Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Quy chế tuyển sinh mới: 6 hay 9 nguyện vọng?

Cập nhật 17/11/2014 - 09:01:12 AM (GMT+7)

Cuối tháng này, ngành GD-ĐT sẽ hỏi ý kiến rộng rãi về số nguyện vọng; sau khi thống nhất cách xét tuyển, sẽ chốt được số nguyện vọng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Quy chế tuyển sinh mới (QCTS) đang trong quá trình soạn thảo và khi có phiên bản đầu tiên, ngành GD-ĐT sẽ đưa ra để xin ý kiến. Về nguyên tắc cơ bản, quy chế 2015 được xây dựng mới dựa theo các điểm đã được quy định trong kỳ thi quốc gia THPT và có kế thừa quy chế cũ ở những điểm không thay đổi như: Diện ưu tiên, nhiệm vụ các trường khi thực hiện tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra… Điểm mới nhất trong quy chế mới là quy định về xét tuyển: Tổ hợp các môn thi, bao nhiêu tổ hợp, bao nhiêu môn thi cho một ngành, điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào, thí sinh được nộp bao nhiêu nguyện vọng, các trường công bố phương án xét tuyển thế nào, thời gian tuyển sinh trong bao lâu…

Đặc biệt, năm 2015, các trường sử dụng kết quả chung của kỳ thi quốc gia, trên một cơ sở dữ liệu nên phải có những quy định cụ thể để các trường có thể chọn thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo. Các trường tuyển sinh riêng thì sẽ tuyển sinh như năm 2014 và đa số các trường trong số này cũng sử dụng một phần chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả của kỳ thi quốc gia, một phần chỉ tiêu để xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT thì sẽ được quy định như năm 2014. Hiện các trường đã gửi đề án, Bộ sẽ xem xét và công bố.

Theo các thông tin lọt ra từ “đại bản doanh” của ngành GD-ĐT, mỗi thí sinh sẽ có 3 nguyện vọng (NV), 6 NV, 9 NV… Vậy thông tin nào là chính xác?

Đến giờ này chưa thể nói được vì phải dựa trên các quy định về xét tuyển; ví dụ: các trường có gửi giấy báo cho thí sinh hay là thí sinh tự tải trên mạng và nộp đơn xét tuyển vào các trường ĐH; Tuyển sinh chung toàn quốc cho tất cả các trường hay để các trường tự tuyển sinh như mọi năm… Mỗi phương thức xét tuyển có số lượng NV khác nhau. Khi thống nhất được cách xét tuyển sẽ có số lượng các NV. Đến giờ, chưa thể xác định được vì đang có rất nhiều ý kiến khác nhau về các vấn đề.

Tuy nhiên, cuối tháng 11/2014, ngành GD-ĐT sẽ đưa các chủ trương hỏi ý kiến rộng rãi, không nên đoán lúc 6 NV lúc 9 NV làm thí sinh hoang mang. Thông tin chính thức sẽ được ban hành, thí sinh cứ yên tâm học tập.

Một trong những điều các trường lo ngại là phần mềm tuyển sinh. Có ý kiến cho rằng, dù làm cách gì thì chỉ có thể nhìn thấy dữ liệu trên máy tính, nếu không quy định dải điểm tuyển sinh cho từng trường thì một thí sinh 20 điểm có thể nộp hồ sơ nhiều trường, khiến tuyển sinh hỗn loạn, nhiều trường sẽ phải “dài cổ” chờ thí sinh vì họ cùng chờ 1 thí sinh. Ý kiến của ông là gì?

Biện pháp giảm ảo đang được nghiên cứu và sẽ được đưa vào quy chế sắp tới. Tất nhiên, giảm ảo chỉ tương đối, không thể tuyệt đối. Bộ sẽ đưa ra các giải pháp để khiến số ảo ở mức các trường có thể chấp nhận được. Các chuyên gia đang nghiên cứu nhằm giảm khó khăn trong việc lọc thí sinh ảo cho các trường và điều này sẽ được đưa vào quy định của quy trình xét tuyển.

Được biết, trong tương lai, phương án thi riêng bằng bài thi tích hợp kiểm tra năng lực sẽ được sử dụng. Tất cả các thí sinh vùng miền có được áp dụng kỹ thuật làm bài của dạng bài này hay không?

Phương án thi riêng hiện nay mới chỉ có ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện hoàn toàn độc lập. Đây là trường đi đầu trong đổi mới, là điều chúng ta đang hướng tới, vì là cách thi tiến bộ nhất, giảm nhẹ việc tổ chức thi đến mức chỉ có một bài thi đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện đại trà, phải thay đổi cách dạy, học, thay đổi chương trình, sách giáo khoa.

Khi học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thì thi cử mới có thể thay đổi theo hướng đó được. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới khuyến khích các trường thực hiện, khuyến khích học sinh tham gia và để học sinh tích lũy kinh nghiệm dần. ĐH Quốc gia đã chuẩn bị và khảo sát kỹ thí sinh đáp ứng yêu cầu hay không để có phương án thích hợp. Bộ chưa có nghiên cứu cụ thể, chưa thực hiện đại trà.

Ông nghĩ gì về trào lưu đưa môn Văn vào thi tuyển sinh ngoài các khối thi truyền thống với mong muốn tăng tính nhân văn trong một số ngành nghề đào tạo bác sĩ, nhà kinh tế, nhà kỹ thuật?

Các trường sử dụng môn nào để xét tuyển ngành nghề là do các trường thực hiện quyền tự chủ trong việc xác định các tổ hợp xét tuyển. Nhưng bên cạnh những tổ hợp mới, các trường cần duy trì các tổ hợp truyền thống vì các thí sinh dự thi tuyển sinh 2015 đã học từ lâu để chuẩn bị cho việc thi cử. Chọn thêm Văn hay Sử, Địa, Bộ đều hoan nghênh vì như thế là yêu cầu thêm kiến thức xã hội, đào tạo ra con người toàn diện hơn. Điều này chấm dứt tình trạng sinh viên tốt nghiệp không viết nổi lá đơn xin việc, và góp phần chấm dứt hiện tượng học lệch của học sinh.

Cảm ơn ông. 

Dự kiến, tháng 1/2015 quy chế mới sẽ được công bố và trước đó 45 ngày, theo quy định, phải được đưa lên mạng. Như vậy, cuối tháng 11/2014, quy chế sẽ được trưng cầu ý kiến rộng rãi?

Thí sinh không nên quá hoang mang vì những thông tin không chính thống. Dù đổi mới theo cách nào thì Bộ cũng sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh và giảm tốn kém, giảm áp lực cho toàn xã hội. Theo đó, đề thi mới sẽ tương tự như năm 2014.

 

Theo Hồ Thu

Tiền Phong