Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Tin Tức Các Báo

Học nghề với nhiều ngành “hot”

Cập nhật 25/04/2013 - 09:22:40 AM (GMT+7)

Không chỉ học ĐH mới xin được việc làm và có khả năng thăng tiến mà ngay cả học TCCN, thậm chí là học một khóa đào tạo nghề ngắn hạn, các bạn trẻ cũng có thể tìm việc làm tốt, lương cao nếu nắm bắt được nghề nào có nhu cầu việc làm cao trong tương lai.
Nghề đầu bếp: Lương cao, dễ kiếm việc


Nghề đầu bếp

Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, hàng ngàn khách sạn mọc lên kéo theo đó là nhu cầu việc làm của ngành này rất cao, trong đó không thể không kể đến ngành đầu bếp. Tuy nhiên, số lượng đầu bếp ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng… vẫn phải thuê các đầu bếp nước ngoài với mức lương được tính bằng tiền đô. Vì vậy, đây là một nghề có tính ổn định, dễ kiếm việc làm, ngay từ khi chưa tốt nghiệp người học cũng có thể đi làm.

Để trở thành đầu bếp, không nhất thiết phải học ở các trường ĐH đòi hỏi trình độ cao mà ở các trường TCCN và CĐ nghề đều đào tạo ngành này hay là các lớp đào tạo ngắn hạn ở các trung tâm dịch vụ việc làm. Ngoài ra, cũng có thể học trực tiếp ở nhà hàng, khách sạn… thời gian đầu sẽ học việc rồi mới làm chính hoặc tự mở cửa hàng ăn cho riêng mình. Muốn trở thành đầu bếp giỏi, những kỹ năng cần phải có là trang bị các kiến thức đầy đủ về ẩm thực, có khả năng tổ chức một bếp ăn, có kỹ năng quản lý, lập kế hoạch trong nhà bếp… Đồng thời, ngành này cũng đòi hỏi sức khỏe, kiên nhẫn và chịu khó học hỏi thì mới có thể trở thành đầu bếp chính.

Nghề điện dân dụng: Gắn liền với tốc độ xây dựng nhà

Nghề điện dân dụng gắn liền với sự phát triển điện năng, đồ dùng điện và tốc độ xây dựng nhà ở. Một công trình muốn có điện sử dụng nhất thiết phải lắp đặt mạng điện và trang bị đồ dùng điện. Vì thế, nghề điện dân dụng có nhiều ưu thế để phát triển mạnh mẽ không chỉ ở đô thị mà còn là nông thôn, miền núi.
Điện dân dụng thuộc nhóm ngành cơ khí - điện - điện tử được đào tạo ở nhiều trường, từ các trường ĐH, CĐ cho đến TCCN. Nghề điện dân dụng bao gồm các chuyên môn như lắp đặt mạng điện; sửa chữa thiết bị điện: Đồng hồ đo điện, biến áp…; sửa chữa đồ dùng điện: Quạt máy, tủ lạnh, ti vi… Mặc dù nghề điện dân dụng có nhu cầu việc làm cao nhưng không phải ai cũng làm được nghề này bởi đòi hỏi ở người lao động rất nhiều tố chất. Trước hết, họ cần nắm rõ các kiến thức về an toàn điện cho người và thiết bị, nguyên lý vận hành các loại máy điện, hệ thống điện trong công nghiệp và dân dụng… Đặc biệt, người lao động phải có tác phong công nghiệp, kỷ luật, tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong quá trình thực hiện công việc để đảm bảo an toàn lao động. Ngoài ra, nghề này cũng đòi hỏi người học phải trang bị những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, giải quyết vấn đề…

Nghề sửa chữa xe máy: Sản phẩm nhiều, cơ hội việc làm cao

Ở nước ta, phương tiện lưu thông chủ yếu là xe máy (chiếm khoảng 90%), phương tiện này cũng dễ hư hỏng. Chính vì thế, hàng loạt cơ sở sửa chữa xe máy mọc lên, từ các đại lý bảo hành của các hãng xe đến những tiệm sửa chữa vừa và nhỏ, thậm chí là vỉa hè cũng có. Vì vậy, cơ hội việc làm ở ngành này rất cao, người học chắc chắn không lo bị thất nghiệp.

Học nghề sửa chữa xe máy, người học không cần có bằng cấp cao sang mà có thể chỉ cần học một khóa đào tạo nghề ngắn hạn (khoảng 2 tháng) với các lớp: Sửa chữa xe máy ngắn hạn, nâng cao, chuyên sâu. Hiện có nhiều trường đào tạo ngành này như CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Nghề Giao thông vận tải III, Trung cấp Nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương… Học viên được học những kỹ thuật như sửa chữa, lắp ráp, cân chỉnh, bảo trì, bảo dưỡng, máy, điện cơ các loại xe số hay học các loại xe ga với hệ thống phun xăng điện tử. Nghề này đòi hỏi người học cần chịu khó, mới tốt nghiệp lương không cao, thậm chí có thể làm phụ việc không lương để được thực hành thực tế nhưng về lâu về dài, khi tích lũy được kinh nghiệm thì việc làm sẽ rất ổn định, thu nhập khá cao, có thể tự mở cơ sở sửa chữa cho riêng mình.

(Theo báo Giáo Dục TP.HCM)