Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Thí sinh tự lượng sức để đăng ký và thay đổi nguyện vọng

Cập nhật 08/09/2015 - 07:51:02 PM (GMT+7)

“Công tác xét tuyển đại học năm nay, thí sinh tự cân nhắc, tự lượng sức để đăng ký và thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu để tránh được hiện tượng thí sinh điểm cao trượt ĐH, điểm thấp đỗ ĐH. Đây là sự không công bằng trong phạm vi xã hội. Bên cạnh đó, để các trường chọn được những học sinh giỏi nhất vào học…”

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 của Sở GD-ĐT Hà Nội ngày 10/8.

Tránh được hiện tượng thí sinh điểm cao trượt đại học

Nói về công tác xét tuyển ĐH năm nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, những năm trước thí sinh nộp hồ sơ đăng ký sau đó mới thi. Nộp hồ sơ từ lúc thí sinh chẳng biết mình có kết quả như thế nào, tương quan điểm chung với các bạn khác ra sao…nên dẫn đến việc chọn cảm tính. Nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng lại đăng ký vào trường cao quá nên bị trượt, nhiều thí sinh điểm thấp nhưng đăng ký vào trường số lượng ít thì lại trúng tuyển.

Năm nay chúng ta quyết định tổ chức thi xong, thí sinh biết kết quả của mình và Bộ GD-ĐT đã công bố đầy đủ tổ hợp các môn thi xét tuyển ĐH của tất cả các khối để thí sinh tự cân nhắc, tự lượng sức của mình để đăng ký và cho phép thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu để tránh được hiện tượng thí sinh điểm cao trượt ĐH, điểm thấp đỗ đại học, đây là sự không công bằng trong phạm vi xã hội. Bên cạnh đó để các trường chọn được những học sinh giỏi nhất vào học.

Bộ trưởng Luận nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu này (được tính toán, được cân nhắc, được lựa chọn, được rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng…), thí sinh phải lo lắng, phải xem xét, phải theo dõi, phải rút hồ sơ…Nếu thí sinh không rút hồ sơ thì ai làm hộ cho các em?

Nếu chúng ta chỉ so sánh đơn giản là rắc rối, lo lắng mấy chục ngày thì quả là không đúng. Nếu lo mấy chục ngày mà để tránh được cái oan ức một năm, thậm chí là một đời. Nếu chúng ta phân tích và nhận thức không đúng, đánh giá không đúng thì thấy nó phức tạp. Ở đây, Bộ GD-ĐT không bắt thí sinh phải lo mà là tạo cơ hội cho các em cân nhắc để quyết định tương lại của mình dựa trên những thông số rõ ràng nhất có thể. Các em bắt đầu vào đời rồi thì làm sao lại để xã hội lo lắng cho hết được”.

"Tôi nói ví dụ trên trước hết là gửi gắm các thầy cô để giải thích cho học trò của mình. Các cháu phải tính toán, phải lo lắng, phải cân nhắc, phải lựa chọn và làm những việc này phải với một tấm lòng biết ơn đối với các thầy. Cả hệ thống của chúng ta đang phải làm vất vả, khó khăn hơn những năm trước, nhưng với tinh thần trước Đảng, trước nhân dân, chúng ta sẵn sàng nhận phần khó, phần vất vả về mình để cho các cháu có cơ hội lựa chọn tốt nhất" - Bộ trưởng Luận bày tỏ.

Hà Nội cần đi đầu giảm số lượng sổ sách cho giáo viên

Tại Hội nghị, về công tác giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn yêu cầu Hà Nội đi đầu trong việc giảm sổ sách cho giáo viên. Giảm yêu cầu đối với các Hiệu trưởng và giáo viên.

Bộ trưởng Luận phân tích: "Chúng ta cứ kiểm tra, giám sát nhau bằng sổ, sách và chứng cứ để báo cáo với nhau. Tôi nghĩ, quyển số giáo viên như là một cuốn sổ tay mà giờ đây chúng ta lại kiểm điểm nhau xem viết có đầy đủ hay không, có viết đúng hay không…, điều này rõ ràng là không nên. Đây đơn thuần hoàn toàn là công cụ hỗ trợ khâu kỹ thuật. Nếu chúng ta bắt giáo viên viết nhận xét với tất cả học sinh thì thầy cô cũng làm được thôi, yêu cầu viết học sinh này khác học sinh kia chắc cũng thực hiện được…Tuy nhiên, toàn bộ tâm sức đề dành cho việc này thì làm gì còn sức để thực hiện công tác chuyên môn.

“Quan điểm đổi mới đã chỉ ra rồi đó là lấy sự phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh làm mục tiêu của lần thay đổi này. Chúng ta lấy cái sự thay đổi trong quá trình hình thành phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh làm thước đó đánh giá, không lấy cái quyển sổ công tác, quyển sổ nhật ký của cô giáo để làm thước đánh giá để làm gì. Bỏ tất cả những công cụ của chúng ta đã dùng để đi xuống trực tiếp kiểm tra các nhà trường, các thầy cô giáo, thay bằng công cụ khác” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.

luan-08102015-009c1
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Cần loại bỏ tư duy cũ áp đặt vào cái mới

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, năm học mới phải quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW sâu sắc và đầy đủ hơn để triển khai các công việc đổi mới. Kinh nghiệm con người chúng ta trước sự việc mới cần giải quyết mà chưa có lời giải thì trước hết là huy động vốn sống lịch sử để giải quyết chuyện của tương lai đang đặt đặt ra. Thứ hai là học tập kinh nghiệm người khác (quốc tế). Cả hai chúng ta vẫn phải làm nhưng thế không đủ vì mang cái cũ, cái vốn của mình để đánh giá một hiện tượng mới mà lại là đổi mới lại căn bản toàn diện, trong nhiều trường hợp là không đúng.

Minh chứng về quan điểm này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ: Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới có đề cập đến chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản và chúng tôi đang phải lắng nghe những gì xã hội đang lo lắng, tuy rằng nó không đúng và cũng không cần thiết. Nếu chúng ta mang vốn sống đang hoạt động trong một phường, xã để vào nói chuyện chức danh này trong trường học là không phù hợp. Về phần Bộ, ngành, chúng tôi đã giao nhiệm vụ tính toán cân nhắc để làm thế nào không có sự hiểu nhầm ở đây, không tạo những lo lắng không cần thiết. Nếu sự lo lắng đó là cần thiết thì tất nhiên sẽ tiếp thu để điều chỉnh.

“Tôi muốn nói khía cạnh ở đây chính là sự tiếp nhận của xã hội và của chính những người công tác trong ngành về một hiện tượng mới nhưng lại huy động vốn sống và sự hiểu biết cũ” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục phân tích: Ví dụ tư duy cũ-mới khi xem xét các phổ điểm. Khi chúng ta tổ chức thi thử bằng đề thi minh họa thì nhiều nơi thống kê số học sinh đạt từ 5 điểm trở lên thấp quá, đề nghị Bộ phải ra đề dễ đi để nhiều em được 5 điểm. Nhận định này là không đúng vì trước đây chúng ta có hai đề thi: một đề thi tốt nghiệp THPT và một đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Mỗi đề thi này đều có khung điểm 10, nghĩa là 5 điểm đạt trung bình. Bây giờ đề thi mới làm hai việc đó là xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh. Chúng ta đã tuyên bố, phần cơ bản có nghĩa là phần để xét tốt nghiệp khoảng 60%, thế nghĩa là điểm trung bình không phải là 5 điểm nữa mà là 3 điểm. Nếu chúng ta vẫn lấy cái thước cũ để đo hiện tượng mới để đánh giá là không đúng.

(Theo Báo Dân Trí)