Khi các khu công nghệ cao bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội (khu công nghệ cao Sài Gòn, Hòa Lạc,...) thì các vấn đề về nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghệ cao được nhiều người quan tâm hơn. Thực tế, bất chấp việc có nhiều trung tâm đào tạo về công nghệ cao xuất hiện hay các trường cao đẳng, đại học chú trọng đào tạo hơn thì nhân lực cho các ngành này vẫn còn rất thiếu, còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Theo dự kiến đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao, đến năm 2020, các trường đại học cần tuyển 30.000 sinh viên công nghệ thông tin, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Và đào tạo được 28.000 người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có, khoảng 29,9% người đúng chuyên ngành công nghệ cao; trong đó chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư chỉ có 97 người, tiến sĩ chỉ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sĩ. Với số lượng giảng viên như vậy, việc đào tạo đáp ứng đủ chỉ tiêu sẽ vô cùng khó khăn. Thêm nữa cơ sở hạ tầng của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay có thể nói là không theo kịp với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới. Số lượng sách báo, tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc nghiên cứu còn rất nghèo nàn.
Các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng đội ngũ nhân sự tại địa phương, số lượng và chất lượng đều chưa thể đáp ứng được các đòi hỏi cao của các ngành này, mặc dù hàng năm có khá nhiều kỹ sư ra trường nhưng số sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu công việc là chỉ khoảng 10%. Tình trạng chảy máu tài năng cũng khá phổ biến khi có khá nhiều sinh viên sau khi du học hoặc tốt nghiệp cũng thường ở lại hay tìm tới môi trường nước ngoài để phát triển và nâng cao khả năng hơn là trở về và ở lại nước.
Trước thực trạng trên, tự bản thân các khu công nghệ cao đã phải mở thêm các trung tâm đào tạo để phục vụ cho mình. Chương trình đào tạo bằng ngân sách nhà nước (chương trình 322) cũng đã đào tạo được gần 2000 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên tại nhiều nước có nền công nghệ tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra các quỹ giáo dục, các chương trình đào tạo phục vụ cho các tập đoàn, công ty cũng đã và đang đào tạo thêm nhiều kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ để làm việc lâu dài và tiếp cận với các công nghệ mới trên thế giới Trường đại học Bách Khoa Tp.HCM cũng mở thêm ngành đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch từ năm 2011 nhằm phục vụ cho dự án nhà máy sản xuất chip điện tử của Tổng công ty công nghiệp Tp.HCM.
Việc liên kết giữa các trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu là một thực tế tất yếu khi đào tạo phải theo nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như các doanh nghiệp có thể yêu cầu và hỗ trợ cho các trường, trung tâm đào tạo để phục vụ cho chính mình. Các trường phải liên tục cập nhật thông tin, cải cách chương trình giảng dạy, đầu tư trang thiết bị mới.
Ngoài ra cũng cần đổi mới, cải cách cơ chế, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực Việt kiều về nước, mời gọi chuyên gia nước ngoài, giữ chân các nhân tài trong nước. Các chương trình đào tạo các ngành công nghệ cao cũng cần được xác định rõ ràng và phù hợp với nhu cầu của thị trường kinh tế.
Vnexpress