Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Cạn nguồn tuyển, trường điêu đứng

Cập nhật 12/10/2012 - 09:45:07 AM (GMT+7)

Nhiều trường ĐH rơi vào tình thế khốn đốn khi chỉ tuyển được rất ít sinh viên. Nhiều ngành học vì thế sẽ phải đóng cửa

“Thí sinh (TS) đang ở đâu? Chúng tôi tự hỏi câu hỏi này trước cảnh tuyển sinh quá đìu hiu những ngày vừa qua” - đại diện nhiều trường cùng băn khoăn trước “cảnh chợ chiều” cuối mùa tuyển sinh và đang hy vọng tuyển được những TS cuối cùng.

Nhiều ngành học phải tạm dừng

Tại Trường ĐH Tiền Giang, sau 3 đợt tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, hệ ĐH chỉ tuyển được 39,75%, CĐ chỉ đạt 49,91% so với chỉ tiêu. Ông Huỳnh Tấn Lợi, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết các năm trước, thấp nhất trường cũng tuyển được khoảng 80%, thế mà năm nay chỉ tuyển chưa được 50%, dù trường vẫn tiếp tục tuyển NV bổ sung nhưng rất ít hy vọng. Đến nay, ngành nuôi trồng thủy sản hệ ĐH mới tuyển được 4 sinh viên (SV), ngành công nghệ kỹ thuật ô tô hệ CĐ chỉ tuyển được 7 SV, đây là 2 ngành học có nhiều khả năng sẽ phải đóng cửa.

Thí sinh nhận phiếu báo điểm để xét tuyển nguyện vọng tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM
 
Tại Trường ĐH An Giang, do lường trước khả năng không thể duy trì được ngành học nên trường đã thông báo chuyển SV 3 ngành học là chăn nuôi (hệ ĐH và CĐ), sư phạm tin học, sư phạm sinh học sang ngành học khác. Ông Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho rằng 3 ngành học này trường đã đăng ký mã ngành nên năm nay vẫn tuyển sinh nhưng NV 1 chỉ có 2-3 SV trúng tuyển và xét thấy đây là những ngành học địa phương không có nhu cầu nên trường quyết định điều chỉnh cho SV chọn ngành học khác.

Các trường công lập đã khó, các trường ngoài công lập lại càng khó khăn hơn. Tại Trường ĐH Cửu Long, sau các đợt xét tuyển, trường chỉ nhận được 1.000 hồ sơ (chỉ tiêu tuyển 3.200), trong đó, TS nhập học chỉ khoảng 500 em. Đại diện nhà trường cho biết thời điểm này mỗi ngày chỉ nhận được 2-3 hồ sơ, do đó hy vọng tuyển đủ chỉ tiêu ngày càng xa vời. Hiện một số ngành kỹ thuật đang rất khó khăn khi chỉ nhận được chưa đến 10 hồ sơ/ngành.

Nhiều trường ĐH ngoài công lập khác như ĐH Tây Đô, ĐH Phan Thiết, ĐH Duy Tân... hiện còn thiếu rất nhiều chỉ tiêu và đang trông chờ xét tuyển NV bổ sung. Thậm chí như Trường ĐH Duy Tân thông báo dành nhiều suất học bổng trị giá 50% học phí của 4 năm học cho SV hay Trường ĐH Tân Tạo cũng thông báo dành 500 học bổng toàn phần nhưng cũng không thu hút được TS.

“Thí sinh, em ở đâu?”

Đó là câu hỏi của nhiều chuyên gia về tuyển sinh trước thực trạng nguồn tuyển khan hiếm. Đại diện Trường ĐH Cửu Long cho rằng có thể Bộ GD-ĐT đã tính toán chưa chính xác về TS đạt điểm sàn trở lên, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL - vốn được xem là “vùng trũng” của giáo dục trong cả nước - số lượng TS đạt điểm sàn không dư dôi như các vùng khác, dẫn đến nguồn tuyển ở khu vực này rất khan hiếm.
 
Ngoài ra, do nhiều trường công lập cũng chỉ lấy TS trúng tuyển ở mức điểm sàn nên TS chạy hết vào trường công. “Đến thời điểm này, đa phần TS đã tìm được chỗ học. Nếu bộ đồng ý cho các trường ĐH ở khu vực ở ĐBSCL được áp dụng lại Quy chế 33 cũ thì may ra chúng tôi mới có cơ hội tuyển thêm được một số SV nữa” - vị này nói.
 
Ông Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên, cho rằng hiện nay, TS đã có nhiều lựa chọn như học CĐ, trung cấp chuyên nghiệp... thay vì chọn học ĐH. Bên cạnh đó, ông Vui cũng cho rằng việc bộ lường TS trên điểm sàn không đúng thực tế khi tính chung TS của các khối. Ví dụ như khối A, B thi 2 đợt nên rất nhiều TS thi cả 2 khối và cùng trúng tuyển cả 2 khối nhưng TS chỉ chọn học 1 khối.
 
Đáng ra, khi tính toán điểm sàn, bộ phải lường được số ảo này. Ngoài ra, việc bộ cho phép nộp phiếu điểm photocopy cũng góp phần khiến nguồn ảo càng tăng cao. Cụ thể, tại Trường ĐH Tây Nguyên, sau 2 đợt xét tuyển NV bổ sung thu được 1.700 hồ sơ nhưng chỉ có 500 TS nhập học.

Tự khẳng định sự tồn tại

Ông Hoàng Xuân Quảng cho rằng nguồn tuyển khan hiếm là một thực tế nhưng không thể dựa vào việc không tuyển sinh được mà xin nới điểm ưu tiên khu vực. “Nếu áp dụng Quy chế 33 cũ thì nhiều TS chỉ đạt 7-8 điểm cũng đỗ ĐH và 4-5 điểm cũng đỗ CĐ. Với điểm số đó, TS không thể đủ điều kiện để theo học bậc ĐH, CĐ và khiến mức độ chênh lệch đầu vào quá xa” - ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, thời gian qua, nhiều trường ĐH được thành lập quá vội vàng, chưa đủ điều kiện bảo đảm chất lượng nên không tạo được niềm tin ở người học. Do vậy, các trường phải tự khẳng định sự tồn tại của mình thì mới thu hút được người học.

 (Theo nld.com.vn)