Và điều này cũng minh chứng một thực tế những bộ phim làm về đề tài truyền thống cách mạng, nếu truyền tải được những thông điệp gây xúc động, nếu có cách làm tốt vẫn có thể hấp dẫn được công chúng, nhất là lớp trẻ.
Tất nhiên, cũng cần nói thêm, để thu hút được đông đảo bạn trẻ đến với buổi chiếu phim “Đừng đốt” nói trên, NVH Thanh niên với nhiệm vụ chính trị của mình đã phải lấy kinh phí từ chính đơn vị để hợp đồng với nhà phát hành (Fafilm Việt Nam) mang phim về chiếu miễn phí. Và Fafilm cũng đồng ý giảm 50% giá thuê phim vì mục đích chung: tạo hiệu quả phát hành phim, đưa bộ phim đến càng đông người xem càng tốt.
Phim chính thức chiếu từ ngày 29-4 tại các rạp Fafilm cinema, Tân Sơn Nhất, MegaStar Hùng Vương, Lotte cinema, tuy nhiên, 3/4 rạp trả phim trước thời hạn vì lượng người xem quá thấp. MegaStar và Tân Sơn Nhất ngưng phim trước 2 tuần, Lotte chỉ chiếu được duy nhất 1 tuần.
Có lẽ, lý do mà ai cũng hiểu đó là giá vé xem phim quá đắt, nhất là với loại phim đề tài truyền thống cách mạng. Ngoại trừ Tân Sơn Nhất và Fafilm có giá vé tương đối mềm (25.000 - 35.000 đồng/vé), MegaStar và Lotte giá vé 50.000 - 80.000 đồng/vé (tùy ngày và suất chiếu).
Một cảnh trong phim “Đừng đốt”. |
Một yếu tố nữa khiến cho bộ phim không được đông đảo người xem biết tới đó là khâu tuyên truyền, quảng cáo phim. Cách thức quảng cáo, tiếp thị phim không hề thay đổi mặc dù hầu hết các phim truyền thống cách mạng, phim nghệ thuật trước đây cũng đã thất bại với cách phát hành như thế.
Ngoại trừ sự ủng hộ từ báo giới qua việc đưa tin, viết bài về bộ phim và vài pa nô, băng rôn căng trên đường phố, không hề có sự tiếp thị, quảng cáo nào khác. Những quảng cáo trên báo chí chỉ vài ngày trước khi phim chiếu và chấm dứt, khán giả sau đó muốn xem phim hầu như không tìm thấy thông tin ở đâu, bộ phim mất đi một lượng khán giả đáng kể.
Fafilm cinema, rạp chiếu phim của Fafilm Việt Nam tại TPHCM là rạp duy nhất phát hành bộ phim có hiệu quả. Hiện nay phim vẫn được tiếp tục chiếu tại đây và theo một đại diện phát hành của Fafilm cho biết, bộ phim sẽ được chiếu đến hết tháng 5, nếu còn đơn vị hợp đồng chiếu, Fafilm sẽ chiếu tiếp.
Bên cạnh NVH Thanh niên, mới đây Quận đoàn 5 cũng hợp đồng chiếu phim cho gần 600 đoàn viên thanh niên xem. Nhiều đơn vị khác cũng đang hợp đồng để bộ phim được đến với cán bộ, nhân viên của họ. Tất nhiên, giá hợp đồng chiếu phim được giảm tối đa. Ngay tại Fafilm, nếu muốn, các đơn vị cũng có thể hợp đồng để được xem phim với giá 2 triệu/suất chiếu 140 người xem. Số điện thoại liên lạc với phòng phát hành của Fafilm là 38293610.
Đến xem bộ phim tại rạp MegaStar Hùng Vương, cảm nhận lớn nhất là phim hay nhưng rất tiếc và xót xa vì sự vắng lặng. Kết thúc bộ phim, cả rạp chỉ có 4 người (3 người chúng tôi là cựu giáo viên và 1 sinh viên). Cám ơn các nhà làm phim đã xây dựng một bộ phim về đề tài chiến tranh rất hay cả về nội dung và nghệ thuật. Chúng tôi rất xúc động bởi những hình ảnh tái hiện rất chân thật, rất sống động. Tuy nhiên, thật xót xa vì sự đầu tư công sức, trí tuệ và tiền của lại bị lãng phí vì phim chưa đến được với đông đảo công chúng, với đối tượng có nhu cầu. Nguyên nhân theo tôi không phải ở chất lượng phim mà ở tuyên truyền quảng cáo và giá vé. Bản thân tôi ở thành phố nhưng tìm thông tin nơi chiếu phim rất khó, mặc dù trước 30-4, các báo đăng sẽ khởi chiếu bộ phim từ ngày 29-4. Nhưng sau lễ, phim còn chiếu ở đâu, giá vé bao nhiêu, thì phải lên mạng để tìm. Ngay trước rạp cũng không ghi tên phim, và cũng ít người biết đến bộ phim nếu chưa đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Giá vé quá cao, 70.000 đồng/vé ngày thường, 80.000 đồng/vé cuối tuần, 55.000 đồng/vé người lớn tuổi. Nhiều người định xem nhưng biết giá vé cao thì rút lui hết. Nếu như giá vé hợp lý hơn hoặc có cách tiếp cận đối tượng người xem thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Đây là phim mang tính giáo dục cao, nhà nước cần có hỗ trợ để phim đến được với đông đảo quần chúng. |
Theo SGGPO