Theo nhận định của Tập đoàn tư vấn McKinsey, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt 15% lực lượng lao động tay nghề cao và dư thừa khoảng 10% nguồn nhân lực có tay nghề thấp.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh thực tế, thị trường lao động của Việt Nam đang cần đến một số lượng lớn lao động kỹ thuật, tay nghề cao ở nhiều ngành công nghiệp trọng điểm. Điều này có thể mở ra những gợi ý khả thi cho các sinh viên bắt đầu quá trình khởi nghiệp.
Chuyên nghiệp và có tầm nhìn toàn cầu
Tại Việt Nam đã và đang tồn tại nhu cầu rất lớn về lao động kỹ thuật số trong tất cả các ngành nghề, nhu cầu lao động trong các dịch vụ chuyên môn, đặc biệt là ngành nhân sự cũng đang gia tăng. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, sự thay đổi sẽ gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phillip Allen, Giám đốc nghiên cứu thị trường Học viện UTS: INSEARCH - Đại học Công nghệ Sydney lại cho rằng, sự thành công trong bối cảnh thế giới đang đổi thay đem lại cho sinh viên một môi trường có thể liên tục phát triển bản thân và trau dồi chuyên môn.
Điều đó sẽ giúp các em bước vào công việc thực tế một cách hiệu quả bằng việc trang bị cho các em nền tảng kiến thức chuyên môn sâu sắc, đồng thời đào tạo các em thành những người có chuyên môn năng động, chuyên nghiệp và có tầm nhìn toàn cầu. Một thế giới với sự liên kết toàn cầu thì cần có sự đa dạng và khả năng thích nghi...
Theo ông Allen, những sinh viên nắm chắc kỹ năng chuyên môn trong quá trình học tập tại đại học, bất kể ở chuyên ngành nào như kinh doanh, truyền thông, thiết kế và kiến trúc, công nghệ thông tin hay khoa học, kết hợp với kỹ năng Anh ngữ và kỹ năng mềm vững vàng sẽ là những người có thể thích ứng tốt nhất và được các nhà tuyển dụng săn đón trên thị trường lao động toàn cầu đang có nhiều đổi thay.
Với sự thành lập của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, người lao động Việt Nam với kinh nghiệm làm việc tại môi trường khu vực và môi trường quốc tế, thành thạo tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh sẽ là những người được đánh giá rất cao.
“Khát” nhân lực kỹ thuật
Cụ thể về các nhóm ngành tại Việt Nam đang “khát” nhân lực, mới đây, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmy) đã đưa ra dự báo nhu cầu nhân lực cho các ngành công nghiệp, xây dựng sẽ tăng cao trong những năm tới, doanh nghiệp sẽ cần nhiều nhân sự ở nhóm ngành kỹ thuật. Đây có thể là một gợi ý tốt cho các bạn học sinh, sinh viên có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho bản thân.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmy cho biết, những nhóm ngành được Chính phủ ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025 - 2035 là: Công nghiệp chế biến chế tạo, ngành điện tử và viễn thông, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Nằm trong ba nhóm ngành trên những ngành cụ thể được chú trọng phát triển nhất và sẽ có nhu cầu nhân lực cao bao gồm: Ngành điện; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông lâm, thủy sản, thực phẩm, đồ uống; hóa chất; dệt may - da giày; điện tử; công nghệ thông tin; cơ khí - luyện kim và dầu khí.
Với sự phát triển của các ngành đương nhiên sẽ cần nhiều nhân lực để phục vụ hoạt động sản xuất. Đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao như kỹ sư cơ khí, kỹ sư thủy sản, kỹ sư công nghệ thông tin…
Giai đoạn 2016 - 2020 đến năm 2025, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh dự báo mỗi năm đã có khoảng 270.000 cơ hội việc làm. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ cao nhất 33%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 18%, trình độ cao đẳng chiếm 15%, trình độ đại học chiếm 17%, trên đại học chiếm 2%. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng nhân lực qua đào tạo của các doanh nghiệp là khá cao. Điều quan trọng của ứng viên cần làm là chuẩn bị cho mình đầy đủ hành trang và kiến thức để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cũng theo dự báo của Tập đoàn tư vấn McKinsey, các nền kinh tế đang phát triển ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có thể thiếu hụt tới gần 45 triệu lao động có tay nghề trung bình vào năm 2020.