Quan tâm trước đến phẩm chất nhân văn hay thực hành nghề nghiệp
PGS.TS Nguyễn Vũ Việt nhận định: Một vấn đề muôn thủa dường như khó gặp nhau giữa nhà tuyển dụng lao động và các cơ sở đào tạo, đó là chất lượng sản phẩm nguồn nhân lực.
Nhà tuyển dụng luôn muốn tuyển được người có đủ năng lực cần thiết về chuyên môn nghiệp vụ, về phẩm chất đạo đức, về khả năng sáng tạo và đặc biệt có thể bắt tay ngay vào công việc.
Các nhà tuyển dụng thường hay phàn nàn rằng, kiến thức của s inh viên tốt nghiệp ra trường nặng về lý thuyết, yếu thực hành, khả năng tổ chức và làm việc theo nhóm yếu...
Vì vậy, có những quan điểm cho rằng, để đáp ứng nhu cầu xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp cần gì thì các cơ sở đào tạo sẽ đáp ứng, không nên trang bị kiến thức chung chung, lý thuyết mà nên đi sâu vào việc đào tạo kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ để sinh viên có thể thành thạo nghề nghiệp ngay khi tốt nghiệp.
Xét trên góc độ của các nhà tuyển dụng lao động thì quan niệm như vậy có thể nói là hợp lý. Nhưng, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt cho rằng, nếu trên góc độ xã hội học, việc đào tạo như vậy sẽ cho ra đời những sản phẩm không hoàn chỉnh, hơn nữa, sản phẩm đào tạo là một sản phẩm đặc biệt, liên quan đến con người.
Việc đào tạo con người, nhất là đào tạo bậc ĐH, trước hết phải quan tâm đến những phẩm chất nhân văn, sau đó mới đến vấn đề học thuật, tư duy, và sau cùng với là vấn đề kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ, chuyên môn, thực hành nghề nghiệp và kiến thức bổ trợ.
"Có nhiều quan điểm cho rằng, sản phẩm đào tạo ở bậc ĐH chỉ là những sản phẩm cơ bản, sản phẩm lõi mang tính hình mẫu. Sản phẩm này cần được bổ sung thêm những tính chất đặc thù để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh khi thực hành nghề nghiệp tại đơn vị sử dụng.
Vấn đề nêu trên tác động quan trọng đến việc thiết kế, xây dựng nội dung chương trình đào tạo của các chuyên ngành Kế t oán, Kiểm toán. Sản phẩm đào tạo ĐH ngành Kế toán, Kiểm toán có đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc có giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa mục tiêu đào tạo, thiết kế nội dung và chương trình đào tạo với việc đào ứng nhu cầu xã hội" - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt nêu ý kiến.
"Các cơ sở đào tạo phải luôn đổi mới, cập nhật nội dung chương trình đào tạo hướng theo nhu cầu thị trường. Việc đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở đào tạo chỉ là một khâu của quá trình đào tạo liên tục, các cơ sở sử dụng lao động phải tiếp tục quá trình đào tạo bằng những hình thức khác nhau, phù hợp với yêu cầu công việc cụ thể" - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt.
Riêng với lĩnh vực kiểm toán, kế toán, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt cho rằng, để đạt được mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, cần có sự phối hợp chặt chẽ và phải thực hiện đồng bộ những giải pháp từ nhiều phía với trách nhiệm của nhà nước, nhà trường và cả doanh nghiệp.
Vì vậy, cần thiết phải có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa các nhà tuyển dụng với cơ sở đào tạo trên cơ sở lợi ích chung và thực hiện trách nhiệm xã hội nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
PGS.TS Nguyễn Vũ Việt đồng thời đặt vấn đề giải quyết tốt sự tác động của khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán đến nội dung giảng dạy các môn học Kế toán, Kiểm toán.
Theo đó, đối với môn học cơ sở khoa học của ngành kế toán, kiểm toán: Nguyên lý kế toán được xác định là môn cơ sở khoa học của ngành Kế toán, Kiểm toán. Vì vậy, về nội dung môn học này chỉ giải quyết những vấn đề lý luận cơ bản của khoa học kế toán.
Trước hết, môn học nghiên cứu lý luận về khoa học kế toán nên không đi sâu nghiên cứu và giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến hệ thống quy định pháp lý về kế toán, như Luật Kế toán, chuẩn mực và chế độ kế toán mà chỉ lấy nội dung của những quy định cụ thể đó để minh họa phần lý luận của khoa học kế toán được trình bày trong nội dung môn học và nghiên cứu bổ sung lý luận mới nhằm phát triển khoa học kế toán phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Mặt khác, cần khẳng định hệ thống quy định pháp lý về kế toán được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở lý luận khoa học kế toán và yêu cầu quản lý kinh tế tài chính của đất nước trong từng thời kỳ.
Đối với các môn học nghiệp vụ của chuyên ngành, cần phải chuẩn hóa theo hướng giải quyết những vấn đề cụ thể theo tình thần của chuẩn mực và nguyên tắc kế toán.
"Chúng tôi xác định nội dung cụ thể của từng chuẩn mực kế toán phải được xây dựng, thiết kế đưa vào nội dung của phần, từng chương trong nội dung, chương trình giảng dạy của các môn học, làm cơ sở để đánh giá, ghi nhận và trình bày thông tin cho từng đối tượng kế toán, theo từng khoản mục trong báo cáo tài chính.
Mặt khác, cần mạnh dạn giảm bớt nội dung trình bày về chế độ kế toán cụ thể, thay vào cần tăng cường nội dung của nguyên tắc, chuẩn mực kế toán đề lý giải, phân tích tìm ra đạo lý, cơ sở khoa học của vấn đề" - PGS.TS Nguyễn Vũ Việt nêu quan điểm.