Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Trường muốn bỏ thi ĐH, tự chủ TS, Bộ muốn "quản"

Cập nhật 22/04/2011 - 08:49:52 AM (GMT+7)
(VTC News)- Đại diện các trường ĐH cùng nhiều chuyên gia giáo dục đều có ý kiến cần tăng thêm quyền tự chủ cho các trường thông qua việc tự chủ tuyển sinh, điều kiện mở ngành, kiểm định chất lượng…Thậm chí có ý kiến muốn bỏ thi ĐH. Tuy nhiên từ phía Bộ GD&ĐT cho rằng: Không thể bỏ thi ĐH trong thời gian "1 sớm 1 chiều".

Đây là trọng tâm các ý kiến đóng góp tại Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật GDĐH, do Ủy ban, văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng Quốc hội  tổ chức ngày 19- 20/4, tại Hà Nội.

Tự chủ có bỏ thi ĐH?


Tại cuộc hội thảo, vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban, văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên & nhi đồng  quốc hội lại chỉ ra trong dự thảo 4 Luật GDĐH quy định chưa cụ thể. “Thế nào là tự chủ về chuyên môn nghiệp vụ? Liệu có giữ tuyển sinh ĐH, CĐ như năm nay hay nhà trường tự tổ chức? Bộ GD&ĐT ra chuẩn kiến thức, vậy có trường thuê toàn bộ giáo trình nước ngoài, có được không?”.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch HĐQT trường ĐH DL Thành Tây  cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xóa bỏ ngay 3 rào cản: bỏ thi ĐH, bỏ giao chỉ tiêu tuyển sinh, bỏ quy định xin mở mã ngành.

Cùng quan điểm này, GS Trần Phương, hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng đề nghị Bộ GD&ĐT bỏ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường; bỏ quyền Bộ cho phép mở ngành đào tạo vì các trường phải đợi quá lâu.

GS Trần Phương chia sẻ những bất cập: “mặc dù đã được Bộ Tư pháp đồng ý cho trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo ngành “Luật kinh doanh”, trường đã gửi hồ sơ xin Bộ GD&ĐT mở ngành, nhưng cả năm nay vẫn chưa được”.

“Đề nghị trong Luật GDĐH cần có một chương ghi quyền tự chủ của các cơ sở ĐH công và ĐH tư. Riêng về ĐH công, Bộ không nên khống chế như bây giờ, nhất là  chỉ tiêu được tuyển. Có như vậy, mới tận dụng được năng lực của các trường công”-GS Trần Phương đề xuất.

 
Tổ chức thi tuyển theo 3 chung hiện nay cũng có điểm tốt, tiết kiệm được một số hoạt động của các trường nhưng cái mất nhiều hơn. Khi chúng ta tuyển chung không có đặc trưng gì của đại học, trong khi ĐH rất đa dạng về ngành nghề, về nhu cầu, về yêu cầu chất lượng.
(GS.TSKH Đào Trọng Thi)



GS. TS Trần Hông Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập cũng đưa ra những ý kiến đồng tình. Ông cho rằng: Chương 7 (Dự thảo Luật GDĐH) hầu như chưa nói về tự chủ, tự chịu trách nhiệm, một loạt các nội dung quản lý thì nêu rất nhiều nhưng không nói ai quyết định nội dung quản lý đó. Nếu nói những nội dung quản lý đó thuần túy thuộc các cơ quan cấp cao thì hầu như triệt tiêu cái gọi là tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường.

GS Hoàng Xuân Sính, ĐH Thăng Long đưa ra dẫn chứng: “Ở Pháp khi một ĐH muốn hợp tác đào tạo liên kết với một ĐH nước ngoài, họ chỉ cần viết trên văn bản hợp tác của hai bên là theo Nghị định số nào, ngày nào của Bộ GD, hiệu trưởng của họ và hiệu trưởng của trường đối tác quyết định hợp tác về các mặt giảng dạy và nghiên cứu …Còn ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT đưa ra một đống giấy tờ, trong đó ông hiệu trưởng của phương trời xa phải điền vào đó vốn của đại học là bao nhiêu, nhân viên có bao nhiêu, giáo sư thế nào, các ngành dạy có bao nhiêu, chương trình thế nào và làm đơn xin Bộ Giáo dục Việt Nam làm đối tác với trường ở bên này”.

Bà Trần Thị Tâm Đan, kiến nghị Luật GDDH phải có những chế tài cụ thể tạo cơ sở pháp lý cho việc khắc phục những tồn tại hiện nay như công tác tuyển sinh, chất lượng thấp của giáo dục thường xuyên, nhất là ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ thiếu tương ứng trong quản lý, những hiện tượng học vì bằng cấp mà không tích lũy kiến thức đang là những bức xúc của xã hội mà nhiều năm qua chưa tạo được chuyển biến cơ bản.

Quyền tự chủ gắn với năng lực cơ sở đào tạo

GS.VS Đào Trọng Thi, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần phải có cơ chế cụ thể, quy định rõ để thực hiện tự chủ đi vào cuộc sống.

Ông Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh: Khi nhà trường được tăng quyền tự chủ (trong khuôn khổ pháp luật), tự chịu trách nhiệm thì phải kèm theo trách nhiệm xã hội của nhà trường. Có như vậy mới tạo được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

“Quyền tự chủ phải gắn với năng lực của cơ sở đào tạo. Năng lực các trường không đồng đều, nên cần phân loại. Trường có năng lực tốt hơn thì giao quyền tự chủ nhiều hơn, năng lực quản lý kém hơn thì giao ít hơn. Không thể đánh đồng các trường có năng lực quản lý rất tốt với trường có năng lực quản lý còn yếu”.

GS-TSKH Đào Trọng Thi - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội  đề xuất "sớm trả việc tuyển sinh về cho các trường ĐH" (Ảnh: Phạm Thịnh)


Trả lời câu hỏi của các phóng viên xung quanh vấn đề có nên bỏ kì thi ĐH hiện nay hay không, GS Đào Trọng Thi đã thẳng thắn chia sẻ: “Phải giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường bằng việc sớm trả việc tuyển sinh về cho các trường ĐH. Khi trả khâu tuyển sinh về cho các trường, Bộ cũng cần có những quy định chung, trên cơ sở đó các trường có hình thức tuyển sinh phù hợp với điều kiện của trường mình, có cách tổ chức tuyển sinh như thế nào để đỡ căng thẳng và hiệu quả hơn thôi, chứ ngay lập tức bỏ hẳn thi tuyển cũng không được”.

Minh chứng cho điều này, GS Đào Trọng Thi đưa ra lý do: “Vì áp lực cạnh tranh vào nhiều trường ĐH vẫn rất căng thẳng, trong khi đó mình tìm giải pháp đơn giản chỉ xét trên hồ sơ, tuyển theo kiểu ghi danh để thay thế cho sự chọn lọc như vậy là không công bằng, có thể sẽ nảy sinh tiêu cực”.

Khi trao lại quyền tổ chức tuyển sinh cho các trường, có thể vẫn tổ chức thi nhưng nó chỉ ở mức độ trường, cụm trường chứ không còn là kỳ thi cấp quốc gia, do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng chia sẻ: Về vấn đề tự chủ, mong muốn của Bộ cũng là từng bước giao quyền tự chủ cho các trường. Nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay cho thấy bộ cũng không dễ thực hiện vì “quản thì chết, buông thì loạn”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Muốn phân cấp, giao quyền tự chủ cũng phải theo lộ trình tương ứng với năng lực của các cơ sở giáo dục ĐH. Cơ sở giáo dục ĐH nào có đủ điều kiện đến đâu sẽ phân cấp đến đấy để tiến tới Bộ GD&ĐT chỉ tập trung làm chính sách.

 

(Theo VTCNews)


Tin Nổi Bật