Đối với một trường Đại học, công tác đào tạo luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong nước cũng như tiếp cận với trình độ phát triển của ngành CNTP thế giới, chương trình đào tạo của khoa đã được xây dựng dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT ngành CNTP do GS. TSKH. Lưu Duẩn chủ trì xây dựng năm 2006 và chương trình của Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm thế giới (IUFoST-1998). Chương trình được xây dựng tương thích với tầm nhìn sứ mạng của trường và triết lý giáo dục của Khoa, với sự tham gia của các giảng viên, cán bộ quản lý, đại diện của các tổ chức, hội nghề nghiệp và các nhà tuyển dụng lao động, đồng thời gắn với nhu cầu học tập của người học, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Đặc điểm của chương trình:
- Về mặt lý thuyết: Cân đối và đầy đủ giữa các môn cơ sở và chuyên ngành, liên tục cập nhật và tiếp cận với các kiến thức mới, chương trình có đặc trưng riêng.
- Về mặt thực hành: Nội dung các bài thí nghiệm thực hành, đồ án môn học được xây dựng sát với thực tế sản xuất, giúp sinh viên có được những nền tảng tốt để có thể đảm nhiệm các công việc tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, đào tạo, nghiên cứu và quản lý thực phẩm.
Chương trình đào tạo hiện nay cũng nhận được sự góp ý, cố vấn của các nhà chuyên môn là các giáo sư trong và ngoài nước, đặc biệt là các giáo sư của IUFoST thông qua chương trình “Giáo Sư Tình Nguyện”. Nguồn tham khảo này giúp Khoa thiết kế một chương trình đào tạo giúp người học có thể cập nhật các kiến thức mới và tiếp cận với một môi trường làm việc mang tính chất đa quốc gia.
Năm 2014, chương trình đào tạo của Khoa được chỉnh sửa để chuẩn bị cho việc đánh giá theo hướng dẫn của IUFoST. Năm 2016, tại Hội nghị Thực phẩm quốc tế tại Dublin Ireland, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm của trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đã chính thức được công nhận đạt chuẩn của IUFoST.
GS. Luu Dzuan tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ thực phẩm thế giới, Dublin, Ireland