Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Nghiên Cứu Khoa Học

“Làng không rác”

Cập nhật 12/10/2012 - 12:45:39 PM (GMT+7)

Nhiều người “sôi sục” khi cách đây 4 tháng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải (Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) và 5 học trò đoạt giải cuộc thi về môi trường, nhưng không có tiền lộ phí để ra Hà Nội nhận giải.

Nhưng ít ai biết rằng, sau cơn khó ấy, thầy Hải và các học trò của mình lại có may mắn kỳ ngộ với GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Và một câu chuyện mới nữa về môi trường được viết ra…
 

Học sinh trường An Lạc Thôn thí nghiệm lọc nước thải bằng... than và bã mía.

Thầy Hiệu tiếp sức thầy Hải

Sau khi báo chí đăng câu chuyện thầy Hải vay tiền làm lộ phí để cùng 5 học sinh đoạt giải môi trường ra Hà Nội nhận giải, một chiều mưa đầu tháng 7.2012, GS Nguyễn Văn Hiệu cùng đoàn cán bộ Hội Khuyến học VN đã về trường An Lạc Thôn gặp thầy Hải và những học trò. “Tôi quá kinh ngạc, một giáo sư, một nhà vật lý khả kính nổi tiếng như GS Nguyễn Văn Hiệu mà thân chinh về ngôi trường ở vùng quê nghèo hẻo lánh nhất của tỉnh Sóc Trăng, thật vinh hạnh cho chúng tôi” - thầy Hải nói.

Trong buổi gặp gỡ ấy, GS Nguyễn Văn Hiệu đã đưa 2 tờ Lao Động cho mọi người cùng đọc lại và nói rằng: “Tôi rất xúc động khi đọc báo và biết được một thầy giáo, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn như thế mà vẫn khơi dậy cho học trò của mình một niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Hơn thế, còn hướng dẫn các em thực hiện các đề tài khoa học làm sạch môi trường, đoạt giải thưởng lớn... Tôi ủng hộ thầy Hải”. Ngay trong lần gặp ấy, GS Nguyễn Văn Hiệu đã “đặt hàng” thầy Hải thực hiện thí điểm dự án “làng không rác”, do GS Hiệu khởi xướng.

Theo GS Hiệu, nôm na dự án “làng không rác” là gom rác thải sinh hoạt hữu cơ ngay tại xã An Lạc Thôn về một địa điểm. Kế đó, sử dụng chế phẩm biomix trộn lẫn vào rác. Sau thời gian nhất định, rác sẽ bị phân hủy, dùng làm phân bón cho các vườn cây. Dự án “làng không rác” chẳng những có ý nghĩa làm sạch môi trường mà còn rất hữu ích, khi biến rác thành phân bón, thông qua tác động của chế phẩm biomix.

Thầy Hải nói: “Tuy chưa biết gì về chế phẩm biomix, nhưng ý tưởng “làng không rác” của thầy Hiệu đã cuốn hút tôi ngay lập tức. Không nghĩ ngợi nhiều, tôi nhận lời ngay với thầy Hiệu để thực hiện dự án. Trong lúc tôi đang hụt hẫng bởi nhiều phiền toái trong đời sống thì thầy Hiệu đã hà hơi, tiếp sức cho tôi đứng vững, tiếp tục đi tới bằng dự án trên”.

“Làng không rác”, chợ sạch bong

Trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, hàng trăm hộ tiểu thương ở chợ An Lạc Thôn đã lấy làm lạ khi thầy Hải và nhóm học trò hơn 20 em thuộc Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” (do thầy Hải làm chủ nhiệm) đã tỏa xuống mọi ngóc ngách chợ An Lạc Thôn. Họ giải thích, rồi chìa những chiếc cằn xé, xin bà con tiểu thương tất tần tật... rác. Rác của chợ An Lạc Thôn từ bao đời nay chủ yếu vẫn là phế phẩm các loại lá, rau, củ... xen lẫn các loại rác sinh hoạt như giấy, nylon...

Thoạt tiên, có không ít hộ nghĩ nhóm thầy trò “môi trường” này... hâm. Nhưng sau khi biết họ cần rác cho việc thử nghiệm của dự án “làng không rác”, từ đầu đến cuối chợ An Lạc Thôn, ai ai cũng nhiệt tình ủng hộ, gom rác cho thầy trò “môi trường”.

Thầy Hải cho biết: “Gần 10 ngày liền, thầy trò nai lưng ra gom rác, chở rác từ chợ An Lạc Thôn về đổ thành đống ở khoảnh đất trống cạnh bên khu nhà tập thể giáo viên. GS Nguyễn Văn Hiệu đã gửi chế phẩm biomix vào cho tôi theo đường bưu điện. Sau đó, tôi dùng biomix trộn lên rác hữu cơ đã phân loại. Qua 10 - 15 ngày ủ, đống rác hữu cơ đã bị hoại mục, xẹp xuống 50% và biến thành một dạng phân bón rất tốt. Số phân bón từ rác này đã được các chủ vườn bưởi, cam... thầu hết trơn”.

