Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Giáo viên Ngữ văn chỉ cách làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Văn đạt điểm cao.

Cập nhật 29/06/2021 - 12:16:27 PM (GMT+7)

Kinhtedothi – Một tuần nữa là diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 5 bài thi. Thầy Bùi Huy Hiếu – Giáo viên Ngữ văn trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) là giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp Thành phố đã chỉ cho học sinh cách làm bài thi Văn để đạt điểm cao.

Đọc một lượt các câu hỏi Đọc hiểu để biết vấn đề

Làm thế nào để có bài thi Văn đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2021 là câu hỏi được nhiều sĩ tử 2K3 đặt ra.

Thầy Bùi Huy Hiếu đã có nhiều năm dạy môn Ngữ văn, có học trò luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, cho biết: Đầu tiên, học sinh (HS) muốn làm được bài Ngữ văn hay, tốt, hiệu quả kiến thức phải chắc, kỹ năng đã được rèn luyện.

Cấu trúc bài thi môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT bao giờ cũng có 3 phần: Phần 1 Đọc hiểu, phần 2 Nghị luận xã hội, phần 3 Nghị luận văn học.

Về phần Đọc hiểu văn bản, HS tránh tình trạng vừa đọc vừa nhìn vào câu hỏi và trả lời song song. Phương pháp đúng đắn nhất là các em cầm đề lên và đọc một lượt văn bản để hiểu được nội dung đề cập đến vấn đề để từ đó rút ra ý nghĩa, bài học gì. Sau đó, HS đọc một lượt các câu hỏi trong phần Đọc hiểu để biết vấn đề hỏi, ở cấp độ nào. Sau khi HS có cái nhìn tổng thể thì lần lượt trả lời từng câu.

 

Thay%20Hieu%202.2.png Thầy Bùi Huy Hiếu khuyên các em học sinh rà soát lại kỹ năng làm bài đọc hiểu, nghị luận xã hội, đọc lại những kiến thức cơ bản trọng tâm về các bài làm văn.

 

Với bài Đọc hiểu, nếu là ngữ liệu thơ, câu hỏi 1 thông thường là thể thơ, hỏi về phương thức biểu đạt, hình ảnh, từ ngữ; nếu là ngữ liệu văn xuôi có thể hỏi về thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ... Muốn làm đúng câu 1, HS cần nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt và làm văn.

Câu hỏi 2 ở mức độ nhận biết, sẽ có sẵn ngay trong văn bản, HS chỉ cần trích lục và liệt kê ra là xong.

Câu hỏi 3, mức độ thông hiểu, yêu cầu HS phải vận dụng cả kiến thức và tư duy. Ngoài ra, đề có xu hướng ra câu hỏi: Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn (thơ) này? Để làm được, HS phải đọc kỹ câu văn, câu thơ, đoạn văn, đoạn thơ để trả lời phản ánh cái gì, có ý nghĩa nội dung ra sao.

Câu hỏi 4 mức độ vận dụng, vận dụng cao, đề ra thường theo phom: Anh/chị có đồng ý với ý kiến trên không; hoặc từ văn bản có cảm nhận hoặc rút ra thông điệp gì? Thông thường câu hỏi này để cho HS bày tỏ quan điểm. Với câu hỏi này, HS trình bày rõ ràng, mạch lạc, đưa được quan điểm của mình có đồng ý hay không, rút ra thông điệp gì, lý giải vì sao. “Với câu 4, các em phải trả lời bám sát nội dung văn bản, phù hợp với chuẩn mực của đạo đức và pháp luật” – thầy Bùi Huy Hiếu đặc biệt lưu ý.

Nghị luận xã hội, câu lệnh rất quan trọng

Để viết đoạn văn 200 chữ có chất lượng trong phần Nghị luận xã hội, thầy Bùi Huy Hiếu nhấn mạnh HS cần phải bám sát với văn bản đọc hiểu. Văn bản đọc hiểu sẽ giúp chúng ta làm sáng tỏ một số phần trong bài Nghị luận xã hội; ví dụ văn bản ấy có thể cho luôn dẫn chứng, một số vấn đề đã được luận bàn. HS phải có tư duy kết hợp, logic, xâu chuỗi các vấn đề.

