Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Đổi mới kiểm tra, đánh giá – không nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ

Cập nhật 25/06/2014 - 09:05:02 AM (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp (TN) THPT năm 2014 vừa khép lại với nhiều dư âm và tín hiệu tích cực. Kiểm tra đánh giá, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp, được Bộ GD&ĐT coi là khâu đột phá nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT và nằm trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. 

Những gì mà ngành GD ĐT còn trăn trở và mong muốn hướng tới để có thể tổ chức một kỳ thi quốc gia được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ thắng thắn trong cuộc trò chuyện cùng Hà Nội Mới.

Chưa như mong muốn nhưng đã thực chất hơn

Kỳ thi TN THPT năm 2014 về cơ bản đã hoàn thành với tỷ lệ đỗ của cả nước đạt 99,02%. Con số này lại tiếp tục gây cuộc tranh cãi rằng, tổ chức một kỳ thi tốn kém chỉ để đánh trượt 1% học sinh có đáng không. Vì sao ông lại cười khi nghe câu hỏi này ?

- Là bởi vì tổ chức kỳ thi không phải để đánh trượt học sinh mà là để đánh giá xem sau một quá trình học tập, học sinh có đạt được mục tiêu giáo dục hay không. 

Kiểm tra đánh giá, trong đó có kỳ thi quốc gia, không chỉ là đánh giá kết quả giáo dục mà còn góp phần tạo ra kết quả đó, không chỉ nhằm tác động tới từng cá nhân học sinh mà còn tác động đến tầm chính sách, dù điều này ở nước ta chưa làm được nhưng sẽ phải hướng tới. 

Vì thế, tôi cho rằng học gì cũng đều phải có kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra, đánh giá là nhằm điều chỉnh, tác động trở lại đối với việc học sao cho có chất lượng hơn, đáp ứng sát hơn với mục tiêu giáo dục, trong đó có đánh giá đầu ra bằng kỳ thi. 

Vấn đề đặt ra sau mỗi kỳ thi là, kết quả đỗ cao ấy là đỗ xứng đáng hay chưa bằng việc phân tích xem đề thi thế nào, coi thi ra sao…chứ không chỉ nhìn vào con số tỷ lệ tốt nghiệp.

Vậy theo ông, con số đỗ tốt nghiệp năm nay đã xứng đáng hay chưa ?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển 

-Tôi cho rằng kỳ thi năm nay đã đạt được những thành công nhất định với những tín hiệu tích cực, thể hiện qua phản hồi của giáo viên, HS và xã hội ở cả trước, trong và sau kỳ thi. 

Tình trạng phao thi giảm hẳn; những vi phạm tập thể, có tính chất nghiêm trọng không còn. 

Kết quả kỳ thi, dù chưa thực sự đạt được như mong muốn, song con số 99% HS TN THPT năm nay chắc chắn có “chất” hơn so với cùng tỷ lệ này năm ngoái. 

Việc giảm số môn thi, được tự chọn môn thi khiến HS có thêm hứng thú trong học tập, vì thế nên học thật hơn, chứ không phải chỉ bị nhồi nhét để đối phó với kỳ thi. 

Đề thi năm nay được thiết kế theo hướng tăng yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm câu hỏi học thuộc lòng, mức độ yêu cầu không chỉ đòi hỏi HS về kiến thức mà còn thể hiện tình cảm, tư duy riêng. 

Tôi tin rằng với những định hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT như hiện nay, chắc chắn chất lượng của kỳ thi năm sau sẽ tiếp tục tiến bộ .

Trước kỳ thi, nhiều người, thậm chí cả trong ngành giáo dục lo ngại về những thay đổi của kỳ thi năm nay, như giảm thời gian thi môn Văn, nội dung thi có thể nằm ngoài chương trình, đề mở liệu đáp án có mở không… Trước những ý kiến trái chiều ấy, các ông vấn quyết triển khai, kết quả là sau kỳ thi mọi băn khoăn ấy đã được tháo gỡ. Xin chúc mừng ông và ngành Giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn đó những băn khoăn như việc chọn môn thi có làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục toàn diện hay không?

- Việc đổi mới cách xét công nhận và xếp loại TN THPT là một trong những yêu cầu đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 29-NQ/TW: “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học”. Sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT vừa đánh giá được kiến thức nền tảng, vừa tiếp cận yêu cầu phân hóa HS.

Trước hết tôi xin nói về phân hóa. Chúng ta đã từng quan niệm, tốt nghiệp THPT là tất cả học sinh phải được yêu cầu như nhau. Nay, kiến thức phổ thông nền tảng phải hoàn thành ở THCS, còn bậc THPT là phải phân hóa và định hướng nghề nghiệp. 

