Mã Trường

Mã Trường
photo-229

Tin Tức Các Báo

Quay cuồng với xét tuyển

Cập nhật 08/09/2015 - 07:45:50 PM (GMT+7)

Vào những ngày cuối của đợt 1 xét tuyển, điểm dự kiến trúng tuyển của các trường thay đổi chóng mặt theo hướng tăng mạnh khiến nhiều thí sinh quay cuồng trong cơn bão rút và nộp hồ sơ.

Những ngày gần cuối của đợt 1 xét tuyển, thí sinh liên tục nộp vào, rút ra hồ sơ

Những ngày gần cuối của đợt 1 xét tuyển, thí sinh liên tục nộp vào, rút ra hồ sơ

Hôm trước nộp, hôm sau rút
Trần Phương Th. (quê ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) đạt điểm xét tuyển 21,25. Từ ngày 10.8, Th. khăn gói lên Hà Nội để tìm hiểu việc xét tuyển của các trường ĐH. Ban đầu Th. chỉ định tìm hiểu qua website tuyển sinh của các trường nhưng rồi bất lực vì thông tin mà các trường đưa lên khi đó “đánh đố” người đọc. Sau một tuần “cày xới” thông tin, ngày 17.8 Th. quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện Tài chính. Tuy nhiên, hôm qua 18.8, Th. lại đến đây để... rút hồ sơ. Th. chia sẻ: “Em nghĩ sẽ có nhiều biến động, nhưng không ngờ sự thể lại thay đổi đến chóng mặt”.
Cán bộ phụ trách đào tạo của các trường ĐH cho biết trong những ngày nước rút này làm việc tới 10 - 11 giờ đêm để kịp ứng phó với tình hình thay đổi dữ liệu. Chẳng hạn, Trường ĐH Giao thông vận tải ngày 17.8 có khoảng 500 hồ sơ nộp vào và 300 hồ sơ rút ra. Ngày 18.8 thì ngược lại, khoảng 500 hồ sơ rút ra và khoảng 300 được nộp vào. Bộ phận tuyển sinh của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng phải xoay như chong chóng khi mà mỗi ngày phải xử lý khoảng 1.400 - 1.500 lượt hồ sơ rút ra - nộp vào.
Các thí sinh (TS) cũng cho hay sẵn sàng đối mặt với việc “chạy đua” trong 2 ngày cuối. Nguyễn Thị H. (ở Thuận Thành, Bắc Ninh) cho biết nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân ngày 8.8. Với mức điểm xét tuyển 22,5, H. đã nằm trong khung an toàn một thời gian khá lâu. Nhưng nay thì ngay cả nguyện vọng thấp nhất cũng đang đứng ở ranh giới mong manh. Hiện H. đã quyết định rút hồ sơ để nộp vào Học viện Tài chính, mặc dù khả năng đỗ giờ cũng rất mong manh.
Điểm xét tuyển tăng vùn vụt
Trong mấy ngày cuối, lượng hồ sơ nộp vào các trường vẫn không hề giảm và mức điểm cao hơn nhiều so với ngưỡng xét tuyển. Vì thế, điểm xét tuyển tạm thời ở nhiều trường tăng chóng mặt.
Theo kết quả xét tuyển tạm thời công bố hôm qua, nhiều ngành Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM điểm tăng vùn vụt so với 2 ngày trước đó. Ngành vật lý tăng lên 2,75 điểm (từ 16,5 lên 19,25); khoa học vật liệu khối A từ 16,5 lên 19,75; toán từ 17,25 lên 20,5. Nhiều ngành khác mức tăng từ 0,5 lên trên dưới 2 điểm.
Điểm xét tuyển tạm thời các ngành của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM những ngày trước chỉ nhích nhẹ 0,25 thì hôm qua biên độ tăng tới trên 0,4. Với mỗi ngày khoảng 500 TS nộp hồ sơ như hiện nay (trong đó phổ điểm trên 22), dự báo điểm xét tuyển tạm thời sẽ còn tiếp tục tăng. Điểm chuẩn các ngành của trường thấp nhất có thể nằm trong khoảng từ 21,75 - 22,25 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM điểm chuẩn tạm thời cũng tăng ở mức 0,25 - 0,5 điểm trong những ngày cuối. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM điểm chuẩn xét tuyển tạm thời các ngành đều tăng ở mức 0,5 so với ngày trước đó. Trong đó công nghệ thực phẩm cao nhất với 21, nhóm ngành kinh tế không dưới 18.
Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận xét: “Thực tế cho thấy dự kiến điểm chuẩn chỉ thay đổi mạnh ở những ngành trên, còn những ngành dưới vẫn khá ổn định”.
Xáo động điểm dự kiến trúng tuyển theo hướng chỉ có lên chứ không lùi hiện là diễn biến chung ở những trường tốp giữa. Ông Nguyễn Văn Long, đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết nếu như trước đó bình quân mỗi lần công bố điểm dự kiến trúng tuyển mức điểm này chỉ lũy tiến bình quân 0,25 điểm/ngành thì nay chỉ qua đêm 17 sang sáng 18.8 mức biến động có ngành lên tới 1,25 điểm. Chẳng hạn trước đó các ngành kỹ thuật môi trường, khai thác vận tải khối A đều dự kiến trúng tuyển mức 17,75 điểm thì nay đều là 19.
Nguy cơ điểm cao vẫn rớt
Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định: “Sẽ có hàng trăm TS điểm cao nhưng vẫn rớt ĐH. Lý do là những TS này có điểm xét tuyển ngấp nghé trên dưới ngưỡng điểm xét tuyển vẫn quyết bám trụ đến phút chót. Khi các trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển cao hơn nhiều so với ngưỡng điểm xét tuyển lúc đó hàng trăm TS này sẽ đi về đâu?”.
Theo ông Sĩ, chắc chắn các trường tốp giữa và trên sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 2. Như thế, những TS này chỉ còn cách nộp vào các trường tốp cuối nếu muốn đậu ĐH.
Cùng suy nghĩ này, thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, lo ngại: “Tôi lo nhất là điểm chuẩn có biến động theo hướng càng về phút cuối càng tăng, sẽ gây rủi ro cho nhiều TS có điểm ngang ngưỡng trúng tuyển tạm thời. Trong 2 ngày qua, có ngành tăng 0,5 điểm, có ngành tăng từ 1,5 đến 2 điểm. Những em hiện tại trúng tuyển có thể ngày cuối bị tụt xuống, lúc đó cũng không kịp rút ra để nộp vào trường khác nữa”.
 
2 ngày điểm chuẩn các ngành ở tốp dưới tăng thêm 0,25
Hôm qua, ĐH Đà Nẵng tiếp tục công bố điểm chuẩn tạm thời. Theo tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, trong suốt một tuần qua, cứ sau 2 ngày, điểm chuẩn các ngành ở tốp dưới cứ tăng thêm 0,25 điểm, các ngành ở tốp trên ít biến động. Đến thời điểm hiện tại, điểm chuẩn của ngành cao nhất là sư phạm toán và ngành cơ điện tử với điểm chuẩn tạm thời là 24 điểm, tiếp là ngành công nghệ thông tin 23,5 điểm.
Phải công bố danh sách trúng tuyển trước 25.8
Trong công điện ngày 18.8 gửi các trường ĐH, CĐ và các sở GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận yêu cầu các trường xác định danh sách TS trúng tuyển, công bố và cập nhật lên hệ thống danh sách trúng tuyển trước ngày 25.8. Các trường tổng hợp dữ liệu đăng ký xét tuyển của TS để công bố công khai danh sách TS đăng ký xét tuyển vào các ngành của trường trước 18 giờ ngày 21.8.

(Theo Báo Thanh Niên)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật