TTO - Bộ GD-ĐT vừa chốt phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo 2 đợt trong tình huống dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, thành phố Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Quảng Nam (bao gồm thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình) đang thực hiện cách ly xã hội lùi kỳ thi vào thời điểm thích hợp do địa phương đề xuất sau khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức thi.
Để đảm bảo an toàn cho kỳ thi, thí sinh thuộc diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với các thí sinh của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Đối với các thí sinh dự thi sau ngày 10-8 có nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sinh, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học có phương án tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh trên tinh thần tự chủ đại học.
Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quán triệt, xây dựng phương án cụ thể triển khai tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch COVID-19 chu đáo, đầy đủ các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị, quyết tâm đạt mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương chủ động rà soát những thí sinh thuộc diện F1, F2 (nếu có) báo cáo Bộ GD-DT trước ngày 12-8.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thực hiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo 2 đợt nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh và những người làm công tác thi.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phải có phương án phân loại thí sinh theo 4 nhóm: F0 (ca bệnh xác định, dương tính với SARS-CoV-2), F1 (tiếp xúc gần với F0, phải cách ly tập trung), F2 (tiếp xúc với F1, cách ly tại nơi cư trú) và các thí sinh khác.
Ngoài đối tượng thí sinh F0 sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp và được tạo điều kiện tham gia xét tuyển đại học bằng các hình thức phù hợp, thí sinh diện F1, F2 sẽ được bố trí thi tại phòng thi hoặc điểm thi riêng.
Cụ thể, thí sinh diện F1 có thể được tổ chức thi tại khu cách ly hoặc điểm thi riêng gần khu cách ly. Thí sinh diện F2 có thể bố trí thi tại phòng thi dự phòng của các điểm thi hoặc thi tại điểm riêng phù hợp với điều kiện mỗi địa phương.
Tuy nhiên, việc tổ chức phòng thi, điểm thi riêng cho đối tượng F1, F2 có thể nảy sinh những vấn đề phức tạp nên Bộ GD-ĐT chốt phương án để đối tượng F1, F2 thi đợt 2 cùng với thí sinh tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Cân nhắc xét đặc cách đảm bảo quyền lợi
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết thí sinh diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia đợt 2 cùng thí sinh tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Đối với việc xét tuyển đại học, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã có công văn chỉ đạo các trường tạo điều kiện thuận lợi, có phương thức tuyển sinh chia tỉ lệ, chỉ tiêu phù hợp các em học sinh thi cả 2 đợt đảm bảo xét tuyển công bằng, minh bạch.
Thông tin thêm về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết ngành GD-ĐT đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi diễn ra từ 8 đến 10-8 nên không thể lùi thời gian thi. Thẩm quyền quyết định kỳ thi là thuộc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo Luật Giáo dục.
Theo đó, địa phương không thực hiện giãn cách xã hội thì thực hiện thi bình thường, nhưng đảm bảo thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn. Với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ trưởng đề xuất lui lại thời điểm thích hợp, cùng với các thí sinh thuộc diện F0, F1 và F2 sẽ thực hiện thi cùng với các địa phương giãn cách.
Nhưng theo ông Dũng, đối với việc xét đặc cách cho một số đối tượng thí sinh, hiện đang vướng về pháp lý. Bởi Luật Giáo dục quy định học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện thì dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp bằng chứng nhận tốt nghiệp. Do đó xét đặc cách thì phải báo cáo Quốc hội vì thuộc thẩm quyền Quốc hội.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng "việc xét đặc cách ảnh hưởng quyền lợi thí sinh và là vấn đề lớn, bởi liên quan đến công tác xét tuyển tuyển sinh đại học và cao đẳng, đặc biệt là khối các trường công an, quân đội chỉ sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT".
"Nên nếu xét đặc cách, những học sinh đăng ký thi tuyển vào trường đại học là vấn đề cân nhắc nên sẽ phải tính toán đảm bảo lợi ích và quyền lợi thí sinh và phụ huynh", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Báo cáo về kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng - giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (Sở GD-ĐT) Hà Nội - cho biết toàn thành phố có 80.000 học sinh đăng ký kỳ thi này.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được ngành giáo dục thành phố thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng như thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong các điểm thi theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thành phố.
Dự kiến Hà Nội tổ chức 143 điểm thi, mỗi điểm thi sẽ bố trí thêm giáo viên và 2 phòng thi để dự phòng khi có thí sinh ho, sốt, khó thở. Kế hoạch như trên nhằm dự phòng phòng thi cho trường hợp các thí sinh thuộc diện F2 có biểu hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở.
Ngoài ra, thành phố cũng đã chỉ đạo thành lập điểm thi tại điểm cách ly tập trung trong Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội. Theo đó, Sở Y tế, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã hoàn chỉnh nội dung hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh tại các điểm thi tốt nghiệp THPT.
"Thành phố đã triển khai 30 đoàn kiểm các điểm thi tốt nghiệp THPT, qua kiểm tra cho thấy, hiện các quận, huyện đang triển khai tốt việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT và của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố", ông Dũng cho hay.
(Theo Tuổi Trẻ Online).