Với bà Ngô Cẩm Tường - tiểu thương chợ An Lạc Thôn: “Không biết dự án thầy trò thầy Hải là gì, tui càng không hiểu chi về biomix... Nhưng cái lợi nhất trong việc làm của thầy trò “môi trường” là chợ An Lạc Thôn... sạch bong, không thấy rác đâu cả”. Thật vậy, từ dạo ấy, bà con tiểu thương chợ An Lạc Thôn cũng ý thức được phần nào việc bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm thêm dòng sông Hậu; họ dồn rác vào những chiếc sọt mà thầy trò “môi trường” đặt rải rác khắp chợ, thay vì tống hết xuống dòng sông Hậu như bao năm qua họ vẫn làm.

Theo thầy Hải, dự án “làng không rác” chẳng những làm... sạch rác chợ An Lạc Thôn, mà còn “đánh thức” mỗi người dân ở đây ý thức được việc bảo vệ môi trường sông nước, tức là không đổ rác xuống sông, mà phải đổ rác đúng nơi, đúng chỗ - điều không hề làm được đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long từ bao đời nay.

 

Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (hàng đầu, bên phải) về thăm Trường THPT An Lạc Thôn vào tháng 7.2012  (bên trái là thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải).

Kỳ ngộ “làng không rác”

Câu chuyện về thầy Hải “môi trường” âm thầm cùng các học sinh của mình thử nghiệm dự án “làng không rác”, ngoài địa phương, rất ít người ngoại tỉnh biết. Hôm 25.8 vừa qua, GS Nguyễn Văn Hiệu có chuyến công tác phía nam, ở lại TPHCM vài ngày. Thầy Nguyễn Ngọc Hải lại lặn lội từ Kế Sách lên TPHCM. Trong hai ngày, thầy Hải đã trao đổi, báo cáo những kết quả bước đầu của dự án “làng không rác” với GS Nguyễn Văn Hiệu.

“Tôi rất mừng được gặp lại anh Hải và hướng dẫn anh thực hiện một dự án khoa học hoàn chỉnh về bảo vệ môi trường, rất có ý nghĩa đối với đời sống nhân dân huyện Kế Sách, chứ không chỉ là lý thuyết, là bài học trên lớp” - GS Hiệu nói.

Và thật vui là trong hai ngày ở TPHCM, thầy Nguyễn Ngọc Hải còn được GS Hiệu giới thiệu gặp một phái đoàn thiện nguyện người Pháp - là những GS, nhà khoa học đang có chuyến phát học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo học giỏi ở Việt Nam. Nghe chuyện về thầy Hải, những GS - nhà khoa học Pháp đã bày tỏ sự chia sẻ, ngưỡng mộ và mong muốn có dịp về thăm Trường THPT An Lạc Thôn.

Sau buổi gặp gỡ với GS Nguyễn Văn Hiệu tại TPHCM, thầy Hải vui mừng cho tôi biết: “Với thành công ban đầu, qua thử nghiệm dự án “làng không rác”, thầy Hiệu sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho dự án. Bên cạnh đó, thầy Hiệu cung cấp miễn phí chế phẩm biomix 1 để ủ rác thải hữu cơ và biomix 2 xử lý nước thải, phân gia súc từ chăn nuôi”. Trao đổi với tôi qua điện thoại, thầy Hải còn tiết lộ: “GS Nguyễn Văn Hiệu còn định hướng một ngày nào đó, còn có thể tái chế các sản phẩm chai nhựa, túi nylon thành các sản phẩm hữu dụng khác, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Một buổi sinh hoạt văn nghệ của Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” - Ảnh: N.H

Một tin vui nữa là chủ nhật sắp tới (14.10), dự án “làng không rác” do thầy Hải và Câu lạc bộ “Em yêu môi trường”, với sự tham gia của hơn 20 học sinh Trường THPT An Lạc Thôn sẽ bước vào giai đoạn chính, với sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Một khu đất rộng hơn 1.000m2 đã được thầy Hải liên hệ với chính quyền địa phương, sẽ làm nơi chứa rác.

Tất cả rác thải hữu cơ của khu vực chợ An Lạc Thôn sẽ được quy tụ về đây ủ với chế phẩm biomix 1. Thành công của dự án “làng không rác” tại xã An Lạc Thôn sẽ được nhân rộng ra các xã khác của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Kế đó, vào tháng 11 sắp tới, một lần nữa GS Nguyễn Văn Hiệu sẽ về lại nơi này và thảo luận với lãnh đạo Trường THPT An Lạc Thôn một chương trình nghiên cứu dài hạn về dự án “làng không rác”.

Khi nghe về dự án “làng không rác”, không phải ai cũng thấu hiểu và lạc quan. Trái lại, có người phản biện bằng hàng loạt câu hỏi, nghi ngờ, chưa tin tưởng vào sự thành công của dự án - nhất là khi dự án lại thực hiện ở ngay giữa vùng quê sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, với tôi, sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai tâm hồn say mê nghiên cứu khoa học - GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu và thầy giáo trường làng Nguyễn Ngọc Hải - dẫn đến dự án “làng không rác” ra đời là một duyên kỳ ngộ. Và chỉ  riêng việc “đánh thức” nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường thôi đã là một thành công... rực rỡ của dự án rồi!

(Theo Dân Trí)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật