Mã Trường

Mã Trường
photo-210

Nghiên Cứu Khoa Học

Quả ngọt mang tên Euréka

Cập nhật 16/12/2013 - 10:17:50 AM (GMT+7)

Dù chỉ là những nghiên cứu bước đầu, có khi còn khá thô sơ, nhưng nhiều tín hiệu vui từ các kết quả nghiên cứu khiến người ta có thể đặt niềm tin vào giải thưởng Euréka.

Nguyễn Thị Trang Nhã bên thành quả nghiên cứu là cây “2 trong 1” vừa cho cà chua trên ngọn, vừa cho khoai tây dưới gốc


Với nhiều nhóm ngành, các sinh viên đã tìm thấy cho mình đất dụng võ để làm quen với con đường nghiên cứu khoa học. Đã có kha khá sản phẩm được thành hình từ sân chơi khoa học đậm chất sinh viên này những năm qua.

Mầm non đã nảy

Mỗi năm, khi giải thưởng Euréka công bố kết quả, người ta lại bất ngờ trước sức sáng tạo, hào hứng với thành quả khoa học ban đầu của các thế hệ sinh viên TP. Nhiều người vẫn rất ấn tượng trước hình ảnh một cây cùng cho quả cà chua trên ngọn và củ khoai tây dưới rễ của cựu sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM Nguyễn Thị Trang Nhã năm nào. Đến nỗi bạn bè và cả thầy cô sau đó đều gọi cô là Nhã “khoai cà”.

Trang Nhã đã đi lại giữa Sài Gòn và Đà Lạt như cơm bữa và cũng không đếm được đã thất bại bao nhiêu lần mới cho ra kết quả. Việc ghép hai cây cà chua và khoai tây với nhau đã hoàn thành, song vì chăm không đúng cách nên có khi chỉ cho cà chua nhưng có lúc lại chỉ ra khoai tây. Thậm chí có thầy cô còn khuyên Nhã từ bỏ ý định làm nghiên cứu này khi cô bạn mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất, kiến thức chưa đủ. Nhưng Nhã quyết đeo đuổi đến cùng và đã thành công sau bao khổ luyện. “Một đơn vị vừa đặt vấn đề để tôi chuyển giao công nghệ cho họ triển khai đại trà công trình nghiên cứu này” - Nhã khoe.

Trong khi đó, nhóm cựu sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM gồm các bạn: Huỳnh Hữu Cảnh, Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Phạm Uyên Phương và Nguyễn Thị Thùy Dung đã tạo ra cây gậy gắn đèn và âm thanh dành cho người khiếm thị. Cả nhóm chỉ có mình Thùy Dung sáng mắt, ba bạn còn lại đều khiếm thị nên “làm cây gậy trước hết để tiện cho việc đi lại của chính mình” như các bạn tự nhận. Thùy Dung kể: “Nhóm đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của cô hướng dẫn, nhiều bạn còn giúp tìm mua vật liệu. Chúng tôi gắn đèn, tạo âm thanh để phương tiện giao thông chú ý hơn tới người khiếm thị khi họ lưu thông trên đường”.

Niềm vui với những người tổ chức giải thưởng chính là nhiều nghiên cứu xuất phát từ việc quan sát cuộc sống của tác giả. Có thể kể đến chiếc xe đạp dành cho người không tay của cựu sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM Đặng Thị Thu Hiền. Đó là nghiên cứu mô hình nhà cho vùng lũ hầu như năm nào cũng có sinh viên dự thi nhưng đều là các ý tưởng, giải pháp khác nhau từ thực tế lũ lụt ở nhiều vùng quê VN. Đó còn là robot điều khiển giao thông của nhóm cựu sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có thể hỗ trợ cảnh sát giao thông được giám khảo đánh giá cao…

Đi sẽ thấy con đường

Hầu hết các bạn đều không có chút kinh nghiệm nào khi bắt tay vào nghiên cứu. Cứ làm rồi tự tìm tòi trên mạng, học thêm ở thầy cô, bạn bè và… khổ luyện để đi đến kết quả cuối cùng.

Nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học & công nghệ trẻ Đỗ Việt Hà khuyên: “Các bạn hãy quan sát cuộc sống xung quanh sẽ phát hiện vấn đề nghiên cứu và mạnh dạn tìm lời giải cho điều mình trăn trở”. Còn PGS.TS Dương Anh Đức - hiệu trưởng ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) - băn khoăn vì các nhà tuyển dụng, giới công nghiệp của TP tham gia chưa đúng mức nên “làm cho giá trị giải thưởng chưa thật ấn tượng, quan trọng hơn là hạn chế khả năng nuôi dưỡng, chắp cánh cho các tài năng khoa học”.

Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường nhìn nhận Euréka đã thúc đẩy phong trào học tập, khuyến khích nghiên cứu khoa học trong sinh viên, góp phần cùng với nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để các bạn ứng dụng kiến thức đã học gắn với những vấn đề trong đời sống thực tiễn. “Thời gian tới sẽ phải đầu tư hơn việc tuyên truyền cũng như phối hợp tốt hơn với các đơn vị, doanh nghiệp để những đề tài nghiên cứu của sinh viên phải sát hơn, kịp thời hơn trước những đòi hỏi của cuộc sống, cũng là cách để nâng cao tính ứng dụng trong các đề tài nghiên cứu của sinh viên - anh Cường nói.

Nấc thang đầu tiên

- “Các bạn trẻ hãy xem Euréka là nấc thang đầu tiên để bước vào con đường khoa học vì nghiên cứu khoa học là công việc bền bỉ, lâu dài và có khi cần cả cuộc đời. Euréka sắp tới phải là nghiên cứu từng bước gắn liền với cuộc sống, góp phần bồi dưỡng, khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên TP”.

PGS.TS TRẦN VĂN LĂNG
(phó viện trưởng Viện Cơ học và tin học ứng dụng TP.HCM)

- “Chất lượng đề tài ngày càng tăng, gắn bó hơn với cuộc sống. Sinh viên ngày càng chững chạc hơn, đầy đủ hiểu biết và tự tin trình bày về kết quả nghiên cứu của mình. Là một trong những người góp phần hình thành giải thưởng này, tôi tự hào vì những điều ấy”.

TS CHẾ ĐÌNH LÝ
(phó viện trưởng Viện Tài nguyên & môi trường - ĐHQG TP.HCM)

Euréka ra đời từ... Tuổi Trẻ

Chương trình Euréka tài trợ cho các nhà nghiên cứu trẻ được khởi xướng năm 1990, nằm trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Tuổi Trẻ. Sau đó, Thành đoàn TP.HCM đã làm việc để chuyển giao toàn bộ quy trình đăng ký, vận động, xét duyệt tài trợ cho các đề tài về Trung tâm Sáng tạo khoa học trẻ Thành đoàn và thực hiện đến năm 1998. Kế thừa chương trình này, Thành đoàn TP.HCM và ĐHQG TP.HCM đã cùng ký kết hình thành giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka bắt đầu từ năm 1999 đến nay.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

Các Nội Dung Liên Quan