Mã Trường

Mã Trường
photo-210

Nghiên Cứu Khoa Học

Nghiên cứu nạn đưa phong bì tại bệnh viện

Cập nhật 26/11/2012 - 11:25:05 AM (GMT+7)

Sáng 25-11, tại chung kết “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2012”, đề tài “Hiện tượng đưa phong bì tại bệnh viện ở TP.HCM” của Trần Thị Mai - SV Trường ĐH Mở TP.HCM - đã gây ấn tượng với ban giám khảo.

Sinh viên Trần Thị Mai trình bày đề tài trước hội đồng khoa học và các số liệu trong đề tài - Ảnh: NHƯ HÙNG - Đồ họa: N.Khanh

Theo lời tâm sự của Mai, lý do để Mai đến với đề tài được đánh giá là “nóng” này bắt nguồn từ một “thắc mắc”. Mai cho biết: “Lúc đầu tôi không chọn đề tài này. Nhưng sau khi nghe một chị nói chị đi thăm người thân tại bệnh viện, thấy có một số người đưa phong bì cho bác sĩ. Tôi cứ thắc mắc tại sao họ lại đưa phong bì, họ đưa như thế nào, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ ra sao sau khi nhận phong bì... Báo chí đã nói nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong muốn có số liệu cụ thể để thấy được khách quan, chủ quan của việc đưa phong bì”.

Mong được tiếp tục khảo sát thêm

* Kết quả đáng lưu ý trong đề tài của bạn?

- Tôi phát ra 200 bảng hỏi cho người nhà bệnh nhân tại bốn bệnh viện lớn ở TP.HCM. Trong 146 bảng hợp lệ thu lại, số người nói có biết hiện tượng đưa phong bì cho nhân viên y tế chiếm 76%. Đáng chú ý, có 53/146 người cho biết họ có trực tiếp đưa phong bì cho y tá, bác sĩ theo các hình thức như kẹp trong sổ khám bệnh, nhét vào túi áo y tá, bác sĩ hay đưa kèm hiện vật... Hơn một nửa trong số này cho biết họ thường chọn địa điểm vắng người trong bệnh viện để đưa phong bì, kế đến là đưa trong phòng điều trị bệnh nhân, phòng bác sĩ và cả nhà riêng của bác sĩ.

* Người nhà bệnh nhân đón nhận những bảng hỏi về phong bì như thế nào?

 

"Vừa rồi, liên quan đến đề tài của em, có một câu của bộ trưởng Bộ Y tế nói nếu ai đưa phong bì thì chụp ảnh, giao cho bộ trưởng. Em bình luận thế nào?"

PGS.TS Phan An
(trưởng ban giám khảo lĩnh vực xã hội - nhân văn)

- Họ ngại nói về vấn đề tế nhị này nên đôi khi rất khó thuyết phục trả lời bảng hỏi. Tại một bệnh viện, tôi đi thẳng vào phòng bệnh nhân, ngồi trò chuyện trực tiếp với người nhà của họ, nhờ cho ý kiến và giải thích những câu họ chưa hiểu. Cũng có người mình hỏi họ không trả lời. Người ngồi cạnh thấy thế cũng không trả lời luôn. Nhưng cũng có người hỗ trợ tận tình vì bức xúc khi phải đưa phong bì.

* Trong đề tài của bạn, người được hỏi nói gì về những lý do khiến họ phải đưa phong bì cho nhân viên y tế?

- Trong khảo sát của tôi, 64% người được khảo sát cho rằng quá tải tác động đến việc đưa phong bì vì ai cũng muốn được nhanh, được chăm sóc, được “để ý” nên đưa để được giải quyết nhanh hơn.

Nhiều người hoàn cảnh khó khăn nhưng “nghèo đưa theo kiểu nghèo” để mong được chăm sóc tốt hơn. Họ sợ bị phân biệt đối xử trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, có đến 90,9% người được hỏi “đồng ý” việc đưa phong bì là để mong muốn người thân của mình sẽ được chăm sóc tận tình, chu đáo hơn. Và 80,8% cũng rất đồng ý, đồng ý sau khi đưa phong bì, thái độ phục vụ của y tá, bác sĩ có “quan tâm hơn”.

* Bạn mong muốn điều gì qua đề tài của mình?

