Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Nhu cầu tăng đột biến, chất lượng nhân lực Công nghệ Thông tin đang ở đâu?

Cập nhật 18/05/2021 - 12:05:43 PM (GMT+7)

Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã tăng vượt bậc trong những năm qua, song theo các chuyên gia, làm gì để nguồn nhân lực này đáp ứng được cả “chất và lượng” vẫn là câu hỏi khó…

 

 

Những băn khoăn này được các chuyên gia đặt vấn đề tại cuộc họp trực tuyến về “Đào tạo nhân lực cho kinh tế số” do Viện Quốc tế Pháp ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 18/5.

SAU 10 NĂM, NHU CẦU NHÂN LỰC PHẦN MỀM TĂNG 4 LẦN

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty IFI Solution, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, công nghệ thông tin đóng vai trò hàng đầu cho việc phát triển nền kinh tế số.

“Thậm chí vài ba năm trở lại đây, chúng ta còn nghe nhiều hơn đến các thông tin như ngân hàng truyền thống sẽ sớm biến mất và thay thế bằng công nghệ tài chính; hay những công ty truyền thông xuất bản sách sẽ chuyển sang truyền thông số, xuất bản số. Tiếp đến là trí tuệ nhân tạo sẽ là chìa khóa vàng để giúp cho các doanh nghiệp cạnh tranh trong mọi lĩnh vực”, ông Sơn dẫn chứng và cho hay đã đến lúc cần thống nhất là rất khó phát triển kinh tế nếu thiếu đi sự hiện diện của công nghệ thông tin.

Áp lực tạo ra nguồn nhân lực đủ cho thị trường hiện nay rất là cao. Theo thống kê, nhu cầu nhân lực phần mềm năm 2020 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2010, mức lương của kỹ sư phần mềm có năng lực cũng tăng gấp 3 lần.

Mặc dù vậy, theo ông Sơn, trong thời đại kinh tế số thì nỗi lo đang dồn về nguồn nhân lực để có thể vừa tạo ra, vừa duy trì và phát triển, vận hành các hệ thống dịch vụ bằng công nghệ thông tin.  

“Làm thế nào để nguồn nhân lực này cả về lượng và chất đáp ứng được yêu cầu thực sự là câu hỏi khó”, ông Sơn đặt vấn đề.

Hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin chủ yếu đến từ các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong các ngành nghề khác tham gia tự đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp mình.

“Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận là áp lực tạo ra nguồn nhân lực đủ cho thị trường hiện nay rất là cao. Theo thống kê, nhu cầu nhân lực phần mềm năm 2020 đã tăng gấp 4 lần so với năm 2010, mức lương của kỹ sư phần mềm có năng lực cũng tăng gấp 3 lần”, ông Sơn thông tin.

Bên cạnh đó, trong vòng 3 năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng tăng 50%. Riêng trong năm 2021, theo thống kê thì các doanh nghiệp Việt Nam cần thêm khoảng 150.000 người làm công việc liên quan đến công nghệ thông tin.

“Như vậy, trong thời gian ngắn và trung hạn, ai học công nghệ thông tin ra sẽ dễ dàng có công việc là chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng, chỉ những ai thức thời và trang bị kiến thức, kỹ năng chiều sâu về công nghệ thông tin cho chuyển đổi số mới là người chiến thắng”, ông Sơn nhận định.

ĐÀO TẠO NHÂN LỰC LÀ YẾU TỐ THEN CHỐT

Có chung đánh giá với ông Sơn, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng Quân đội (MBBank), cho rằng: trong giai đoạn chuyển đổi số thì nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế cũng như xã hội là cực kỳ cấp thiết.

Lấy ví dụ từ chính lĩnh vực ngân hàng và thực tế tại MBBank, ông Huy cho hay ngân hàng này đã sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực trong và ngoài hệ thống để tạo ra những nền tảng số quan trọng. Thông qua đó các thành viên như mỗi ngân hàng, khách hàng, đơn vị hợp tác với ngân hàng… đều có thể tham gia vào các nền tảng này.  

Ông Huy cũng đánh giá, nhu cầu nhân lực về công nghệ thông tin trong những năm vừa qua tăng rất nhanh, ngay cả tại MBBank, nhu cầu nguồn nhân lực ở nhóm này đã tăng trưởng từ 200 – 300%. Đến nay, để xây dựng và duy trì các nền tảng này, MBBank cần đội ngũ trên dưới 1.000 kỹ sư trong và ngoài ngân hàng.

“Như vậy, rõ ràng là nhu cầu nhân sự công nghệ thông tin đang đặt ra hiện nay là rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực Fintech. Tôi cho rằng, nếu các ngân hàng hay định chế tài chính không áp dụng sự phát triển của công nghệ trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính thì chúng ta có thể tụt lại phía sau. Thậm chí biến mất trên bản đồ cung cấp sản phẩm tài chính trong tương lai”, ông Huy nói

Ông cũng nhấn mạnh đó là lý do hiện nay ngoài việc duy trì đội ngũ kỹ sư trong ngân hàng, đơn vị này còn hợp tác với các đơn vị về Fintech - nơi cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính dưới nền tảng công nghệ.

Dưới góc nhìn là đơn vị đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) Ngô Tự Lập cũng khẳng định chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Theo ông, nền kinh tế tương lai là nền kinh tế số, nhưng để thành công trong nền kinh tế ấy, công tác đào tạo nhân lực sẽ đóng vai trò then chốt.

Xuất phát từ thực tế trên, ông Lập cho biết, hiện IFI đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam.

Các chương trình này đều dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, có tính quốc tế cao, cho phép người học trở thành những chuyên gia, doanh nhân, nhà lãnh đạo có năng lực hợp tác và cạnh tranh trên toàn cầu.

(Theo tạp chí điện tử VnEconomy).


Giới Thiệu STU