ý nghĩa xót xa.

Ngành giáo dục và toàn xã hội đang đau đầu trước bài toán thất nghiệp và vấn đề tuy không mới nhưng luôn nóng bỏng được đặt ra là phải cải cách giáo dục đại học.

Vậy, cải cách giáo dục đại học phải bắt đầu từ đâu? Thực sự đây là một phương trình đa nghiệm không riêng gì giáo dục đại học, bởi một khi xác định được điểm bắt đầu thì sẽ mở ra con đường, bản thân con đường sẽ quyết định hướng đi và đến lượt nó, hướng đi sẽ quyết định vận mệnh của cả nền giáo dục.

Để cải cách giáo dục đại học, thế giới có nhiều mô hình hay mà Việt Nam có thể học hỏi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... 

Nhưng tất cả phải đảm bảo một nguyên tắc chung “có bột mới gột nên hồ”, bởi sẽ rất khó nếu bắt đầu bằng cái…chưa có! Thiết nghĩ nên lấy nội dung chương trình làm điểm xuất phát. Vì sao?

Khi nào đại học không còn “học đại”?(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Giáo dục đại học Việt Nam hiện nay rất đa dạng về ngành nghề đào tạo, từ khoa học xã hội nhân văn đến khoa học tự nhiên không thiếu ngành nào, nhưng tất cả các trường, ngành học hiện nay đều mang một mẫu số chung là các môn đại cương chiếm quá nhiều thời lượng và thậm chí có những môn không biết…học để làm gì!

Hơn nữa, đối với các môn đại cương mãi vẫn là một mớ lý thuyết dày cộp, đã được dùng đi dùng lại mấy chục năm nay nhưng chưa thấy bổ sung cập nhật những kiến thức mới. Vậy mới có câu chuyện bi hài rằng sinh viên cách nhau cả chục khóa vẫn có thể vô tư dùng vở của nhau.

Làm gì để cải thiện môi trường đầu tư trong giáo dục?

(GDVN) - “Thực hiện công khai năng lực tự chủ và trao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập”

Đơn cử như giáo trình “Tâm lý học đại cương” đã được biên soạn từ rất lâu, ngược lại  ngành Y học và Tâm lý học thần kinh đã phát triển vượt bậc trong 20 năm qua, đã khám phá ra nhiều bí ẩn của não bộ và xuất hiện nhiều khái niệm chuyên ngành mới nhưng những chương mục trong cuốn giáo trình này vẫn không hề …“lung lay”!

Rồi đến các môn khoa học Mác Lê-nin, môn học gây “mê” và “tê” nhất đối với sinh viên, giáo trình giảng dạy hiện nay đã quá cũ, những kiến thức về Triết học, Kinh tế chính trị…mà chúng ta đang dạy cho sinh viên đã thuộc về thế kỷ XIX và XX!

Việc cập nhật ở đây sẽ tạo tính thời sự, lôi cuốn cho nội dung chứ không phải kiến thức cũ là bỏ đi.

Tình hình các môn chuyên ngành cũng không mấy sáng sủa, khi một ngành học mang tính “cập nhật” thường xuyên và cao độ như Điện - Điện tử, công nghệ Điện - Điện tử đang thay đổi từng ngày, từng giờ nhưng giáo trình để dạy môn này tại Đại học Bách khoa Hà Nội được biên soạn từ năm…1960! 

Bởi vậy hầu hết các đồ án tốt nghiệp của sinh viên các trường kỹ thuật lớn đều chỉ là “khảo sát”, “tìm hiểu” chứ rất ít đề tài có tính “nghiên cứu” “chế tạo”. 

Chẳng hạn như “khảo sát hệ thống gió trong động cơ đốt trong”, “khảo sát hệ thống làm mát động cơ”…động cơ đốt trong đã ra đời hơn 155 năm nhưng đến nay sinh viên chỉ vẫn “khảo sát” và “tìm hiểu”!

Làm sao các tân cử nhân, tân kỹ sư có thể đáp ứng được những công việc yêu cầu sự sáng tạo cao khi những kiến thức trong đầu họ thế giới đã bỏ qua cách đây hơn 50 năm?

Căng hơn là ngành công nghệ thông tin, từng được coi là ngành học “nóng” nhưng giáo trình giảng dạy lại quá “lạnh” như một lập trình viên đã thừa nhận “tại các trường đại học.

Thầy giáo và những băn khoăn trong cách đổi mới giáo dục

(GDVN) - Nếu đổi mới một cách tràn lan theo bề rộng, không chọn lọc, tập huấn sơ sài, qua loa rồi để giáo viên tự bơi như hiện nay thì sự đổi mới có ích lợi gì?

Nhất là công lập, các thầy hầu như chỉ cung cấp cho chúng tôi những kiến thức công nghệ thông tin của 10, 20 năm trước”. (Nguồn: Báo điện tử VnExpress đăng tải ngày 11/3/2005). 

Rõ ràng chương trình học hiện nay, trước hết là các môn đại cương chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, vẫn còn treo lơ lửng ở đâu đó, đây chính là liều thuốc ngủ nặng đô mà các giảng viên đã vô tình tiêm cho các sinh viên của mình khi lên lớp.

Nguy hơn việc dùng giáo trình quá lạc hậu khiến đội ngũ giảng viên lười hơn trong việc tìm tòi nghiên cứu vì nhiều giảng viên lâu năm sẽ thuộc lòng giáo trình nên nảy sinh tâm lý tự thỏa mãn, khi ấy việc làm mới giáo trình sẽ “khó” cho giảng viên!?

Một khi nội dung chương trình chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội thì việc đào tạo ra những cử nhân, thạc sỹ không làm được việc là điều không bất ngờ như lâu nay báo chí phân tích, mổ xẻ.

Theo số liệu điều tra mới đây, ngành toán ở Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phải học số môn gấp đôi so với ngành toán tại đại học Chicago. 

Cũng như vậy hầu hết các đại học của Việt Nam sinh viên phải hoàn thành khoảng 70 môn trong 7 học kỳ (trung bình 10 môn/học kỳ) trong khi đó số môn mà các đại học Mỹ quy định là 4 môn/học kỳ, phải chăng người Mỹ đào tạo…hời hợt hơn ta? 

Câu hỏi, tại sao chúng ta không bỏ bớt các môn đại cương và những môn không cần thiết? 

Thay vào đó nên tăng cường thời lượng cho những môn chuyên ngành và đặc biệt là mỗi môn chuyên ngành nên thiết kế kèm theo chuyến đi tìm hiểu thực tế (nếu có thể) như cổ nhân đã dạy “trăm nghe không bằng một thấy”.

Thêm vào đó chúng ta cần mạnh dạn tiếp cận và sử dụng học liệu của các hệ thống đại học tiên tiến trên thế giới, đó là cách “xóa mù” nhanh nhất cho hệ thống kiến thức “U50”, “U60” của ta.

Nào là con số thất nghiệp cao, thiếu kỹ năng mềm…tuy nhiên, ông cha ta có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” trước khi đổ lỗi cho hàng triệu sinh viên - sản phẩm của mình, thì ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học nên đặt câu hỏi vì sao? 

Để đại học hết “học đại” cần rất nhiều nỗ lực từ ngành giáo dục và toàn xã hội, đã đến lúc phải quyết liệt hơn với “quốc sách hàng đầu”, trong những nhiệm vụ ấy việc cơ cấu lại nội dung chương trình học như thế nào là yếu tố rất quan trọng.

Ths Trương Khắc Trà
Theo báo GDVN