“Cơ chế tài chính hiện tại là lực cản, giống như một tảng băng lớn ngăn không cho giáo dục ĐH có điều kiện bứt phá”.
PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, khẳng định như vậy tại hội thảo “Đổi mới cơ chế đối với giáo dục ĐH” do Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 17-11.
PGS.TS Đinh Văn Nhã cho rằng việc đầu tư bình quân cho SV các ngành học khác nhau một khoản kinh phí như nhau từ ngân sách nhà nước là không ổn. “Với những ngành nhu cầu xã hội cần nhiều, người học thích học sẽ phải chịu một cơ chế khác so với những ngành học Nhà nước cần nhưng người học chưa mặn mà” - ông Nhã nói.
Bao nhiêu tiền cũng không đủ
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trường Giang - phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính - khẳng định: “Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục có tăng lên bao nhiêu nữa cũng không thể bao cấp đồng loạt cho tất cả ngành học, đối tượng học ĐH như hiện nay. Điều này ngay cả các nước giàu cũng không thực hiện được”.
Ông Giang dẫn chứng: “Sự dư thừa nhân lực ngành tài chính - ngân hàng so với nhu cầu đã được cảnh báo. Điều tra mới nhất của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính và Hay Group cho kết quả năm 2013 sẽ có 12.000 SV chuyên ngành tài chính - ngân hàng thất nghiệp hoặc phải tìm việc khác khi sẽ có 32.000 SV chuyên ngành này ra trường, nhưng chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính - ngân hàng tuyển dụng. Còn trong bốn năm tới, số SV tài chính - ngân hàng không được tuyển là 13.000 người”. Các chuyên gia cho rằng Nhà nước phải có chính sách can thiệp mạnh để tránh lãng phí nguồn lực đào tạo. “Có thể phải cắt giảm ngay mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua học phí thấp đối với SV tài chính - ngân hàng” - ông Giang đề xuất.
Phải chấp nhận quy luật “tiền nào của đó”?
Cho rằng mức học phí rẻ hiện nay gây cản trở chất lượng giáo dục khi vì nguồn thu quá hạn chế, các trường cố gắng tăng số lượng người học để tăng thu nhập nên không bảo đảm được chất lượng, ông Nguyễn Trường Giang đưa ra giải pháp “phải từng bước tính đủ chi phí đào tạo cần thiết trong học phí”.
Theo ông Giang, mức học phí dưới chi phí đào tạo quá nhiều (dự kiến đến năm 2015 mới đáp ứng được 40-50% chi phí đào tạo cần thiết) khiến việc hỗ trợ của Nhà nước mang tính bình quân, cào bằng, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo, thu nhập thấp với học sinh gia đình trung lưu thu nhập cao. “SV các gia đình có thu nhập cao chiếm tỉ lệ không nhỏ, nên chính sách học phí thấp lại trợ cấp ngược cho người giàu. Trong cơ chế thị trường, phải chấp nhận quy luật “tiền nào của đó”, dịch vụ chất lượng cao, xã hội có nhu cầu cao thì giá cao và ngược lại” - ông Giang nói.
Theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM, chi phí đào tạo hiện tại của nhà trường ở mức trung bình là 7,15 triệu đồng/SV/năm (trong đó ngân sách nhà nước cấp 40%; học phí, lệ phí 50%; các nguồn thu khác 10%). Mức chi phí đào tạo hiện nay được trường cho là không bảo đảm được chi phí giảng dạy, nghiệp vụ chuyên môn... Nhóm nghiên cứu tài chính của trường đã đưa ra mức chi phí đào tạo chung toàn ngành đến năm 2015 là 19,1 triệu đồng/năm, trong đó nhóm ngành kỹ thuật là 24,5 triệu đồng/năm, ngành khoa học tự nhiên là 23,2 triệu đồng/năm, khoa học xã hội và nhân văn 16,8 triệu đồng/năm, công nghệ thông tin 17,3 triệu đồng/năm, kinh tế 14,8 triệu đồng/năm.
Riêng ngành y được tính chi phí đào tạo đặc thù lên mức 50 triệu đồng/năm. Với mức tính chi phí đào tạo tăng dần đến năm 2020 từ 7,15 triệu đồng/SV/năm (năm học 2011-2012) lên mức 24,4 triệu đồng/SV/năm (2020) thì dự kiến học phí của đại học này sẽ tăng từ mức hơn 4,29 triệu đồng năm học 2010-2011 lên 15,66 triệu đồng năm 2014-2015 và 19,99 triệu đồng/SV/năm vào năm 2020.
Với lộ trình tăng học phí để thúc đẩy tăng chất lượng, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi cả cách đầu tư ngân sách cho giáo dục. Ông Nguyễn Đắc Hưng - vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tuyên giáo trung ương - cho rằng cần thay thế việc đầu tư ngân sách chia theo số chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào bằng cách đầu tư dựa trên đầu ra. “Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, người đứng đầu phải có trách nhiệm với sản phẩm đầu ra của mình, phải có cơ chế giám sát cam kết xã hội về chất lượng đào tạo” - ông Hưng nói.
Chi hàng tỉ USD/năm cho trường ĐH nước ngoài
Đó là ước tính của ông Nguyễn Trường Giang về lượng ngoại tệ VN phải “đổ” ra nước ngoài mỗi năm cho hơn 100.000 du học sinh đang học tại các nước trên thế giới, với mức chi trung bình 10.000 USD/du học sinh/năm. Câu trả lời cho tình trạng này là do chất lượng giáo dục ĐH VN còn yếu kém.
Theo ông Đặng Kim Vui - giám đốc ĐH Thái Nguyên, việc phụ huynh chọn lựa môi trường học tập ở nước ngoài chứng tỏ nhiều gia đình VN rất giàu. Có điều kiện kinh tế, gia đình nào cũng muốn gửi gắm con em vào môi trường giáo dục mà họ có thể đặt trọn niềm tin. Theo ông Vui, việc giao tự chủ cho các trường rất tốt, nhưng phải đi kèm các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ở Hà Lan, nhà nước có thể chi vài trăm triệu USD cho một trường ĐH/năm, nhưng sự đầu tư của họ không lãng phí khi chất lượng giáo dục, điều kiện đào tạo, giảng dạy được kiểm định đến nơi đến chốn.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH VN vì không được kiểm định, có tỉ lệ SV giỏi rất cao mà ít người tin vào chất lượng. “Thực tế, cơ chế tự chủ của trường ĐH chưa đến nơi đến chốn. Phải làm thế nào để doanh nghiệp cũng được đầu tư và hút được đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục. Nhà nước cho trường ĐH 100 tỉ đồng thì sau vài năm cũng tiêu hết, nhưng nếu cho các trường một cơ chế tự chủ, một chính sách tốt thì nhà trường sẽ vận hành để làm ra 100 tỉ đồng ấy” - ông Vui nói.
Tại hội thảo, Trung tâm nghiên cứu kinh tế phát triển - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã công bố kết quả nghiên cứu xác định chi phí đào tạo một SV ĐH VN theo đơn đặt hàng của Ngân hàng Thế giới. Chi phí này có sự thay đổi đáng kể giữa các nhóm ngành với mức cao nhất (18,09 triệu đồng) ở nhóm ngành y dược và mức thấp nhất 4,85 triệu đồng ở nhóm ngành kinh tế và luật. Mức trung bình cho tất cả các ngành là 6,04 triệu đồng/SV/năm, thấp hơn so với mặt bằng chung thế giới. |
(Theo Báo Tuổi Trẻ)