Là nơi tập trung số lượng lớn doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu rất lớn về nhân lực ngành này. Ðây là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT hiện nay còn nhiều bất cập, đầu vào cho đào tạo đang giảm sút dẫn tới nguy cơ thiếu hụt nhân lực trong vài năm tới. |
Chưa có tiếng nói chung
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thành phố có 1.930 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, trong đó 166 doanh nghiệp nước ngoài. Hiện thành phố có khoảng 34 nghìn lao động trong lĩnh vực CNTT, trong đó lao động phần cứng chiếm 15%, lao động phần mềm 65%, số còn lại là lao động dịch vụ. Nguồn nhân lực này 87% có trình độ cao đẳng trở lên. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lê Thái Hỷ cho biết, trình độ nguồn lực CNTT của thành phố dần đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, trong đó trình độ ngoại ngữ là hạn chế lớn nhất. Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ nguồn nhân lực CNTT trình độ ngoại ngữ khá, giỏi trở lên chỉ chiếm 59% nhân lực. Ðiều này ảnh hưởng đến việc đưa nguồn nhân lực CNTT đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài. Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quyết định hội nhập, đào tạo tại nước ngoài, cập nhật công nghệ mới.
Một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao còn bất cập là do chương trình đào tạo chưa thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Bên cạnh đó, số cơ sở đào tạo nhiều nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên còn thấp, chỉ chiếm 49%. Trên thực tế, giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động còn chưa có được tiếng nói chung. Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa chủ động đặt hàng các cơ sở và các cơ sở đào tạo ít quan tâm đến nhu cầu của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 39% đơn vị đào tạo quan tâm đến đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công TNHH một thành viên Phát triển phần mềm Quang Trung, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM Chu Tiến Dũng, khoảng 50% số doanh nghiệp chưa sẵn sàng nhận sinh viên tới thực tập. Tỷ lệ sinh viên tuyển dụng tại doanh nghiệp sau tuyển dụng rất thấp. Ít thấy những mô hình hợp tác nghiên cứu giữa trường và doanh nghiệp.
Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin (ÐHQH-HCM) Dương Anh Ðức cho rằng, nghiên cứu khoa học giúp nâng cao năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn thấp. Sinh viên và ngay cả một số giảng viên đều ngại nghiên cứu khoa học. Còn các doanh nghiệp lại chưa chú trọng tới sản phẩm nghiên cứu khoa học để có sự đầu tư. Các doanh nghiệp cần đặt hàng, nêu những vấn đề cần nghiên cứu.
Ðầu vào đào tạo giảm
Số cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT ở TP.HCM rất lớn và tăng lên hằng năm. Năm 2008, thành phố có 28 trường cao đẳng, đại học đào tạo lĩnh vực này, đến nay đã phát triển lên 80 trường. Ngoài ra, thành phố còn có ba trường đào tạo hệ cao học, 30 trường trung cấp nghề đào tạo CNTT và hơn 170 trung tâm đào tạo tin học. Riêng từ hệ cao đẳng và đại học, trung bình mỗi năm thành phố có hơn 11 nghìn sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp.
Mặc dù số cơ sở đào tạo nhiều nhưng nhu cầu học ngành này đang có xu hướng giảm. Hiện chương trình đào tạo chính quy về CNTT chỉ tuyển được 85% so chỉ tiêu. Theo Viện Công nghệ và kỹ thuật số, chỉ tiêu ngành CNTT chiếm khoảng 10% cơ cấu các ngành đào tạo, nhưng trên thực tế, tỷ lệ thí sinh đăng ký rất thấp và có xu hướng giảm, năm 2010 chiếm 3,7% và năm 2011 chỉ còn 2,54%. Ðiểm trung bình thí sinh thi đại học giảm. Hội Tin học TP.HCM cũng cho biết, ba năm trở lại đây doanh thu của số đơn vị đào tạo trong lĩnh vực CNTT giảm trung bình 20%/ năm. Có thể nói, ngành CNTT không còn sức hấp dẫn thí sinh. Ông Chu Tiến Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến đầu vào đào tạo giảm là do các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT không tăng trong ba năm qua. Thị trường trong nước chưa có hiệu ứng tốt cho phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu nhiều nhưng chỉ thiếu nhân lực có tính chất chủ chốt. Cần tập trung thu hút nhân tài, hỗ trợ đào tạo thêm nguồn nhân lực: kiến trúc sư trưởng các dự án phần mềm, thiết kế dịch vụ CNTT, quản trị dự án...
Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cho thấy, dự kiến năm 2015, nhu cầu nhân lực CNTT của thành phố lên đến 56.518 người, đến năm 2020 là 67.324 người. Khả năng đào tạo của thành phố hiện nay là 12 nghìn người, nhưng số sinh viên đăng ký học ngành này đang giảm. Ðây là một thách thức lớn trong bối cảnh cả nước ta triển khai "Ðưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông". Dự báo, thiếu hụt nguồn nhân lực ngành này và chất lượng giảm sút trong 3-5 năm tới.
Ðể đào tạo nhân lực CNTT hiệu quả, bên cạnh tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, các bộ, ngành cần phối hợp xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình đào tạo cho phù hợp. Các doanh nghiệp tự đào tạo nhân lực cho mình. Cùng với việc Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai xây dựng chuẩn kỹ năng nhân lực CNTT, đưa ra khung kiến thức để các trường đổi mới chương trình đào tạo; các đơn vị liên quan phối hợp tốt để thực hiện cơ sở dữ liệu chung, có những dự báo đúng hơn về nhu cầu nhân lực và có chính sách phát triển phù hợp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, năm 2012 doanh thu từ ngành CNTT của thành phố ước đạt 86 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so năm 2011. Riêng doanh thu ngành công nghiệp phần mềm đạt khoảng tám nghìn tỷ đồng, giảm 32% so năm 2011 và doanh thu ngành công nghiệp phần cứng đạt 78 nghìn tỷ đồng, tăng 90% so năm 2011.