Mã Trường

Mã Trường
photo-210

Nghiên Cứu Khoa Học

Sinh viên ĐH Bách Khoa chế tạo thành công thiết bị y tế

Cập nhật 03/12/2012 - 10:47:25 AM (GMT+7)

Một nhóm sinh viên của Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố những thành công bước đầu đề tài nghiên cứu thiết kế máy tập phục hồi chức năng khuỷu tay khớp vai. Nhiều người hy vọng khi nghiên cứu này được áp dụng tại các bệnh viện sẽ giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, tại một số bệnh viện lớn ở Việt Nam, các thiết bị phục hồi chức năng đa phần đều là nhập ngoại, còn các thiết bị dạng cưỡng bức dành cho những người bị liệt thì hầu như chưa có. Từ thực tế đó, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Như Ngọc, Phạm Ngọc Tuân, Trần Văn Thanh, Tống Thanh Tú (K52, Viện Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội) đã thực hiện đề tài nghiên cứu thiết kế máy tập phục hồi chức năng khuỷu tay khớp vai. Đề tài giành giải nhì sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường 2011 – 2012 và đã có một số bệnh viện bày tỏ mong muốn có được thiết bị này.

Khi bắt đầu tiến hành khảo sát, nhóm thấy rằng trên thế giới có những thiết bị tập phục hồi chức năng cho người bị bại liệt, song kết cấu chưa phù hợp với thể trạng cũng như tình trạng bệnh ở Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu về việc tính toán thiết kế chế tạo một máy tập phục hồi chức năng khuỷu tay khớp vai phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết.

Thành viên trong nhóm thực hiện các bước sử dụng máy.

Ngay khi bắt tay vào thực hiện, nhóm đã có sự phân công nhiệm vụ rất rõ ràng với 3 phần việc cụ thể cho từng thành viên: tìm hiểu, khảo sát các cơ sở về y học, nhân trắc học; tính toán thiết kế hệ dẫn động và chi tiết cơ khí; xây dựng phương án điều khiển. Trong đó, các dữ liệu về y học và nhân trắc học sẽ là cơ sở cho quá trình tính toán thiết kế.

Nguyễn Như Ngọc, thành viên trong nhóm chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện đề tài: “Khó nhất là Việt Nam chưa nhập các thiết bị dạng cưỡng bức về sử dụng nên nhóm không tìm được mô hình để nghiên cứu. Các tài liệu tham khảo chủ yếu là video về vận hành của máy nước ngoài nên cũng phức tạp trong quá trình tìm hiểu về cơ chế, nguyên lý vận hành của chúng”.

Vì là thiết bị y tế nên nhóm phải tìm hiểu rất sâu về y học cũng như xin ý kiến rất nhiều chuyên gia. Nhóm đã phải đến nhiều bệnh viện để lấy ý kiến tham khảo nhằm có được nền tảng kiến thức y học phù hợp cho việc thiết kế và vận hành thiết bị. Nhờ có sự giúp đỡ của thầy hướng dẫn là TS. Nguyễn Tiến Đông nên việc liên hệ với các bệnh viện khá thuận lợi.

Cả nhóm hài lòng về tốc độ thay tháo nhanh của thiết bị.

Nhóm đã đến Bệnh viện 108 để tham khảo mô hình các loại máy phục hồi chức năng. “Viện lúc nào cũng kín người nên nhóm có đến thì cũng chỉ được phép xem các thiết bị qua loa bên ngoài, không thể dừng vận hành để xem xét thật kỹ. Các chuyên gia, bác sỹ tại đây cũng vô cùng bận rộn. Để có một cuộc hẹn, nhóm thường phải lên lịch hẹn trước cả tuần, cả tháng trời”, Ngọc kể.

Thông qua những buổi gặp gỡ, nhóm đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ cho quá trình thiết kế thiết bị, các bác sỹ đều nhận định đây là một thiết bị rất quan trọng, ngành y tế rất cần nên nếu nghiên cứu thành công thì có khả năng ứng dụng thực tế rất cao, và điều này đã tạo cho nhóm động lực lớn.

Hiểu rằng bệnh nhân bị liệt có thể suy nghĩ nhưng bản thân không thể vận động được nên cơ chế hoạt động của máy chủ yếu dựa trên góc độ này: Khi bệnh nhân muốn tập luyện để phục hồi các cơ xương khớp thì  y, bác sỹ sẽ đặt tay bệnh nhân lên thiết bị này. Các động cơ chuyển động, tạo thành quá trình tập luyện và phục hồi chức năng vận động của hai khớp thuộc chi trên (khớp vai và khớp khuỷu).

Qua quá trình nghiên cứu thiết kế, kết quả bước đầu của đề tài là mô hình máy có thể hoạt động tốt, thiết bị được thiết kế linh hoạt, có khả năng điều chỉnh không gian để phù hợp với đại đa số người Việt Nam. Ngọc vui vẻ: “Nhóm hài lòng nhất là mặt cơ khí của thiết bị. Nó đáp ứng được hoàn toàn việc thay tháo nhanh. Với 1 bệnh nhân thời gian thay tháo chỉ khoảng 5 – 10 phút, một máy có thể thực hiện 5, 6 bài tập khác nhau”.

Hiện nay, máy mới chỉ dừng lại ở một thiết bị độc lập, chưa có khả năng liên kết với các thiết bị bên ngoài. Nhóm dự định sẽ nâng cấp thêm để thiết bị an toàn hơn, phù hợp với vận hành y tế. Khi thiết bị đã đạt đến mức độ hoàn hảo nhất, nhóm sẽ đưa tới các bệnh viện để thử nghiệm lâm sàng.