- Tôi chưa đi sâu vào giải thích những vấn đề đưa ra. Tôi mong muốn được tiếp tục khảo sát thêm, phỏng vấn sâu với người nhà bệnh nhân, ý kiến của y tá, bác sĩ về vấn đề này. Qua nghiên cứu, tôi hỏi người nhà bệnh nhân giải pháp nào để giảm bớt tình trạng đưa phong bì. Kết quả thu được cho rằng thủ tục khám chữa bệnh tránh rườm rà, phức tạp, tiếp đến là quan tâm đến mức lương và đời sống của nhân viên y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và người dân cần ý thức trong khi khám và chữa bệnh.

 

"Qua khảo sát, người nhà bệnh nhân chỉ đưa phong bì ở những nơi vắng người, không có người qua lại nên không thể chụp ảnh được. Em nghĩ đó có thể là giải pháp trong sự bế tắc của ngành y tế"

SV Trần Thị Mai

Đề tài của tôi cũng đưa ra khuyến nghị để giải quyết hiện tượng đưa phong bì trong bệnh viện cần phải có sự chung tay của cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y tá - bác sĩ và các cấp lãnh đạo trong ngành y tế và các ngành có liên quan.

Giám khảo hứng thú với đề tài

Ngoài phần nhận xét, phản biện, năm thành viên ban giám khảo cũng bàn luận thêm về câu chuyện phong bì.

Sau phần báo cáo tóm tắt, PGS.TS Nguyễn Công Đức - thành viên ban giám khảo - giơ tay: “Sở dĩ tôi nhanh nhảu xin có ý kiến đầu tiên vì có chút liên quan đến “sếp” (vợ - PV) của tôi ở nhà. Đồng chí ấy là bác sĩ. Hôm kia tôi bảo cô ấy đến nghe xem đúng được bao nhiêu. Nhưng dứt khoát tôi nghĩ ngành y tế của chúng ta, trong cơ chế hiện nay có nhiều tiêu cực. Cho nên, đề tài này nếu làm tốt sẽ góp phần giải quyết một vấn nạn xã hội đang nhức nhối. Có 200 phiếu được phát ra, thu về 146 bảng hợp lệ. Vậy, tôi đề nghị tác giả đánh giá thêm sự tương thích giữa thực tế với số lượng phiếu thu về”.

Sau phần chuẩn bị, Mai trả lời: “Công trình nghiên cứu của em mang tính ý tưởng, nghiên cứu và khám phá. Em nghĩ quan trọng là cách mình chọn mẫu như thế nào, còn số lượng đôi khi không quyết định đến kết quả nghiên cứu. Ví dụ như trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với lượng dân số cả trăm triệu nhưng người ta chỉ khảo sát trên 1.000-2.000 dân. Đó là con số đại diện và cách chọn mẫu của em mang tính xác suất cao”.

Trước khi đặt câu hỏi, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân - thành viên ban giám khảo - nhận định phong bì là hiện tượng nhức nhối nên đề tài hấp dẫn và có tính cấp thiết cao. “Thế nhưng, hiện tượng đưa phong bì không chỉ có trong lĩnh vực y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác như thủ tục hành chính, thuế quan, báo chí và cả giáo dục. Tác giả có nghĩ đến giải pháp để giải quyết hiện tượng này trên quy mô rộng hơn, ở các lĩnh vực khác nữa không?”.

“Lúc đầu, em cũng có nghĩ đến hiện tượng đưa phong bì ở những lĩnh vực khác. Nhưng em chọn khảo sát tại bệnh viện vì đây là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Em nghĩ nếu mình đưa ra giải pháp ở tầm vĩ mô thì phải nghiên cứu ở tầm vĩ mô hơn để có những thông số, từ đó có những giải pháp sát thực tế. Em không đưa ra giải pháp trên diện rộng vì sẽ không đồng bộ. Em nghĩ có thể giải quyết riêng trong vấn đề này ở bệnh viện, sau đó mới mở rộng ra các lĩnh vực khác” - Mai nói.

Đặt hàng thêm

PGS.TS Lê Thanh Sang - thành viên ban giám khảo - đánh giá ở mức độ nghiên cứu khoa học sinh viên, với những trình bày trong báo cáo thì đó là sự khích lệ và nỗ lực đáng ghi nhận. Theo TS Sang, đề tài đã mô tả, giải thích được ở mức độ nhất định hiện tượng đưa phong bì tại một số bệnh viện tiêu biểu mà tác giả lựa chọn.

