Mã Trường

Mã Trường
photo-215

Thông báo

“Gạch không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung”

Cập nhật 22/06/2016 - 04:19:09 PM (GMT+7)

Báo Điện Tử và Tổ Quốc ngày 18/6/2016 đưa tin về Hội nghị Khoa học Công nghệ Xây dựng

TP.HCM:

“Gạch không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung”

(Tổ Quốc) – Tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng lần thứ nhất do Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tổ chức hôm (18/6), GS. Nguyễn Văn Đạt – Phó chủ tịch Hội KHKT Xây dựng TP.HCM đã khẳng định như vậy.

Hội nghị tập trung gần 35 đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các trường ĐH, CĐ trên cả nước, xoay quanh 2 chủ đề “Kết cấu, thi công và quản lý xây dựng” và “Cơ học đất, nền móng và vật liệu xây dựng”.

Điểm nhấn của hội nghị là đề tài nghiên cứu “Gạch xây không nung có cốt liệu mốp xốp EPS (Expandable Poly Sternl) thay thế gạch đất xét nung truyền thống” và “Công nghệ Geopolymer từ bùn thải quặng Bauxite và tro bay để sản xuất vật liệu dùng xây dựng nhà ở và đường nông thôn.

Theo GS. Nguyễn Văn Đạt, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung vừa để tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp…

Về vấn đề này, KTS Lê Hà Hoàng Nguyên –Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Hà Phúc, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm nước ta tiêu thụ khoảng 22 tỷ viên gạch đất sét nung. Nếu cứ đà phát triển này, đến năm 2020 sản lượng gạch đất sét nung cần thiết khoảng 40 tỷ viên và để sản xuất được lượng gạch này cần đến 600 triệu m3 đất sét, tương đương 30.000 ha đất canh tác. 

“Việc khai thác đất sét phá vỡ lớp chống thấm, nước ngầm sẽ thấm sâu vào lòng đất, ảnh hưởng rất lớn đến cây trồng. Ngoài ra, sản xuất gạch đất sét nung cần một lượng rất lớn than, củi…đốt. Khi các nhiên liệu đốt này cháy sẽ phát tán vào khí quyển một lượng khí thải không nhỏ, góp phần gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường xung quanh” - KTS Lê Hà Hoàng Nguyên, nói.

Để góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, tại hội nghị KTS Lê Hà Hoàng Nguyên “giới thiệu” đề tài nghiên cứu thực dụng – gạch xây không nung có cốt liệu mốp xốp EPS (Expandable Poly Sternl). Đề tài này được bắt đầu nghiên cứu từ năm 1997 và từ năm 2008 đến nay đã đưa vào thực nghiệm do Khoa Kỹ thuật công trình, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn hợp tác với Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Hà Phúc.

Trước những vấn đề đặt ra về “tuổi thọ”, chịu lực của viên gạch không nung cốt liệu mốp xốp EPS; sự liên kết, kết dính giữa các viên gạch; liên kết vật treo… của các học giả tại hội nghị.

TS. Đỗ Đào Hải-Trưởng khoa Kỹ thuật công trình, cho biết ưu điểm của gạch không nung cốt liệu mốp xốp EPS là nhẹ, 1 viên bằng 7 viên gạch thường, sản xuất ngay tại chân công trình…  Do đó, loại gạch này thích hợp cho xây dựng tại vùng đất yếu, nhà 2 tầng tường chịu lực, dùng vữa xây, trát thông thường hiện nay.

“Đặc biệt loại gạch này thân thiện với môi trường, do không có khí thải độc hại, không mùi hôi thối, không tiếng ồn ào đặc trưng và giá thành hạ…” - TS. Đỗ Đào Hải, nói.

Cũng theo TS. Đỗ Đào Hải, từ năm 2008 qua các công trình nghiên cứu thực nghiệm tại 50 căn nhà Đại đoàn kết tại Hà Tiên (Kiên Giang), 3 căn nhà tại huyện Hóc Môn, một khu nghĩ dưỡng tại Mũi Né (Phan Thiết)… bằng tấm panen, gạch không nung chất liệu mốp xốp EPS. Đến nay, các công trình trên vẫn sử dụng tốt, không có dấu hiệu thấm nước, nứt tường.

Liên qua đến vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, PGS.TS  Nguyễn Văn Chánh-Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng-Khoa Kỹ thuật xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ông cùng đồng nghiệp cũng đem đến hội nghị công trình nghiên cứu công nghệ Geopolymer từ bùn thải, quặng Bauxite và tro bay để sản xuất vật liệu dùng xây dựng nhà ở và đường nông thôn.

Theo PGS.TS  Nguyễn Văn Chánh, loại vật liệu tổng hợp Geopolymer từ Bauxite, bùn đỏ và tro bay có cường độ và độ bền nước khá cao. Ngoài ra, khi gia tăng hàm lượng của phụ gia hoạt hóa thì khả năng chịu lực và bền nước của vật liệu cũng tăng.

“Với các tính chất như trên, vật liệu tổng hợp Geopolymer hoàn toàn phù hợp để làm vật liệu xây dựng nhà ở cũng như làm được nông thôn, góp phần phát triển cơ sơ hạ tầng cho nông thôn, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội” - PGS.TS  Nguyễn Văn Chánh, nói.

Phát biểu kết thúc hội nghị, PGS.TS Cao Hòa Thi-Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết sự hợp tác nghiên cứu thực dụng – gạch xây không nung có cốt liệu mốp xốp EPS giữa Khoa Kỹ thuật công trình với Công ty TNHH Thiết kế xây dựng Hà Phúc sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xã hội hóa gạch không nung, tiến tới năm 2020 tỉ lệ sản xuất và sử dụng vật liệu không nung đạt từ 30 đến 40% theo đúng lộ trình của Quyết định 567/QĐ-TTg.

 

Gia Thanh