Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

ĐH tư nên theo mô hình “không vì lợi nhuận”

Cập nhật 29/04/2011 - 09:20:26 AM (GMT+7)
(Dân trí) - GS.TS Lâm Quang Thiệp kiến nghị: “Nhà nước nên khẳng định lại việc khuyến khích phát triển các trường ĐH ngoài công lập ở Việt Nam theo mô hình không vì lợi nhuận”.


Góp ý sâu sắc về vấn về phát triển mô hình đại học tư thục ở Việt Nam, GS.TS Lâm Quang Thiệp (ảnh), nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH Bộ GD-ĐT đã phân tích sự phát triển giáo dục đại học tư ở Việt Nam, ông cho biết, tháng 5/2006, Thủ tướng ra Quyết định 122/2006/QĐ - TTg cho phép 19 trường ĐH dân lập (DL) chuyển sang ĐH tư thục và quy định đến cuối tháng 6/2007 phải hoàn thành, tuy nhiên cho đến ngày 31/12/2007 chỉ một trường duy nhất là ĐH DL Thăng Long được quyết định chuyển đổi. Cho đến nay một số trường khác được chuyển đổi nhưng nhiều trường vẫn còn vướng mắc. Một lý do của sự chậm chễ này là các văn bản pháp quy không làm rõ các khái niệm quan trọng liên quan đến quyền sở hữu cá nhân, quyền sở hữu tập tể, cơ chế vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.

GS Thiệp ví dụ: Ngay như Trường ĐH Thăng Long, trường đầu tiên được quyết định chuyển đổi sang ĐH tư thục thì các quy chế ĐH tư thục cũng không hoàn toàn phù hợp. ĐH Thăng Long mong muốn trở thành một trường không vì lợi nhuận nhưng các quy chế ĐH tư thục lại quy định là có chia lợi nhuận. Trong khi đó, một quy định khác của Quy chế ĐH tư thục năm 2009 lại đi theo hướng ngược lại: Các cổ đông chỉ được sở hữu tài sản do mình góp vốn, các phần tài sản tăng lên do hoạt động của trường thuộc “sở hữu chung”. Chính khái niệm “sở hữu chung” của quy chế này là một trong các vấn đề gây bất đồng giữa các giới quản lý nhà nước và những người có công sáng lập các trường ngoài công lập (NCL).

GS Lâm Quang Thiệp kiến nghị: “Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên khẳng định lại việc khuyến khích phát triển các trường ĐH NCL ở Việt Nam theo mô hình không vì lợi nhuận”.

Theo GS Thiệp, ĐH tư “không vì lợi nhuận” không thuộc sở hữu nhà nước nhưng cũng không thuộc “sở hữu tư nhân” của chỉ những người góp vốn hoặc “sở hữu tập thể” của những người làm việc trong trường đó, mà thuộc “sở hữu cộng đồng”. Những người đại diện nhà trường có quyền khai thác nó để phục vụ cộng đồng nhưng không có quyền mua bán, chuyển nhượng. Hội đồng quản trị của ĐH tư không vì lợi nhuận đại diện cho sở hữu cộng đồng này chứ không chỉ đại diện cho những người góp vốn.

GS Thiệp cho hay, ở nước ta, khái niệm “không vì lợi nhuận” nên hiểu là “không vì lợi nhuận tối đa”, nhưng có thể chấp nhận một mức lợi nhuận “hợp lý” cho những người góp vốn, có như vậy mới khuyến khích các nhà đầu tư.

Đặc biệt, nhà nước nên có chính sách miễn thuế cho các trường không vì lợi nhuận, thu thuế tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của các trường ĐH để tái phân phối hỗ trợ cho các nhà trường.

Để đảm bảo tuyên bố “không vì lợi nhuận” của một trường không phải là lời nói suông, phải có cơ chế kiểm toán chặt chẽ nhằm xác nhận việc tính không vì lợi nhuận đó được tuân theo trên thực tế.

Về tổ chức, hội đồng quản trị của trường không chỉ bao gồm những người góp vốn, mà cần có thành phần đại diện cho cộng đồng và sinh viên. Để bảo đảm chất lượng văn bằng của các trường ĐH tư, chỉ nên cho phép trường cấp văn bằng chính thức sau khi quan được một quy trình kiểm định công nhận.

Đặc biệt cần đảm bảo bình đẳng thật sự giữa các trường ĐH công và ĐH tư không vì lợi nhuận.

Trường ĐH tư nào không chấp nhận các yêu cầu trên để trở thành một trường “không vì lợi nhuận” phải tuân theo cơ chế vì lợi nhuận, lúc đó nhà trường được xem như một doanh nghiệp thông thường và phải đóng thuế.

(Theo Dân Trí)