Mã Trường

Mã Trường
photo-208

Truyền Thống

Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên

Cập nhật 18/04/2009 - 10:03:06 AM (GMT+7)
Trong bản Di chúc, ngay sau phần nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng

Bác viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[1]. Đây chính là sự tổng kết lý luận mà Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử nhân loại, dân tộc; từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Người qua các thời kỳ cách mạng, để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.Theo Hồ Chí Minh, tương lai của đất nước, của dân tộc nằm ngay trong tay các thế hệ thanh niên. Người khẳng định, thanh niên là lực lượng cách mạng hùng hậu, bộ phận quan trọng của dân tộc, là lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh. Khi đất nước ta còn nằm dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, ngay từ năm 1925 trong thư Gửi thanh niên Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đất nước sẽ không còn nếu thanh niên không được “hồi sinh”, thức tỉnh. Để hồi sinh bộ phận quan trọng này của dân tộc, Hồ Chí Minh đã mở trường huấn luyện chính trị, xuất bản sách báo, sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội để thức tỉnh một thế hệ thanh niên yêu nước trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đất nước độc lập, thống nhất, Bác dạy: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà”[2]. Bác ví tuổi thanh niên là mùa xuân của xã hội: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[3]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bác luôn đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” 4]. Bác còn chỉ rõ, thanh niên là người kết nối quá khứ với tương lai: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”[5]. Điều này phản ánh một vấn đề có tính quy luật, đó là sự “bàn giao thế hệ". Mỗi thế hệ chỉ có thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong một chặng đường cách mạng nhất định và phải được thế hệ sau tiếp bước. Đó chính là thanh niên, “người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội” mà Bác Hồ đã đưa vào Di chúc.

Từ vai trò to lớn của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc, Bác căn dặn, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Luận điểm này của Người đã chỉ ra rằng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ mất nếu các thế hệ thanh niên không được chăm lo giáo dục đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác luôn chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên, rồi đến Nha Thanh niên trong Chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Bác luôn nhắc nhở các bộ, các ngành ban hành những chính sách nhằm giải quyết những vấn đề thuộc lợi ích nguyện vọng chính đáng của thanh niên; tổ chức Đoàn thanh niên phải liên hệ với các lực lượng của Chính phủ. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đó của Người đã chỉ ra rằng, muốn đào tạo bồi dưỡng thanh niên thành những lớp người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; sự tổ chức phối hợp nhiều lực lượng của xã hội.

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ tại Đền Hùng. Nơi đây ngàn đời vang mãi lời dạy của Bác: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"

Tư tưởng về thanh niên và bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính thời đại sâu sắc. Những đóng góp, cống hiến của thanh niên trong hơn hai mươi năm đất nước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Thực hiện Di chúc của Người, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”[6]. Dưới sự lãnh đạo giáo dục rèn luyện của Đảng, Nhà nước, thanh niên ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha anh; có thái độ và ý thức chính trị rõ ràng đối với vận mệnh của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có chí tiến thủ, sớm có ý chí lập thân, lập nghiệp, ý thức chia sẻ, tương thân, tương ái, không ngại khó khăn, khát khao mong muốn Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để họ có thể cống hiến tốt hơn cho đất nước. Hiện nay cuộc đấu tranh giai cấp, dân tộc trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa kinh tế, việc giáo dục rèn luyện thanh niên trở thành người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên” liên quan đến vận mệnh của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và dân tộc. Để thực hiện tốt nhất Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, cần phải có những giải pháp tiếp tục thực hiện di huấn của Người về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Một là, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên. Trong thời kỳ mới thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp nối các thế hệ cha anh xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thanh niên là nguồn cung cấp nhân lực có chất lượng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; là lực lượng chủ lực trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Để thanh niên xứng đáng với vai trò to lớn đó, cần phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng rèn luyện và tạo điều kiện cho sự phát triển và trưởng thành của thanh niên. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, đoàn kết cộng đồng, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, khát vọng chiến thắng nghèo nàn lạc hậu; giáo dục tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng và sự phồn vinh của đất nước cho thanh niên. Giáo dục lòng yêu lao động, biết hưởng thụ chính đáng, chống lối sống thực dụng; ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc, dòng họ, gia đình, đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước, luân thường

đạo lý; nâng cao nhận thức và định hướng hành động của thanh niên trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội. Giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn. Giáo dục luật pháp và ý thức công dân, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức, tập thể và cộng đồng. Giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức quốc phòng toàn dân, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giáo dục tinh thần quốc tế chân chính cho thanh niên, giúp họ hiểu rõ bản chất các sự kiện và các quá trình quốc tế, nhận thức đầy đủ về thời cơ và thách thức của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới; âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

Hai là, xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng, hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh niên Việt Nam. Hiện nay các tổ chức thanh niên Việt Nam có Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam. Trong các tổ chức đó, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam, trực tiếp giúp Đảng, Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên, phát động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của thanh niên, là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Vì vậy, cần tập trung xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh thực hiện tốt chức năng là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; lực lượng chính trị nòng cốt trong các phong trào thanh niên và tổ chức của thanh niên, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ Việt Nam. Cùng với việc xây dựng Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh cần phát huy vai trò của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam trong đoàn kết, tập hợp thanh niên trong các cơ sở, các doanh nghiệp đầu tư với nước ngoài, Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam, phối hợp với các ngành có liên quan chuẩn bị cho thanh niên về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống trước khi đi lao động, học tập, công tác ở nước ngoài; phát triển các tổ chức Đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tăng cường công tác thanh niên trong các vùng dân tộc, tôn giáo.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội trong thực hiện nhiệm vụ công tác thanh niên. Thực hiện Di chúc của Bác về thanh niên và công tác thanh niên, Đảng ta chỉ rõ: Công tác thanh niên không chỉ là việc của Đảng, của Đoàn mà còn là việc của Nhà nước, của mọi tổ chức, của xã hội và từng gia đình. Theo đó cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thanh niên. Mỗi cấp ủy Đảng cần nhận thức sâu sắc việc chăm lo công tác thanh niên là xây dựng Đảng trước một bước, là quá trình xây dựng và chuẩn bị đội hậu bị tin cậy bổ sung lực lượng cho Đảng. Trong chương trình công tác định kỳ cấp uỷ Đảng cần có chương trình công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác thanh niên của Đảng. Đảng lãnh đạo công tác thanh niên không chỉ bằng chủ trương, chính sách; thông qua công tác tổ chức, cán bộ mà bằng chính sự hoạt động sâu sát của tổ chức Đảng, sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong phong trào thanh niên. Vì vậy mỗi đảng viên cần coi công tác thanh niên là trách nhiệm của mình. Cần phải nhìn nhận thanh niên theo quan điểm kế thừa và phát triển. Bác là người rất quan tâm đến sự phát triển của thanh niên nhất là về trí tuệ và thể chất, đời sống vật chất tinh thần của họ. Người luôn nhắc nhở không nên xem thường hoặc có thái độ bảo thủ, thành kiến hẹp hòi trong sử dụng, đánh giá, so sánh công thần thế hệ đối với thanh niên, bởi lẽ thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu lợi ích chính đáng khác với cha anh họ.

Tư tưởng bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là tinh thần xuyên suốt trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên của Đảng. Quán triệt và thực hiện Di chúc của Người, cần phải đặc biệt chăm lo bồi dưỡng giáo dục rèn luyện thanh niên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để xứng đáng với vai trò là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác đã căn dặn.

Đại tá, TS TRẦN NGỌC TUỆ, Viện KHXHNVQS


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật