Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Doanh nghiệp để tuột mất… nhân lực

Cập nhật 07/11/2011 - 12:02:23 PM (GMT+7)
(Dân trí) - Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng quản trị nhân sự Việt Nam 2011 cho thấy chỉ có 3% doanh nghiệp có quan hệ với nhà trường trong tuyển dụng nhân sự. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang bỏ lỡ cơ hội để tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Doanh nghiệp và nhà trường bắt tay – như đang là khẩu hiệu?

Ngày 6/11/2011 tại Hà Nội đã tổ chức diễn đàn thường niên về nhân sự lớn nhất “Ngày nhân sự Việt Nam 2011” (Vietnam Hrday) với chủ đề năm nay là: “Chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam”.

Diễn đàn này cũng lần đầu tiên công bố Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng quản trị nhân sự Việt Nam 2011được thực hiện bởi tổ chức Tư vấn Giáo dục Việt Nam (EduViet), Hội doanh nhân trẻ Việt Nam và tổ chức khảo sát và đánh giá độc lập (VinaTest).

Báo cáo cho thấy, chỉ có 3% doanh nghiệp có quan hệ với nhà trường trong tuyển dụng nhân sự. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp tỏ ra thờ ở với nhân lực chất lượng cao đến từ sinh viên mới ra trường. Doanh nghiệp cho rằng phải mất thời gian dài để đào tạo lại các sinh viên đó từ những kỹ năng cơ bản như soạn thảo văn bản, gửi email, cho đến giao tiếp, tác phong…

Theo PGS.TS Lê Quân –Chủ tịch EduViet – thành viên tham gia thực hiện Báo cáo đã chỉ ra rằng: Sử dụng thành thạo tiếng Anh cho phép sinh viên mới tốt nghiệp nhanh chóng có việc làm và có mức lương cao gần gấp đôi so với nhân lực không có tiếng Anh.

Tuy nhiên, theo khảo sát riêng của tiến sỹ, dưới 5% sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đăng của Việt Nam có trình độ tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên. “Nhà trường đang rất thiếu và yếu về định hướng cho sinh viên cần tập trung học những gì trong suốt những năm học để sau khi tốt nghiệp sẽ được các doanh nghiệp săn đón thay vì cố học để đạt điểm cao” – TS Quân nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Tuyết – đại diện Trường Đại học ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội lý giải: Trong khi nền kinh tế Việt Nam đã khá mở thì nền giáo dục vẫn còn nằm trong vòng điều tiết khắt khe của nhà nước và của Bộ GD-ĐT.

Hiện các trường vẫn phải dạy khá nhiều môn bắt buộc mà không liên quan trực tiếp nhiều tới ngành chuyên sâu khiến các trường có muốn giáo dục hướng thị cũng không được.

Ngược lại, về phía doanh nghiệp, bản thân họ là đối tượng nhận người và phê phán chất lượng đào tạo của trường trong khi lại thiếu trách nhiệm với trường trong đào tạo nhân lực. “Nhà trường không thể đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên nếu không có sự hợp tác của doanh nghiệp” – TS Quân khẳng định.

Nhân sự cấp cao bị ảnh hưởng bởi quan hệ xin-cho

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chi phí nhân sự chiếm tỷ trọng thấp trong doanh thu và giá thành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năng suất lao động bình quân của người lao động về doanh thu và lợi nhuận cũng thấp, trong khi bài toán tiền lương luôn tăng nhanh (bình quân 18%). Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh của doanh nghiệp (bình quân trên 42%) đang dựa trên nền tảng nhân công giá thấp.

Câu hỏi đặt ra là khi nào doanh nghiệp Việt Nam mới bước vào nền kinh tế tri thức, trong đó nhân lực đóng vai trò then chốt? Bởi thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp dựa vào nhân lực rẻ và nguồn tài nguyên thiên nhiên thì sẽ không bền vững. Hơn nữa, nhiều chuyên gia khẳng định rằng để tạo ra giá trị gia tăng thì vấn đề nằm ở nguồn nhân lực có chất lượng cao.
 
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều đại biểu tại diễn đàn, đáng buồn là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam các doanh nghiệp Việt Nam ít nhiều đều mang tính chất công ty gia đình, cơ chế “quan hệ xin-cho” và thói quen hành xử trong công việc đã tạo nên một môi trường làm việc rất phức tạp, từ đó ảnh hưởng với việc tuyển dụng nhân sự cấp cao.

Theo giám đốc nhân sự ELCom Lê Thị Thu Hương còn cho rằng: Thêm vào đó là những “công thần” không thích sự thay đổi, không thích sự có mặt của những nhân sự mới vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới đặc quyền, đặc lợi của họ.

Và hậu quả tất yếu là sẽ số đông những nhân sự chủ chốt mới được tuyển về, nhất là những người làm việc trong môi trường nước ngoài sẽ phải tự rút lui vì không cảm thấy thích nghi.

Trong khi đó, không phải không có những doanh nghiệp nhận ra sự cần thiết của nguồn nhân lực cấp cao. Họ sẵn sàng đưa ra các chế độ đãi ngộ vô cùng hấp dẫn để tuyển người về. Và khi ấy, những doanh nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội giữ chân người tài sẽ phải trả giá.

(Theo Dân Trí)