Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Bộ đang cổ xúy … cho học lệch

Cập nhật 03/04/2014 - 09:47:19 AM (GMT+7)

Phương án thi tốt nghiệp mà Bộ đưa ra được đánh giá có nhiều điểm mới nhằm thay đổi toàn diện chất lượng giáo dục THPT lại là một phương án “lợi bất cập hại"?

Trước khi công bố phương án thi Tốt nghiệp THPT mới thì hiện tượng học lệch chỉ tập trung vào cuối năm 12 khi các em biết được môn thi tốt nghiệp và lựa chọn khối dự thi vào các trường CĐ-ĐH, nhưng hiện nay theo đa số giáo viên đang công tác tại các trường THPT thì việc học lệch đã diễn ra ngay cả khi các em còn học lớp 10, 11! 

Vậy vô hình chung Phương án thi tốt nghiệp mới mà Bộ đưa ra được đánh giá có nhiều điểm mới nhằm thay đổi căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục THPT lại là một phương án “lợi bất cập hại”!?

 

Đang diễn ra tình trạng học lệch tại các trường THPT? Ảnh minh họa

 

Hầu hết các trường THPT cả hệ thống công lập và dân lập, tư thục đều có các trung tâm luyện thi hay cơ sở bồi dưỡng văn hóa do chính các trường quản lí nhằm hợp thức hóa việc dạy thêm các môn thi tốt nghiệp dưới hình thức tăng ca, tăng tiết. Thậm chí một số trường dân lập đã họp phụ huynh để lên phương án “đóng trại luyện thi tốt nghiệp” cho học sinh như vậy việc cho thi 4 môn hay 6 môn; thêm tự chọn hay bắt buộc đều không tránh khỏi cái áp lực tâm lí cho cả học sinh và phụ huynh trước ngày thi. 

Chưa nói việc các trường THPT khéo léo thuyết phục các em để các em tránh đăng kí môn thi mà trường không có thế mạnh như sinh, sử vì các môn này dễ rớt và không đủ học sinh để trường mở lớp ôn tập thi tốt nghiệp. Vốn việc quay lưng với môn sử trong giới trẻ đã được cảnh báo gần đây, giờ qua phương án thi tốt nghiêp mới càng làm cho học sinh tẩy chay hơn với môn học quan trọng này! 

 

Tuy chưa có số liệu chính thức từ Bộ GD&ĐT về tỉ lệ đăng kí các môn thi nhưng việc chỉ có một, hai em dự thi một môn thi nào đó tại một hội đồng thi là chuyện hiển nhiên và không khó để đoán được sau năm 2015 sẽ có những môn thi tự chọn mà không có thí sinh dự thi, chẳng hạn như môn sử. 

Như vậy thì những tiêu chí đặt ra cho phương án môn thi tốt nghiệp năm nay liệu có quá vội vàng so với mục tiêu quyết tâm đổi mới việc thi cử nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh, giảm áp lực cho cả xã hội như cách Bộ GD&ÐT mong đợi!? 

 

Dư luận chờ xem sau khi áp dụng việc xét kết quả học tập của năm học 12 vào kết quả thi tốt nghiệp có phân hóa học sinh hay chỉ là để làm tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp khá, giỏi lên nhiều lần so với trước đây! Liệu từ nay trở đi kết quả các môn học trong học bạ của học sinh có còn đáng tin cậy hay đã được 'chỉ đạo' làm đẹp để trường có tỉ lệ tốt nghiệp như … mơ! 

Liệu các môn học không phải là các môn Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn và ngoại ngữ có còn được thực dạy hay hợp thức hóa trên thời khóa biểu báo cáo cho Sở giáo dục địa phương? Thêm một lí do để các trường chạy theo thành tích nhất là sau khi Bộ cho phép thi 2 môn tự chọn trong phương án thi tốt nghiệp. Theo thông tin từ đồng nghiệp, hiện đang quản lí một trường tư thục có tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh thì các trường buộc phải sắp xếp lại các lớp theo hướng 'luyện thi theo khối'. 

Nếu học sinh lớp 10 muốn chọn khối thi là A1 sau này thì các môn học mà lớp “luyện thi chính quy” này  chỉ còn học bốn môn chính toán, văn, vật lí và ngoại ngữ, các môn khác chỉ học cho có lệ hoặc kí sổ đầu bài, lịch báo giảng và học bạ học sinh mà thôi.

 

Người dân vẫn đang hoài nghi về một trận đánh lớn mà bộ giáo dục hướng đến mục tiêu tổng quát mà Nghị quyết TW 8 đã chỉ ra là 'giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân'!?
(Theo Báo GDVN)