Với phần Nghị luận xã hội, khi đọc câu hỏi, HS phải phân biệt được câu lệnh của đề. Câu lệnh rất quan trọng để các em định hướng phương pháp làm bài.

 

Thay%20Hieu%203.jpgThầy Bùi Huy Hiếu xin chúc tất cả các em học sinh 2K3 có tâm lý ổn định, ôn tập tốt để có một kỳ thi thành công.

 

Thầy Bùi Huy Hiếu lưu ý HS khi viết đoạn văn Nghị luận xã hội thì không được phép xuống dòng, mà liền mạch. Câu mở đoạn, HS giới thiệu và xác định được vấn đề cần nghị luận thì sẽ được ngay 0,25 điểm. Sau đó, trong phần thân đoạn, yêu cầu các em phải lập luận chặt chẽ, ngắn gọn, xúc tích, sắc xảo và có dẫn chứng minh họa để tăng thêm tính thuyết phục. Cũng như, để từ đó các em có bài học nhận thức và hành động sao cho phù hợp.

Phần Nghị luận xã hội 200 chữ, HS ước chừng viết nửa mặt giấy thi là phù hợp. Vì yêu cầu viết ngắn nên các em phải viết trọng tâm; tránh lan man, dài dòng, không đúng với câu lệnh của đề bài.

Bài Nghị luận văn học, dẫn chứng và lập luận sắc sảo

Phần Nghị luận văn học có điểm số cao nhất trong bài thi môn Ngữ văn. Theo tư vấn của thầy Bùi Huy Hiếu, trước khi viết, HS phải xác định câu lệnh hỏi về vấn đề gì, thuộc phạm vi kiến thức nào; từ đó xác định được phương pháp làm bài. Ví dụ như dạng bài bàn về vấn đề văn học hay cho một đoạn văn rồi cảm nhận nhân vật; hoặc đề cho vấn đề A để từ đó rút ra vấn đề B.

Khi HS làm bài Nghị luận văn học, trong bài bao giờ cũng phải thể hiện được quan điểm nhận thức, đảm bảo được cả về kiến thức, nội dung và nghệ thuật của văn bản đó, đoạn trích đó để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài.

Cùng với việc lập luận sắc sảo, HS phải có dẫn chứng sắc sảo khi làm bài Nghị luận văn học. Có hai loại dẫn chứng: gián tiếp hoặc trực tiếp, các em phải biết phối hợp và sử dụng cho phù hợp và chính xác.

HS muốn làm bài Nghị luận văn học hay và sâu phải khai thác được cả yếu tố nội dung và nghệ thuật. HS có thể trích dẫn những câu nói, nhận định kinh điển, ý kiến, quan điểm của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng vào trong bài làm.

Để có bài làm hay, sâu và tăng thêm điểm, HS phải biết mở rộng so sánh các vấn đề cùng chung đề tài. Ví dụ, khi viết về giá trị nhân đạo, các em có thể so sánh giữa tác phẩm Vợ chồng A Phủ với Vợ nhặt có điểm tương đồng gì. Rồi, có thể so sánh các tác phẩm Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ với những tác phẩm thời kỳ trước cách mạng của nhà văn Nam Cao, Ngô Tất Tố để thấy điểm giống nhau, khác nhau ở chỗ nào.

“Khi làm bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học, bao giờ HS cũng đều phải có đủ cả ba phần: mở, thân, kết. Những bài không hoàn chỉnh thì rất khó có điểm cao” – thầy Bùi Huy Hiếu lưu ý.

“Từ nay đến ngày thi không còn nhiều thời gian. HS cần có tâm lý vững vàng, yên tâm với việc Bộ GD&ĐT đã ra đề thi tham khảo rất rõ ràng, các trường đã tổ chức ôn tập, vì thế các em hãy tự tin vào chính mình để có một kỳ thi thành công” – thầy Bùi Huy Hiếu khuyên các em học sinh 2K3.

(Theo báo điện tử Kinh tế & Đô thị).


Giới Thiệu STU