Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Kinh nghiệm ôn tập qua đề thi minh họa tốt nghiệp THPT.

Cập nhật 13/06/2022 - 02:53:54 PM (GMT+7)

Đề tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được giáo viên nhận xét không có nhiều khác biệt về cấu trúc, độ khó so với đề chính thức năm ngoái.

Giải và chữa đề minh họa môn Toán cho học sinh, thầy Nguyễn Văn Đức (giáo viên Toán, THPT Đồng Quan, Hà Nội), đánh giá cấu trúc, motif của đề năm nay tương đồng với đề thi chính thức năm trước. Những câu vận dụng cao tương đối dễ, học sinh mức khá có thể làm được.

* Đề minh họa môn Toán

Thầy Nguyễn Công Chính (Hệ thống Tuyensinh247), cho rằng tính phân loại của đề Toán không cao, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và bối cảnh học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Học sinh dễ dàng giải quyết 35-40 câu đầu. Câu 41 đến 50 khó hơn và yêu cầu vận dụng cao của đề thi nằm từ câu 44 đến 50. Về phạm vi ra đề, có 45 câu thuộc phần kiến thức lớp 12 và năm câu lớp 11. Vì vậy, thầy lưu ý thí sinh không bỏ qua kiến thức lớp 11.

Môn Văn cũng được nhận xét có cấu trúc, độ khó tương đồng đề chính thức năm ngoái. Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Văn, THPT Bình Hưng Hòa (TP HCM) cho biết, phần đọc hiểu hỏi về nhận biết, thông hiểu, mỗi dạng một câu; và hai câu vận dụng.

* Đề minh họa môn Văn

Trong phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn 200 chữ về một khía cạnh từ văn bản đọc hiểu. Câu nghị luận văn học yêu cầu trình bày suy nghĩ về một đoạn trích và có thêm yêu cầu phụ, nhận xét giá trị nhân đạo được thể hiện trong tác phẩm.

Muốn làm tốt đề thi dạng này, học sinh cần nắm một số thể thơ, hiểu được nội dung của văn bản ở phần đọc hiểu. Câu nghị luận xã hội, học sinh cần chú ý tập trung bàn một khía cạnh, vấn đề hẹp từ văn bản đọc hiểu.

Theo cô Phạm Thị Thu Phương (hệ thống Tuyensinh247), đề Văn bám sát chương trình sách giáo khoa, đầy đủ mức độ nhận thức và có tính phân loại cao. Học sinh trung bình nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 5-6, đủ đảm bảo để xét tốt nghiệp, học sinh khá đạt trên dưới 7 điểm.

Với môn Tiếng Anh, đề tham khảo được đánh giá phù hợp với cả mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Cô Nguyễn Thanh Hương (Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho rằng, đề kiểm tra đầy đủ kiến thức ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, đọc. Khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; phần còn lại mang tính vận dụng và vận dụng cao.

* Đề minh họa môn Tiếng Anh

Theo cô Hương, dạng bài ngữ âm hầu hết kiểm tra các từ cơ bản, xuất hiện trong sách giáo khoa; câu giao tiếp cũng gần gũi với đời sống. Dạng bài tìm câu đồng nghĩa, nối câu không xuất hiện kiến thức mới, vẫn liên quan đến biến đổi thì, "modal verb", câu gián tiếp, câu điều kiện và đảo ngữ. Đây là các dạng câu hỏi để học sinh gỡ điểm.

Bài đọc hiểu có các chủ đề quen thuộc như: tầm quan trọng của giấc ngủ; bản chất của việc đọc trong thế giới hiện đại; công nghệ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như thế nào. "Phần bài đọc cũng không xuất hiện nhiều từ khó hay lối hành văn bay bổng nên học sinh dễ dàng hiểu được nội dung", cô Hương nói.

Độ phân hóa nằm ở các câu về từ vựng (từ cùng trường nghĩa, cặp từ dễ gây nhầm lẫn); đọc hiểu, suy luận như câu số 3, 12, 30, 44, 49, 50.

 

Học sinh lớp 12 dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hồi cuối tháng 3. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh lớp 12 dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hồi cuối tháng 3.

 

Ở tổ hợp Khoa học Xã hội, môn Lịch Sử được chú ý bởi điểm trung bình môn này thường thấp ở những kỳ thi trước. Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM) cho rằng, phần lớn đề thi tập trung vào chương trình lớp 12. Lịch sử thế giới chiếm 14 câu trong số 40 câu.

Theo cô Huyền Thảo, câu 30 trở về sau là các câu khó. Trong đó, bốn câu so sánh trong đề được xem là khó nhất, chiếm một điểm. "Tuy nhiên, đề chỉ phù hợp cho mục đích xét tốt nghiệp, còn tuyển sinh đại học, độ phân hóa như vậy là chưa đủ", cô Huyền Thảo nhận xét.

Điểm mới của đề thi minh họa nằm ở câu 20 - kiểm tra kiến thức giai đoạn "đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc" - vốn là phần tự học.

Ở tổ hợp Khoa học Tự nhiên, giáo viên đánh giá đề thi tránh được tình trạng học tủ, học vẹt. Môn Hóa Học và Vật Lý được nhiều học sinh quan tâm, bàn luận trên các diễn đàn ôn thi.

Với môn Hóa, thầy Phạm Lê Thanh (THPT Nguyễn Hiền, TP HCM) cho rằng đa số câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, bốn câu trong lớp 11.

Các câu lý thuyết và bài toán cơ bản trải dài từ câu 1 đến 30, sắp xếp từ mức độ biết, hiểu đến vận dụng thấp. Phần này chiếm 6,5-7-5 điểm; học sinh trung bình, khá có thể giải quyết tốt nếu nắm vững lý thuyết và rèn luyện bài tập nhuần nhuyễn. Từ câu 31, đề có khoảng sáu câu có tính phân loại cao và rất cao với yêu cầu tính toán phức tạp, qua nhiều bước.

"Để giải quyết kịp các câu này, học sinh không những phải nắm vững bản chất hóa học mà còn phải tư duy nhạy bén. Những câu hỏi này phù hợp để sàng lọc thí sinh vào trường top đầu", thầy Thanh cho biết.

Với Vật Lý, thầy Phạm Quốc Toản (hệ thống Tuyensinh247) dự báo, thí sinh dễ dàng lấy 5-6 điểm để xét tốt nghiệp. Đề có tám câu cuối phân loại với mức độ khó. Nhìn chung, với dạng đề này, điểm 9 sẽ rất hiếm.

Một điểm mới trong đề tham khảo là có nhiều câu trắc nghiệm định tính (lý thuyết). Theo thầy Toản, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng ra nhiều câu lý thuyết để phù hợp với tình hình học online kéo dài.

Ngày 31/3, Bộ Giáo dục công bố đề tham khảo các môn, gồm Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (gồm bảy thứ tiếng: Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Bộ chưa công bố lịch thi tốt nghiệp THPT, chỉ dự kiến diễn ra trong tháng 7.

Xem đề thi minh họa các môn:

(Theo VnExpress).


Giới Thiệu STU