Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Thế giới nghề nghiệp

Cập nhật 27/02/2013 - 04:33:37 PM (GMT+7)

Thế giới nghề nghiệp thật phong phú, muôn hình muôn vẻ. Để tồn tại, mọi người sớm muộn ai cũng phải tiếp xúc với nghề. Thế nhưng, nghề nghiệp lại thường hay dấu kín những bí mật của nó. Chỉ khi nào con người thực sự yêu nghề, đi sâu vào nghề, “người với nghề là một”, “ta sống trong nghề, nghề sống trong ta”, ngắm nhìn nghề từ bên trong như ngắm nhìn chính bản thân ta, lúc ấy nghề mới cho thấy vẻ đẹp, tầm sâu và những chân trời cao rộng của nó. Tất cả các nghề, từ nghề dân dã bình thường cho tới nghề đòi hỏi phải có năng lực trí tuệ, thể chất chuyên biệt đều có những nét đẹp, vẻ lãng mạn, sự hấp dẫn riêng, khơi gợi nguồn cảm hứng cho những người say mê, gắn bó với nghề.

Tiếp xúc với thế giới nghề nghiệp, trước hết hãy học cách định hướng trong cái biển nghề nghiệp mênh mông, rồi dần dần đi sâu, cuối cùng chọn được trong đó cái nghề khởi đầu cho con đường lao động sống còn của mình.

Khái niệm chung về nghề

Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.

Nghề nghiệp trong xã hội không phải là một cái gì cố định, cứng nhắc. Nghề nghiệp cũng giống như một cơ thể sống, có sinh thành, phát triển và tiêu vong. Chẳng hạn, do sự phát triển của kỹ thuật điện tử nên đã hình thành công nghệ điện tử, do sự phát triển vũ bão của kỹ thuật máy tính nên đã hình thành cả một nền công nghệ tin học đồ sộ bao gồm việc thiết kế, chế tạo cả phần cứng, phần mềm và các thiết bị bổ trợ… Công nghệ các hợp chất cao phân tử tách ra từ công nghệ hóa dầu, công nghệ sinh học và các ngành dịch vụ, du lịch tiếp nối ra đời…

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, do sự chuyển biến của nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, nên đã gây ra những biến đổi sâu sắc trong cơ cấu nghề nghiệp của xã hội. Trong cơ chế thị trường, nhất là trong nền kinh tế tri thức tương lai, sức lao động cũng là một thứ hàng hóa. Giá trị của thứ hàng hóa sức lao động này tuỳ thuộc vào trình độ, tay nghề, khả năng về mọi mặt của người lao động. Xã hội đón nhận thứ hàng hóa này như thế nào là do “hàm lượng chất xám” và “chất lượng sức lao động” quyết định. Khái niệm phân công công tác sẽ mất dần trong quá trình vận hành của cơ chế thị trường. Con người phải chủ động chuẩn bị tiềm lực, trau dồi bản lĩnh, nắm vững một nghề, biết nhiều nghề để rồi tự tìm việc làm, tự tạo việc làm…

Khi giúp đỡ thanh niên chọn nghề, một số nhà nghiên cứu thường đặt câu hỏi: “Bạn biết được tên của bao nhiêu nghề?”. Nghe hỏi, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng mình có thể kể ra nhiều nghề, song khi đặt bút viết thì nhiều bạn không kể được quá 50 nghề. Bạn tưởng như thế đã là nhiều, song nhà nghiên cứu lại nhận xét: Chà, sao biết ít vậy!

Để hiểu vì sao nhà nghiên cứu lại kêu lên như vậy, chúng ta hãy cùng nhau làm sáng rõ 2 khái niệm Nghề và Chuyên môn.

Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội.

Nghề bao gồm nhiều chuyên môn. Chuyên môn là một lĩnh vực lao động sản xuất hẹp mà ở đó, con người bằng năng lực thể chất và tinh thần của mình làm ra những giá trị vật chất (thực phẩm, lương thực, công cụ lao động…) hoặc giá trị tinh thần (sách báo, phim ảnh, âm nhạc, tranh vẽ…) với tư cách là những phương tiện sinh tồn và phát triển của xã hội.

Trên thế giới hiện nay có trên dưới 2000 nghề với hàng chục nghìn chuyên môn. Ở Liên Xô trước đây, người ta đã thống kê được 15.000 chuyên môn, còn ở nước Mỹ, con số đó lên tới 40.000.

Vì hệ thống nghề nghiệp trong xã hội có số lượng nghề và chuyên môn nhiều như vậy nên người ta gọi hệ thống đó là “Thế giới nghề nghiệp”. Nhiều nghề chỉ thấy có ở nước này nhưng lại không thấy ở nước khác. Hơn nữa, các nghề trong xã hội luôn ở trong trạng thái biến động do sự phát triển của khoa học và công nghệ. Nhiều nghề cũ mất đi hoặc thay đổi về nội dung cũng như về phương pháp sản xuất. Nhiều nghề mới xuất hiện rồi phát triển theo hướng đa dạng hóa. Theo thống kê gần đây, trên thế giới mỗi năm có tới 500 nghề bị đào thải và khoảng 600 nghề mới xuất hiện. Ở nước ta, mỗi năm ở cả 3 hệ trường (dạy nghề, trung học chuyên ngiệp và cao đẳng - đại học) đào tạo trên dưới 300 nghề bao gồm hàng nghìn chuyên môn khác nhau.

 

Theo trang Tư vấn hướng nghiệp