Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Để trường ngoài công lập bình đẳng với công lập

Cập nhật 17/01/2011 - 04:30:34 PM (GMT+7)
Phát triển hơn 20 năm, hệ thống các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục Việt Nam. Thế nhưng, đến nay các trường này vẫn “tự bơi”, không được hỗ trợ đúng mức và bị phân biệt đối xử.

Do gặp phải nhiều khó khăn nên các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hiện nay vẫn chưa đạt được quy mô và chất lượng tốt.

Không có trường

Theo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2010, đại đa số các cơ sở giáo dục NCL trong đề án thành lập trường đều được các địa phương cam kết hỗ trợ quy hoạch đất đai, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng trường, nhưng trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Một số trường sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây dựng (trường ĐHDL Đông Đô, ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương TP.HCM...) hoặc phải tự xoay xở trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng (trường ĐH Đại Nam). Hiện vẫn còn 15/78 trường NCL mới thành lập chưa xây dựng trường tại địa điểm đăng ký nên phải thuê mướn cơ sở để tổ chức đào tạo. Hầu hết các cơ sở này đều thiếu diện tích cho sinh viên (SV) vui chơi và hoạt động thể dục thể thao.

Chỉ riêng tại TP.HCM, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng hiện có tới 10 cơ sở nằm khắp các quận huyện. Trường ĐH Văn Hiến hơn 13 năm thành lập nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở chính thức mà phải đi thuê khắp nơi. Năm 2006, trường này được cấp lô đất rộng 5,6 ha tại huyện Bình Chánh nhưng hiện giờ vẫn chưa giải quyết xong việc giải tỏa đền bù. Trong khi đó, mỗi năm trường phải bỏ ra 7 tỉ đồng để thuê 4 cơ sở giảng dạy. Cũng tương tự, trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được thành lập vào tháng 5.1995 nhưng tất cả 8 cơ sở hiện nay đều thuê mướn. Thậm chí, có cơ sở phải nằm trong khuôn viên của một cơ quan khác.

Thiếu giảng viên

Theo Bộ GD-ĐT, tỷ lệ SV/giảng viên (GV) của cả nước là 28 SV/GV đã quá cao so với quy định. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy ở một số trường NCL tỷ lệ này còn đáng báo động hơn, thậm chí có nơi trên 40 SV/GV như: ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM: 47,3 SV/GV, ĐH Tây Đô: 44,2 SV/GV, ĐH Quốc tế Hồng Bàng: 40,2 SV/GV… Không chỉ vậy, ở hầu hết các trường NCL, số GV thỉnh giảng luôn nhiều hơn GV cơ hữu. Cá biệt, có trường như ĐH Đông Đô chỉ có 53 GV cơ hữu, trong khi số GV thỉnh giảng là 375. Theo báo cáo của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng năm 2009, số lượng GV thỉnh giảng chiếm gần gấp đôi so với GV cơ hữu (627/363). Ở trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học cũng tương tự (203/112). Không ít trường hợp danh sách GV thỉnh giảng của một số trường trùng nhau vì tập trung vào một số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có tên tuổi. Số giờ giảng của GV ở một số trường, một số môn học quá cao. Theo quy định hiện hành, giáo sư và GV cao cấp giảng dạy 360 giờ/năm, phó giáo sư và GV chính: 320 giờ; GV: 280 giờ. Tuy nhiên, thực tế nhiều GV trường NCL dạy tới 1.000 giờ/năm!

Khó tuyển sinh

Theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT thì đến năm 2020, toàn quốc phải đạt 4,5 triệu SV, trong đó số SV các trường ĐH dân lập/tư thục sẽ chiếm 30-40% tổng số SV cả nước, tức khoảng 1,5 triệu SV. Tình hình thực tế lại không theo quy hoạch vì thời gian qua dù số lượng các trường NCL tăng lên nhanh chóng nhưng quy mô SV lại tăng rất chậm, thậm chí có năm còn tụt giảm.

Nếu trong năm 1997 cả nước có 15 trường NCL thì đến tháng 9.2009 con số này đã là 78. Theo báo cáo tổng kết giáo dục ĐH năm học 2006-2007 của Bộ GD-ĐT, tổng số SV các trường ĐH, CĐ NCL năm này là 139.121 SV (chiếm 9,83% trong tổng số SV ĐH, CĐ trong toàn quốc), giảm so với năm học trước đó. Lý giải chuyện này, Bộ cho rằng, do trường công lập tăng, các trường tư thục mới thành lập chưa có lực lượng GV nên quy mô tuyển sinh nhỏ. Tuy nhiên, số lượng này cũng không tăng bao nhiêu trong những năm học sau. Tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ năm học 2008-2009 là 1.719.499 SV, trong đó khối NCL có 218.189 SV, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước.

Đỉnh điểm là năm 2010, năm mà rất nhiều trường NCL gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường NCL năm này vẫn tiếp tục tăng nhưng rất nhiều trường đã không tuyển đủ chỉ tiêu được giao và đã phải đóng cửa một số ngành học. Sau kỳ thi tuyển sinh năm 2010 vừa qua, nhiều trường NCL đã không khỏi lo lắng. GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐHDL Hải Phòng - tâm sự: “Nếu không có SV thì sớm muộn nhiều trường NCL sẽ chết”.

Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia đã nhận định, với tốc độ phát triển như hiện nay và nếu trong hoàn cảnh như bây giờ thì các trường NCL không thể đảm bảo được quy mô tăng số lượng SV như đã đề ra.

(Theo thanhnienonline)

Ý kiến

“Các trường ĐH công lập được Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi để có đất, có trường, có cơ sở vật chất, có tiền. Trong khi đó, các trường NCL phải “tự bơi” hoàn toàn. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để xây trường, mà phải là đất “sạch”. Nếu Nhà nước giao đất nhưng lại giao thêm cho trường cả khâu tự giải tỏa đền bù, tự lo kinh phí để xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất thì đối với chúng tôi là khó khăn quá lớn”.

Tiến sĩ Nguyễn Mộng Hùng
Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến

“Mọi người chen chân vào các trường công lập vì đều nghĩ học các trường công lập không phải đóng tiền, được Nhà nước tài trợ. Điều đó khiến cho các trường NCL chỉ “vớt” được các thí sinh kém”.

PGS-TS Lê Văn Lý
Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương TP.HCM