Việc thực hiện phân ban ở THPT không thành công có phần do cách hiểu đơn giản trước đây. Chúng ta phải thấy một thực tế hiển nhiên là mỗi học sinh có những năng lực, sở trường, sở thích không giống nhau và giáo dục ở bậc THPT phải phân hóa. 

Thêm nữa, không nên hiểu một cách máy móc là không thi Sử thì không kiểm tra được kiến thức về lịch sử, không thi Giáo dục công dân là xem nhẹ giáo dục đạo đức. 

Giáo viên phải biết sử dụng nhiều cách đánh giá hiệu quả, phù hợp riêng với từng lĩnh vực giáo dục; mặt khác ta đã thấy đề thi môn Văn cũng có thể “gói” được các nội dung của một số môn khác.

Thứ hai là, việc kết hợp cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập ở lớp 12 với tỷ lệ 50%- 50% cũng là nhằm bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện. 

Nếu các nhà trường xác định đúng đắn vai trò của kiểm tra, đánh giá trong quá trình học thì việc sử dụng kết quả này thực sự mang lại hiệu quả mong muốn.

Như ông vừa nói, vai trò của đánh giá quá trình tại mỗi nhà trường rất quan trọng nhưng ông vẫn phải sử dụng mệnh đề “nếu” - “ thì”. Sự thận trọng đó là có lý do khi quá trình kiểm tra hồ sơ dự thi tại một số trường trước kỳ thi vừa qua cho thấy có dấu hiệu chỉnh sửa, bổ sung điểm số trong học bạ. Liệu bao giờ thì lãnh đạo Ngành có thể tin tưởng hoàn toàn vào cơ sở thưa ông ?

- Tôi nghĩ là cần có thời gian và sẽ đến lúc các nhà trường xác định đúng ý nghĩa việc kiểm tra, đánh giá là để tạo ra chất lượng. Bởi nếu không coi trọng quá trình này thì chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ bị ảnh hưởng và sẽ thiệt thòi cho chính nhà trường. 

Các địa phương cũng sẽ đến lúc ý thức về chất lượng thực sự của giáo dục vì đó chính là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của địa phương. 

Nếu vì “bệnh thành tích”, không nghiêm túc trong quá trình đánh giá thì trước sau cũng sẽ để lại hậu quả. Mỗi giáo viên cũng cần hiểu rằng nếu không đánh giá khách quan thì sẽ không thể giáo dục được học trò và tôi cho rằng, đa số thầy cô giáo đều mong muốn sự nghiêm túc.

Về mặt quản lý, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát điểm số của các nhà trường xem năm nay có gì khác so với năm trước hay không, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực hoặc có đột biến về tỷ lệ sẽ có các giải pháp thiết thực, hữu hiệu để chấn chỉnh.

Đột phá vì làm được ngay, không tốn kém, có tác động tích cực đến tất cả các thành tố của quá trình dạy học

Tôi cho rằng, với một đội ngũ đông đảo như hiện nay, việc để mỗi thầy cô giáo hiểu đúng và làm tốt khâu kiểm tra, đánh giá là việc không dễ dàng. Bộ GD ĐT sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này, thưa ông ?

- Phải làm cho các thầy cô giáo thay đổi về nhận thức. Họ phải ý thức được rằng, mục đích của kiểm tra đánh giá không phải chỉ là kiểm tra kết quả mà kiểm tra, đánh giá còn làm nên chất lượng và thực chất nó là phương pháp dạy học.

Lâu nay, công tác này của chúng ta còn lạc hậu. Sự lạc hậu này thể hiện từ việc không kiểm tra, đánh giá đúng mục tiêu giáo dục, chỉ tập trung vào kiểm tra kiến thức khiến cho việc dạy và học trở thành truyền thụ một chiều. 

Người dạy không biết dạy người học phương pháp tự học. Học sinh có kiến thức nhưng không biết vận dụng kiến thức. Cách dạy và học này làm thui chột hứng thú trong học tập, thậm chí học sinh không thấy được giá trị của việc học, không biết cách học và trở thành những con người thụ động.

Vì thế phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá để thay đổi cách dạy và cách học làm thế nào cho học sinh có năng lực, đáp ứng yếu tố cốt lõi của mục tiêu đổi mới giáo dục. Việc thay đổi này sẽ tác động đến cả việc thiết kế nội dung dạy học, dạy cái gì và dạy thế nào.

Nhưng từ thay đổi nhận thức đến đổi mới hành vi là quãng đường khá xa, nhất là, khoa học kiểm tra, đánh giá theo xu hướng như ông nói còn khá mới mẻ ở nước ta và giáo viên chưa được đào tạo đầy đủ về nó.

