Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Hướng Nghiệp

Kỹ thuật công trình xây dựng: Ngành học có nhiều cơ hội hấp dẫn

Cập nhật 28/12/2015 - 12:32:12 PM (GMT+7)

Trong chương trình hướng nghiệp “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, nhiều em học sinh lớp 12 băn khoăn không biết lựa chọn ngành nào, bậc học nào mới phù hợp với khả năng và định hướng của gia đình.

Đừng từ bỏ chỉ vì… toán cao cấp

Dù đã nghe rất nhiều thông tin về nhu cầu thị trường lao động trong thời gian tới nhưng một số học sinh vẫn băn khoăn khi chọn lựa ngành, trường học. Nguyễn Hải Phong (học lớp 12A4) cho biết: “Em muốn học ngành sửa chữa ô tô ở bậc CĐ vì muốn nhanh ra trường có việc làm phụ giúp gia đình. Hơn nữa, năng lực của em chỉ có thể vào CĐ bằng hình thức xét học bạ THPT. Nhưng ba mẹ lại muốn em phải cố gắng vào được ĐH, sau này xin việc sẽ dễ dàng hơn. Em đang không biết nên chọn lựa như thế nào”. ThS. Biện Chương Dương (chuyên viên tâm lý) nhìn nhận: Hiện nay, nhiều học sinh và gia đình khi chọn nghề vẫn giữ quan niệm xưa cũ, lạc hậu cho rằng nghề đào tạo ở bậc ĐH thì dễ xin việc hơn nghề đào tạo ở bậc TC hay CĐ. Thậm chí có học sinh còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học TC hay ở các cơ sở đào tạo nghề. “Trên thực tế, thị trường việc làm hiện đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi ngành nghề lại đòi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc ĐH, sau ĐH nhưng cũng có nghề chỉ cần trình độ TC, CĐ. Trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những ai học TC lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH. Vì vậy, em nên mạnh dạn chọn ngành học, bậc học theo năng lực và suy nghĩ của mình. Việc em chọn học CĐ để sớm ra trường giúp đỡ gia đình cũng là một suy nghĩ tích cực, rất đáng khen, nhất là khi em mới chỉ là một học sinh THPT”, ThS. Biện Chương Dương cho biết.

Tương tự, Nguyễn Tường Lâm (học lớp 12A3) chia sẻ là em rất muốn học khối ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng nhưng lại rất phân vân vì những ngành này đều có… toán cao cấp. “Em nghe nhiều người nói toán cao cấp rất khó học nhưng lại không áp dụng được nhiều vào môi trường thực tế. Điều này khiến em rất phân vân vì khả năng học toán của em không giỏi lắm”. Giải đáp câu hỏi này, TS. Lê Quốc Thắng (Trưởng phòng Khảo khí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM) cho biết toán cao cấp là môn học dùng cho rất nhiều ngành thuộc khối ngành kinh tế, kỹ thuật. Trên thực tế, toán cao cấp cũng có một số môn khá tương tự với những gì các em được học ở bậc THPT, thậm chí toán cao cấp A1, A2 có cơ sở từ chương trình toán THPT như tích phân, vi phân, hàm lượng giác... “Ở các nước phát triển, thời lượng của môn toán cao cấp trong chương trình học khối ngành kinh tế còn nhiều gấp 3 lần Việt Nam, điều này đủ để thấy những giá trị thực dụng vô cùng to lớn của môn học này. Khi nền kinh tế Việt Nam hòa nhịp vào nền kinh tế thế giới, hàng loạt các bài toán được đặt ra cho các nhà chiến lược kinh tế như phân tích tài chính, phân tích thị trường, phân tích các nguồn vốn đầu tư, phân tích các chỉ số phát triển... rất cần đến nền tảng tư duy và tri thức từ toán cao cấp để hiểu và giải quyết các vấn đề. Ngoài ra, toán cao cấp cũng không khó như các em và nhiều người vẫn nghĩ, nên đừng vì ngại mà từ bỏ ngành học yêu thích của mình”, TS. Lê Quốc Thắng phân tích.

Kỹ thuật công trình xây dựng: Tiềm năng phát triển cao

“Trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những ai học TC lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp ĐH”.

 

 

Là con “nhà nòi” trong ngành xây dựng, Hoàng Nguyên Vũ (học lớp 12A5) bày tỏ: “Em rất muốn nối nghiệp gia đình, bản thân cũng thấy mình rất hợp với ngành xây dựng. Tuy nhiên điều em băn khoăn là trong tương lai, ngành này có nhiều cơ hội việc làm hay không và sinh viên sẽ được học những gì để phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội?”. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó trưởng phòng Tư vấn truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: Trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là việc làm rất được chú trọng nên kỹ thuật công trình xây dựng là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và không bao giờ lỗi thời. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, kiến trúc - xây dựng hiện là ngành thu hút nhiều nhân lực, chiếm 4% (khoảng 11.000 người/năm) tổng nhu cầu nhân lực mỗi năm của TP.HCM. Nhu cầu nhân lực về lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổ chức thi công, quản lý giám sát và nghiệm thu các công trình xây dựng dân dụng, công trình xây dựng công nghiệp phục vụ đời sống con người như: Nhà cao tầng, bệnh viện, trường học, nhà xưởng, trung tâm thương mại… luôn rất cao. Đây cũng là lý do khiến cho ngành học này hiện đang được đào tạo tại rất nhiều trường trong cả nước với nhiều trình độ khác nhau. Tại các trường ĐH, sinh viên ngành kỹ thuật công trình xây dựng được trang bị kiến thức cơ bản như toán ứng dụng, vật lý kỹ thuật, phần mềm thiết kế và kiến thức chuyên sâu như trắc địa, thủy lực, tư vấn, giám sát và tổ chức thi công. Bên cạnh đó, sinh viên ngành kỹ thuật công trình xây dựng còn được rèn luyện những kỹ năng cơ bản cần thiết để có thể tổ chức thực hiện, trình bày các đề án thực tế cũng như khả năng sáng tạo và triển khai các giải pháp công nghệ mới về lĩnh vực xây dựng…