Bên cạnh đó, kỳ thi huy động được cả xã hội tham gia, chung tay chăm lo từ khâu tổ chức đến việc ăn, ở, đi lại của thí sinh, phụ huynh… Chính sự tin tưởng đó đã làm nên thành công của kỳ thi đánh dấu nhiều đổi mới.
Ông Lý Thanh Tú - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Kỳ thi đã trả lời những nghi ngờ
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thu hút sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội. Tại tỉnh An Giang, kỳ thi nhận được sự hỗ trợ từ phía xã hội rất lớn, tất cả chung tay lo từ khâu tổ chức đến việc hỗ trợ thí sinh và phụ huynh. Điều này minh chứng không chỉ ngành Giáo dục lo cho thế hệ trẻ mà xã hội vẫn chung tay, dõi theo với trách nhiệm lớn.
Là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, bao nhiêu việc cần phải chuẩn bị, cần phải làm, nếu một mình ngành Giáo dục sẽ không lo nổi.
Ví dụ, việc chuẩn bị chỗ ăn, ở cho thí sinh, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm... chủ yếu đều dựa vào nguồn lực xã hội là chính.
Với số lượng hàng trăm ngàn thí sinh và người thân đến thi tại An Giang là một áp lực rất lớn. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp tốt giữa ngành Giáo dục và xã hội nên không xảy ra bất kỳ vấn đề, sự cố nào; điều này tạo nên thành công của kỳ thi đánh dấu nhiều đổi mới.
Điều quan trọng là Kỳ thi THPT quốc gia đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo độ trung thực, tin cậy; Đã phản ánh đúng thực chất chất lượng giáo dục, từ công tác coi thi, chấm thi của các địa phương.
Thực tế ở tỉnh An Giang cũng như các địa phương khác, kết quả thi không có sự chênh lệch. Mặc dù trước kỳ thi, nhiều người lo ngại rằng kết quả tỉnh này sẽ khác tỉnh kia; cụm ĐH coi thi chấm thi sẽ khác với cụm địa phương tổ chức… Rõ ràng, qua kỳ thi đã trả lời với dư luận, xã hội về những “nghi ngờ” đó.
Bên cạnh đó, kỳ thi đã góp phần thực hiện một số chủ trương mà ngành Giáo dục đang nỗ lực thực hiện như: Giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THPT. Hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan. Qua đó tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục; tạo tiền đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Kỳ thi nâng cao cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh và tính cạnh tranh giữa các trường ĐH, CĐ…
Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm tới, chúng tôi thống nhất với Bộ GD&ĐT là tiếp tục duy trì mục tiêu của kỳ thi và có điều chỉnh phù hợp.
Sau khi tổ chức Kỳ thi năm 2015, đã có kinh nghiệm rồi thì khắc phục những hạn chế. Kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi lớn, vì vậy tất cả phải lường trước sự chuyển động của xã hội, đặc biệt là các phương án phát sinh…
Bộ GD&ĐT nên có tổng kết, rút kinh nghiệm, đặc biệt là rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa ngành GD&ĐT với chính quyền, với các tổ chức, xã hội trong việc tổ chức kỳ thi. Từ đó sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng hơn và huy động được sự hợp tác, giúp đỡ từ nhiều phía để làm nên thành công của kỳ thi.
Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường, các địa phương, Bộ cũng nên xem xét. Hướng tới Kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi địa phương vẫn tổ chức, xem đây là một kênh bình thường; tuy nhiên Bộ giao tự chủ nhiều hơn cho địa phương trong việc tổ chức thi, công bố điểm thi… vì kỳ thi vừa qua đã chứng minh cụm thi địa phương và cụm thi trường ĐH kết quả không chênh lệch nhiều. Vấn đề còn lại là phải tin, giao trách nhiệm để cộng đồng cùng chung vai tổ chức thành công Kỳ thi THPT quốc gia.
PGS.TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang: Kỳ thi được xã hội ủng hộ, ghi nhận
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã thành công với mục tiêu “2 trong 1”, vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường xét tuyển; thí sinh và phụ huynh giảm tốn kém, giảm áp lực thi cử.
Tuy là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nhưng đã thành công, được xã hội ủng hộ, ghi nhận. Mặc dù ban đầu dư luận có lo lắng, băn khoăn, không biết kỳ thi giao cho trường ĐH, Sở GD&ĐT tổ chức kết quả ra sao? Có chênh lệch không? Việc đi lại, ăn ở của thí sinh như thế nào?...
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo chung của Bộ GD&ĐT, sự nỗ lực của địa phương, các trường, các Sở, đặc biệt là xã hội chung tay chăm lo nên kỳ thi diễn ra thành công.
Thực tế, hiện nay công tác tuyển sinh của nhà trường đã hoàn tất, chúng tôi nhận thấy phương án sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia tạo điều kiện cho các trường ĐH xét tuyển thuận lợi; thí sinh cũng có nhiều cơ hội lựa chọn trường, ngành nghề yêu thích.
Kỳ thi THPT quốc gia trong các năm tới, vấn đề kỹ thuật cần được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt là khâu xét tuyển, tránh trường hợp ùn tắc, thí sinh phải chạy khắp nơi, rút nộp hồ sơ nhiều lần…
Tổ chức thi cũng cần sự phân công rõ ràng, hợp lý, ngay cả cơ chế tài chính để đỡ gánh nặng cho đơn vị tổ chức thi. Vì là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi nên khâu phối hợp, chỉ đạo, chuẩn bị chưa được cụ thể.
Nơi đứng ra tổ chức như cụm thi ĐH Tiền Giang phải tự lo nhiều thứ nhưng không biết phải phối hợp với Bộ GD&ĐT, với Sở, ban ngành, cụm thi địa phương như thế nào…
Trong các đợt tuyển sinh vừa qua, có trường ĐH tốp “trên” đưa ra điểm xét tuyển ở mức “an toàn” - điểm xét tuyển gần bằng điểm sàn nên lượng thí sinh tập trung nộp hồ sơ vào rất đông, gây nên số thí sinh ảo lớn.
Trong khi đó các trường khác ở “tầm trung” lại ít thí sinh lựa chọn; thậm chí nhiều thí sinh nộp hồ sơ rồi vẫn rút ra để nộp vào trường khác…
Bộ GD&ĐT cũng cần xem xét giao quyền tự chủ cho các trường, các cụm thi trong kỳ thi năm tới, theo hướng dữ liệu điểm thi của thí sinh Bộ vẫn quản lý, nhưng việc công bố kết quả nên giao cho Sở GD&ĐT công bố, tránh việc chờ đợi, nghẽn mạng, ùn tắc…
Nếu được, Bộ GD&ĐT xem xét phương án gom gọn Kỳ thi THPT quốc gia theo hướng: Tổ chức chung một cụm thi hoặc giao cho Sở GD&ĐT tự quản lý, tổ chức. Nếu tổ chức như vừa qua nhiều nơi có 2 ban chỉ đạo thi, 2 hội đồng thi nhưng chỉ làm cùng một nội dung, nhiệm vụ...