Mã Trường

Mã Trường
photo-256

Nghiên Cứu Khoa Học

Tiếp tục tìm giá trị ngành vi mạch

Cập nhật 18/04/2013 - 11:18:41 AM (GMT+7)

Khi ngành công nghiệp điện tử hay CNTT hiện nay, phần cứng chỉ lắp ráp, vặn ốc vít là chính; phần mềm thì gia công và chỉ làm được các ứng dụng vừa phải… Trong khi đó, phát triển công nghiệp vi mạch là làm “bộ não” cho các thiết bị điện tử, từ những thiết bị đơn giản đến hiện đại. Cho nên phát triển Chương trình vi mạch của TPHCM tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, điều này được thể hiện rõ trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với TPHCM về các vấn đề đặt ra…

  • Tạo ra “bộ óc”

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố gồm 7 dự án, đề án (Đề án đào tạo nhân lực vi mạch; đề án ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; đề án thiết kế và sản xuất thử nghiệm; đề án Design house; dự án xây dựng nhà máy; dự án phát triển thị trường vi mạch và đề án cơ chế chính sách). Khi thành phố đưa ra chương trình này đã có sự phối hợp tốt giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, với nhà trường, kết hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa nghiên cứu thử nghiệm ra sản phẩm thương mại…

Và thực tế TPHCM chủ trì ngành công nghiệp này, nhưng đây là làm cho cả nước và vai trò Nhà nước hết sức quan trọng, khi 7 dự án, đề án để xây dựng ngành thì 6 cái có sự tham gia của Nhà nước. Nhưng để phát triển mạnh ngành này cần phải có sự ưu tiên hàng đầu về chính sách và bám sát bộ, ngành mới thành công được.

Nghiên cứu vi mạch tại ICDRECT.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng, với chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, nó tạo ra cuộc cách mạng cho công nghiệp điện tử, công nghiệp CNTT của cả nước. Khi ngành công nghiệp điện tử hay CNTT hiện nay, phần cứng chỉ lắp ráp, vặn ốc vít là chính, phần mềm thì gia công và chỉ làm được các ứng dụng vừa phải. Chính vì thế, phát triển công nghiệp vi mạch là làm “bộ não” cho các thiết bị điện tử và đặc biệt nó đảm bảo được vấn đề an ninh khi “bộ não” do chính trong nước sản xuất.

Còn theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo vi mạch ICDRECT (ĐHQG TPHCM), kể từ khi ICDRECT thiết kế và chế tạo thành công con chip đầu tiên vào năm 2008, Việt Nam đã có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chip thế giới và đến nay nằm trong 3 nước ASEAN dẫn đầu về thiết kế vi mạch. Với sự phát triển như trên, việc thiết kế vi mạch ở TPHCM tiếp tục phát triển mạnh khi một số con chip tiếp theo đã ra đời và thử nghiệm đã hoạt động trong nhiều sản phẩm điện tử.

  • Cơ hội phát triển và cạnh tranh

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả TPHCM đã làm trong thời gian qua và với ngành vi mạch và cho biết hiện nay Chính phủ đã phê duyệt 6 sản phẩm quốc gia và 3 sản phẩm dự bị, trong đó có vi mạch bán dẫn. Vì vậy, thành phố cần gấp rút hoàn thiện chương trình phát triển ngành này để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ, phê duyệt.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đặt ra 3 vấn đề lớn. Thứ nhất lợi thế của ta là gì so với các nước bạn? Những nước có cùng xuất phát điểm với chúng ta trong khu vực đã vươn lên ngang tầm với các “đại gia” trong lĩnh vực này. Vấn đề thứ hai là chúng ta cạnh tranh cái gì? Với một nước đi sau, xác định vấn đề này sẽ tính được đầu ra cho sản phẩm. Trước hết công nghệ lõi của công nghiệp vi mạch không lạc hậu; thích nghi hóa cho nhóm sản phẩm đặc thù để phù hợp với năng lực và công nghệ đang sở hữu; cạnh tranh thiết kế sản phẩm cụ thể; cạnh tranh quá trình sản xuất và có chi phí thấp… 

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra, trong thời gian qua, các “ông lớn” trong lĩnh vực vi mạnh đã vào Việt Nam khá đông đảo, hết Intel, đến Samsung, Nokia, sắp tới là IBM… Rồi kế đó là vấn đề an ninh thông tin của Việt Nam trước cuộc chiến tranh mạng toàn cầu. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu chúng ta phải xây dựng được cho mình các thiết bị và hàng rào kỹ thuật đảm bảo an toàn. Vấn đề thứ 3 này cần được xem xét kỹ, làm cơ sở để xây lộ trình thực hiện cho chương trình vi mạch của TPHCM.

Các vấn đề Phó Thủ tướng đặt ra cho thấy TPHCM tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ trong chương trình phát triển vi mạch với kỳ vọng TPHCM sẽ tìm ra hướng đi đúng nhất, tốt nhất. Chính vì thế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển vi mạch phải góp phần vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý thông tin, đảm bảo an ninh…

 
 

"Vi mạch bán dẫn là sản phẩm quốc gia, rất cần các ngành chức năng làm rõ thêm những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cần sớm có chính sách đặc thù với chuyên gia Việt kiều về Việt Nam làm việc vì hiện những ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực này"

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM

 

(Theo SGGP)

Các Nội Dung Liên Quan