Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Những điều nên biết khi ôn tập môn toán

Cập nhật 04/04/2013 - 09:01:14 AM (GMT+7)

Về nội dung, học sinh cần theo sát hướng dẫn chuyên môn của bộ và sở mà giáo viên ôn tập trên lớp.

Về phương pháp thực hiện cần lưu ý những điểm sau:

- Phải nắm vững kiến thức, tức là nhớ các công thức, định lý và biết cách vận dụng chúng để giải được bài tập.

- Nên tự làm các bài tập và làm lại các ví dụ trong sách giáo khoa, sách bài tập trước khi xem lời giải để so sánh những phần mình còn thiếu sót.

- Khi làm xong một bài toán nên tập thói quen kiểm lại kết quả vừa tìm được vì nếu không rất dễ bỏ qua nhũng sai sót một cách ngớ ngẩn.

- Muốn làm một bài toán đạt hiệu quả cao, ta cần có cả kiến thức và kỹ năng thực hành, phải biết cách giải, tính toán chính xác, nhanh gọn. Có nhiều học sinh khi nghe giảng thì hiểu nhanh nhưng khi trình bày một bài giải hoàn chỉnh lại tỏ ra lúng túng. Nguyên nhân chính là khi ôn tập các em thường chỉ nghĩ ra cách giải mà không chịu làm đầy đủ các bước để đi đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, khi vào phòng thi, với khối lượng công việc nhiều, trong tâm trạng căng thẳng lại bị khống chế thời gian nên dễ mắc sai sót, nhầm lẫn.

- Khi làm bài ở phòng thi ít khi ta đạt được đúng số điểm ứng với khả năng của mình. Cũng bài thi đó nếu làm ở nhà được 8 điểm chẳng hạn, khi làm ở phòng thi chỉ đạt 7 hoặc thậm chí ít hơn. Đó là do chưa chuẩn bị kỹ năng lực làm bài. Do đó, ngoài ôn tập kiến thức còn phải chuẩn bị sức khỏe, tâm lý thoải mái..., phải tự rèn cho mình thói quen làm bài trong điều kiện thời gian bị khống chế, cách trình bày bài rõ ràng, gọn, đủ ý.

- Mỗi người phải biết phát huy tối đa thế mạnh của mình. Sau khi nhận được đề thi phải thật bình tĩnh đọc kỹ toàn thể đề bài rồi chọn làm trước những câu mà mình có thể làm tốt, phân phối thời gian cho mỗi câu một cách hợp lý. Đối với đề thi hiện nay, thời gian để làm một câu (trong 10 câu nhỏ) khoảng 15-20 phút. Tránh tình trạng lao vào làm trước các câu khó, mất nhiều thời gian và sức lực mà không giải được bài, ảnh hưởng đến các câu còn lại.

- Ngoài ra, trong thời gian ôn tập các em cũng cần rèn luyện cho mình thói quen làm bài liên tục 180 phút không nghỉ. Lúc đó vào phòng thi, trí óc ta mới còn minh mẫn đến những phút cuối buổi thi.

Thầy TRẦN NGÔ (nguyên tổ trưởng tổ toán Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM)


Giới Thiệu STU