“Báo cáo cho thấy tác giả biết cách sử dụng các phương pháp nghiên cứu, phân tích để đưa ra kết quả về mức độ phổ biến của việc đưa phong bì như đưa bao nhiêu lần, mỗi lần đưa bao nhiêu, ai là người đưa nhiều hơn, ai đưa ít hơn theo nghề nghiệp, thu nhập. Một hạn chế của đề tài là không có định tính. Kết quả của đề tài chỉ mô tả, theo mẫu định lượng nên không giải thích được vấn đề đưa ra. Một vài phần còn mang tính chủ quan” - ông Sang nói.

Sau phần phản biện, nhận xét của các giám khảo, PGS.TS Nguyễn Công Đức “xin được nói thêm” về chuyện phong bì.

Ông Đức kể: “Vợ tôi là bác sĩ nên cũng hay được trao và cô ấy cũng hay từ chối. Đối tượng y tá, bác sĩ, điều dưỡng cũng giống như chúng tôi. Tôi biết có những luận án tiến sĩ rất tệ nhưng bỏ phong bì là qua hết. Ở bệnh viện, chuyện phong bì chỉ liên quan đến một người. Trong khi qua phong bì mà một người nào đó thành tiến sĩ, nhà khoa học thì tác hại hơn nhiều”. Cuối cùng, ông Đức đặt hàng: “Xong đề tài nghiên cứu này, tác giả nên lấy đối tượng như chúng tôi, trong lĩnh vực của chúng tôi để nghiên cứu tiếp...”.

HÀ BÌNH

 

Nhiều đề tài thực tiễn

Vòng chung kết “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka 2012” lần thứ 14 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Có 72 đề tài nghiên cứu khoa học vào vòng chung kết, nhiều đề tài được đánh giá cao thể hiện tính mới lạ, xuất phát từ mong muốn cải thiện cuộc sống, giúp đỡ những người kém may mắn như: Sử dụng vật liệu từ thực vật trong xử lý mặt đứng công trình nhà ở, Nâng cao hiệu quả pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trên thị trường trái cây nhập khẩu VN, Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý nước đơn giản cho các hộ gia đình nghèo sống ven sông Sài Gòn, Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn từ 12-18 tuổi tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM...

H.THANH - P.TUẦN

 

Chi phí đưa phong bì cho nhân viên y tế

 

Chi phí đưa phong bì

 

Y tá

 

Bác sĩ

 

Người

 

%

 

Người

 

%

 

20.000-50.000 đồng

 

47

 

43,9

 

3

 

3,0

 

100.000-200.000 đồng

 

49

 

45,8

 

29

 

29,3

 

300.000-500.000 đồng

 

8

 

7,5

 

39

 

39,4

 

600.000-1.000.000 đồng

 

3

 

2,8

 

15

 

15,2

 

Trên 1 triệu đồng

 

 

 

13

 

13,1

 

Tổng

 

107

 

100

 

99

 

100

 

ThS Lê Minh Tiến (phụ trách nghiên cứu khoa học khoa xã hội học - công tác xã hội, Trường ĐH Mở TP.HCM):

Nên khảo cứu quy mô, bài bản hơn

Sinh viên Mai đã rất dũng cảm khi chọn đề tài nghiên cứu này vì đây là một vấn đề đã tồn tại từ lâu, đã vào diễn đàn nhiều kỳ họp Quốc hội của chúng ta nhưng chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Với trình độ của một sinh viên năm 3, với khoản kinh phí tài trợ chỉ hơn 2 triệu đồng nhưng kết quả mà em làm được là rất đáng biểu dương. Phần phân tích dữ liệu chưa thật xuất sắc nhưng những số liệu từ đề tài nghiên cứu của em rất đáng được những nhà quản lý trong ngành y tế, đại biểu Quốc hội quan tâm và tham khảo để có cái nhìn thực tế bước đầu về hiện tượng phong bì trong bệnh viện hiện nay, để từ đó có những khảo cứu quy mô hơn, bài bản hơn nhằm khắc phục hiện tượng không mong muốn này.

Các Nội Dung Liên Quan