Đúng là thế nhưng nếu không thay đổi cách nghĩ thì sẽ không thể đổi mới cách làm. Cùng với những việc làm thay đổi nhận thức của giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ tập huấn, hướng dẫn họ biết cách ra đề, xây dựng đáp án chấm; biết cách nhận xét học sinh; nắm được các công cụ đánh giá và thành thạo kỹ năng kiểm tra, đánh giá học sinh. 

Bộ phải tạo các điều kiện để giáo viên có thể đổi mới kiểm tra, đánh giá như đổi mới chương trình đào tạo về kiểm tra đánh giá của các trường sư phạm, thiết kế chương trình và sách giáo khoa chuẩn. 

Hiện nay, có những việc chúng tôi đã và đang làm như đã xây dựng chương trình bồi dưỡng về đổi mới kiểm tra đánh giá cho từng đối tượng như cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ làm công tác khảo thí, giảng viên các trường sư phạm.

Toàn những việc mang tính “nội bộ” ngành và phải chăng đó là lý do ngành GD ĐT chọn đổi mới kiểm tra đánh giá là khâu đột phá ?

- Đó là một trong những lý do. Giải pháp đột phá có nghĩa là việc đầu tiên có thể làm được ngay, không tốn kém nhiều vì không phải thêm cơ sở vật chất, chủ yếu đòi hỏi sự cố gắng của giáo viên. 

Nhưng giải pháp đột phá phải có tác dụng thúc đẩy, có thể ảnh hưởng tới các yếu tố khác trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và chúng tôi cho rằng kiểm tra, đánh giá chính là một khâu làm được điều đó. Bởi trên thực tế, kiểm tra đánh giá thế nào thì dạy và học sẽ thế đó.

Có nghĩa là thi gì học nấy phải không ạ ?

- Lâu nay, nhiều người, kể cả cán bộ giáo dục, giáo viên cũng hay băn khoăn với việc thi gì học nấy hay học gì thi nấy. Tôi cho rằng, cả hai đều đúng nhưng giai đoạn này thì thi gì học nấy quan trọng hơn. 

Chúng ta đang chuyển sang mục tiêu đánh giá theo năng lực để tác động vào việc dạy và học sao cho hình thành nên năng lực chứ không chỉ là có kiến thức. 

Không phải là kiến thức không quan trọng nhưng kiến thức không phải là mục tiêu cuối cùng mà mục tiêu cuối cùng là kiến thức phải hình thành nên năng lực ở người học. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất hiểu rằng, không thể thay đổi ngay, mà phải từng bước sao cho ngày càng tiếp cận đến mục tiêu đặt ra.

Có nghĩa là Bộ đã thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT để tác động đến việc dạy và học ở bậc học này, từ đó sẽ lan tỏa sang các bậc học khác. Sau đó sẽ là gì, thưa ông ? Phải chăng là tiến tới một kỳ thi quốc gia vừa để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH,CĐ ?

- Kỳ thi quốc gia vừa để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ cũng chỉ là một phương thức đánh giá, đó là đánh giá đầu ra. 

Nhưng kiểm tra đánh giá không chỉ là đánh giá kết quả mà phải được làm thường xuyên, cả đầu vào, trong suốt quá trình giáo dục và đầu ra.

Quan trọng là, kiểm tra, đánh giá phải khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, chứ không phải chỉ để xếp thứ hạng. Kiểm tra, đánh giá không chỉ nhằm tác động đến từng cá nhân mà còn tác động đến tầm chính sách. 

Qua kết quả kiểm tra đánh giá mà cơ quan quản lý phân tích được vì sao chất lượng chỗ này tốt, chỗ kia yếu, tốt về mặt nào, yếu về mặt nào và vì sao. 

Trên cơ sở đó mà có những kiến nghị điều chỉnh chính sách. Kiểm tra, đánh giá còn phải coi trọng việc phát hiện vấn đề một cách kịp thời, xem trục trặc chỗ nào mà sửa chữa để giáo dục không có những sản phẩm phế phẩm.

Chúng ta đang ở đâu trên con đường đi đến những mục tiêu mà ông vừa nói, thưa ông ?

Có những việc chúng tôi đã và đang làm, có những việc chưa có điều kiện để triển khai. Quan điểm của chúng tôi là không nóng vội và không cầu toàn nhưng cũng không thể chần chừ mà không bắt đầu dù biết rằng phía trước còn nhiều khó khăn.

Xin cám ơn ông và hy vọng rằng, những thành công trong việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là động lực để ngành giáo dục tiếp tục con đường đã chọn để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục như mong muốn của ngành và toàn xã hội.

Theo Hà Nội mới


Tin Nổi Bật