Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Trúng tuyển cũng không được học

Cập nhật 17/10/2011 - 09:19:36 AM (GMT+7)
Vượt qua kỳ thi tuyển sinh đầy cam go, biết bao tân sinh viên hớn hở làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay với “hội chứng” đóng cửa ngành học ở hàng loạt trường, nhiều em thậm chí trúng tuyển NV1 cũng không được học.

Đóng 21 triệu đồng vẫn không được học

Ngày 13-10, thí sinh Vũ Thị Hương Giang trúng tuyển NV1 vào chuyên ngành Quản trị du lịch của trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) đến gặp ban giám hiệu nhà trường để yêu cầu nhà trường giải thích việc trường thông báo chuyển thí sinh này sang chuyên ngành Thương mại quốc tế, Kinh tế đối ngoại.

Theo thí sinh Giang: “Em trúng tuyển NV1, làm mọi thủ tục nhập học và đóng tất thảy 21 triệu đồng cho nhà trường nhưng đến nay vẫn không được học. Em xin rút hồ sơ thì nhà trường không cho. Mãi đến ngày 11-10, nhà trường thông báo chuyển em sang 2 ngành Thương mại quốc tế hoặc Kinh tế đối ngoại vì ngành em trúng tuyển không đủ người để mở lớp”.

Do không thích học một trong 2 chuyên ngành trên, nên Giang đề nghị nhà trường trả lại hồ sơ và giải quyết quyền lợi. Tuy nhiên, nhà trường lại yêu cầu thí sinh này tự viết đơn, tự tìm trường rồi đưa lên Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT để giải quyết.

Trước cảnh tiến thoái lưỡng nan như vậy, một phụ huynh tỏ ra thất vọng: “Nhà trường đã bội tín với thí sinh. Nếu trường thấy không đủ số lượng, không thể mở lớp, thì nên thông báo sớm để thí sinh còn thời gian nộp hồ sơ xin xét tuyển NV2, NV3 vào các trường khác hoặc có phương án giải quyết. Chứ đến nay mới thông báo thì quá trễ”. Điều đáng nói là nhà trường lại đưa ra phương án xử lý hết sức vô tâm: Nếu phụ huynh muốn rút học phí nhà trường sẽ giải quyết; nếu phụ huynh tìm được trường khác tiếp nhận trường sẽ có công văn xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. 

Ngoài Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khi kết thúc NV3 nhiều trường thông báo đóng cửa ngành và đưa ra phương án để thí sinh chọn chuyển ngành. Trường ĐH Văn Hiến thông báo không mở lớp với 2 ngành Xã hội học, Văn học và gần như bắt buộc thí sinh trúng tuyển 2 ngành này chuyển sang ngành học khác cùng khối thi. Theo Th.S Nguyễn Quốc Hợp: Có khoảng 20 thí sinh ở mỗi ngành phải chuyển sang ngành khác. Trong đó, có khoảng 8 hoặc 9 em trúng tuyển NV1 và đến làm thủ tục nhập học, đóng học phí và chờ kết thúc NV3 trường mới thông báo.

Tương tự, Trường ĐH CNTT Gia Định không mở lớp ngành Tiếng Anh do không đủ thí sinh. Số thí sinh trúng tuyển vào ngành này sẽ được nhà trường chuyển sang ngành học khác cùng khối thi theo nguyện vọng của thí sinh. Trường ĐH Đồng Tháp đóng cửa 4 ngành gồm: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện và Công nghệ thiết bị trường học.

Tương tự, các trường ĐH khác như ĐH An Giang, ĐH Quy Nhơn, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường ĐH Vạn Xuân, Trường ĐH Đà Lạt… đã phải đóng cửa hoặc vận động thí sinh trúng tuyển chuyển sang học các ngành khác cùng khối thi và cùng điểm chuẩn.

Giải quyết bất hợp lý

Thiếu thí sinh để mở lớp nên các trường buộc phải đóng cửa ngành học. Tuy nhiên, phương án mà nhiều trường đưa ra chưa thấu tình đạt lý. Hàng loạt trường phải đóng cửa ngành do thiếu chỉ tiêu nhưng lại thông báo khi kết thúc NV3. Ở thời điểm này, thí sinh không còn cơ hội để đến bất cứ trường nào nộp hồ sơ hay xin chuyển trường. Do đó, thông báo “thí sinh có thể chuyển sang ngành khác có cùng khối thi” dường như là ép buộc vì thí sinh đã hết lựa chọn. Một chuyên gia tuyển sinh cho biết, khi đã không tuyển được thí sinh ở NV1 hoặc NV2 thì nhà trường nên thông báo phương án xử lý để thí sinh lựa chọn. Chứ đợi kết thúc NV3 mới thông báo thì chẳng khác nào dồn thí sinh vào ngõ cụt.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm, cho rằng: “Phải giải quyết trên tinh thần vì quyền lợi của thí sinh. Không thể nói thí sinh tự đi kiếm trường để chuyển vì tuyển sinh đã kết thúc”. Do đó, Hội đồng tuyển sinh của trường có thể đưa ra 3 phương án để giúp thí sinh lựa chọn: cho phép thí sinh lựa chọn để chuyển ngành (cùng khối thi); cho thí sinh bảo lưu kết quả cho kỳ tuyển sinh năm sau; nhà trường phải tự liên hệ để giúp thí sinh chuyển ngành. Và nếu trường không mở lớp đào tạo thì thí sinh được quyền lựa chọn 3 phương án này và nhà trường phải giải quyết.

Dẫn chứng về cách làm này, ông Hùng cho biết, cách đây 2 năm, sau khi kết thúc NV3, ngành tiếng Pháp (khối D1, D3) chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Trường không thể mở lớp nên thông báo thí sinh được lựa chọn chuyển ngành hoặc bảo lưu kết quả. Tuy nhiên, chỉ có một thí sinh không chịu 2 phương án trên nên nhà trường phải làm việc với Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Sau khi trường bạn đồng ý, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM mới hỏi ý kiến thí sinh này rồi sau đó làm thủ tục chuyển trường.   

Như vậy, việc nhiều trường chỉ đưa ra một phương án “chuyển sang ngành khác có cùng khối thi” không chỉ bất hợp lý mà triệt tiêu quyền lựa chọn của thí sinh. Theo đó, cách giải quyết thứ 3 cho thí sinh là khó khăn nhưng buộc nhà trường phải làm vì không thể để thí sinh bơ vơ.

(Theo SGGP)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật