Thị trường lao động trên địa bàn Tp.HCM, đến thời điểm hiện nay vẫn tiếp tục có sự chênh lệch giữa cung – cầu khi chất lượng, số lượng, cơ cấu đào tạo vẫn chưa cân đối. Nguồn cung lao động chưa đáp ứng được với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, từ háng 6/2015 trở đi, nhu cầu tìm việc một lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH-CĐ tiếp tục tăng cường cho nguồn nhân lực thành phố.
Theo nhận định của Trung tâm FALMI, quá trình tái cơ cấu sản xuất và bộ máy nhân sự vẫn tiếp tục diễn ra nên nguồn nhân lực yêu cầu chất lượng cao là yêu cầu tuyệt đối của các DN, người sử dụng lao động.
Cần lực lượng có kinh nghiệm và chuyên môn
Qua khảo sát 1.852 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên với tổng số 17.116 chỗ làm việc và 7.362 người lao động có nhu cầu tìm việc, trên toàn địa bàn TP, Trung tâm FALMI đã thống kê được những con số khá ân tượng cho bức tranh TTLĐ TP trong 2 tháng 5 và 6 là những tháng giáp hạt với một số lượng khá đông sinh viên ra và sắp ra trường.
Theo đó, nhu cầu tuyển dụng tháng 5/2015 tập trung cao ở các nhóm ngành như: Kinh doanh – bán hàng 26,33%; dịch vụ phục vụ (17,07%); du lịch – nhà hàng – khách sạn (7,56%), CNTT (7,47%); dịch vụ thông tin – tư vấn – CSKH (4,05%). Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm từ 2 – 5 năm ở các nhóm ngành như: CNTT, kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, kế toán trưởng, marketing – PR. Song song với nhu cầu tuyển dụng từ các DN là nhu cầu tìm việc ở tháng 5/2015 cũng tăng 5%, tập trung ở các nhóm ngành như: kế – kiểm (27,22%); HCVP (11,46%); kinh doanh – bán hàng (8,45%); kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng (4,81%); cơ khí tự động hóa (4,43%), CNTT (3,99%).
Các nhóm: kiến trúc xây dựng, CNTT, dịch vụ tư vấn – CSKH chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nhu cầu tuyển dụng có kinh nghiệm và chuyên môn. Nhóm kiến trúc - xây dựng chiếm 1,86%, gồm các vị trí: KTS, giám sát công trình, kỹ sư kết cấu, kỹ sư xây dựng… yêu cầu người lao động có các kiến thức chuyên ngành công nghệ xây dựng cao như tin học xây dựng, công nghệ thi công chính xác, công trình đặc biệt, tự động hoá trong một số công tác khảo sát, thiết kế, cơ khí, sản xuất vật liệu mới và thi công xây lắp. Trên 55% nhu cầu tuyển dụng của DN yêu cầu kinh nghiệm từ 1 năm đến 5 năm kinh nghiệm. Bên cạnh kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng đối với ngành khi 80% các vị trí tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có các ngoại ngữ như: Anh, Hàn, Nhật…
Bổ sung nguồn lao động mùa ra trường
Từ tháng 6/2015, nhu cầu tìm việc của một lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường ĐH-CĐ tiếp tục tăng cường cho nguồn nhân lực thành phố, tương ứng với tỷ lệ cơ cấu trình độ: lao động phổ thông 35%; sơ cấp nghề - CNKT 15%, trung cấp: 20%; CĐ – ĐH – trên ĐH 30%.
Theo dự báo của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm FALMI, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Tp.HCM tháng 6/2015 khoảng 25.000 chỗ làm việc. Lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ góp phần làm gia tăng sự cạnh tranh giữa nhu cầu tìm việc của người lao động có kinh nghiệm và lực lượng lao động vừa gia nhập thị trường… Con số 25 ngàn chỗ làm này rải đều ở các ngành, nghề nhưng tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như: CNTT; dịch vụ - phục vụ; điện - điện tử; công nghệ thực phẩm; dệt may – giày da; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; kinh doanh tài sản – bất động sản; logistics - XNK; tài chính ngân hàng; kế – kiểm… Ông Tuấn cũng nhận định, thị trường lao động trong tháng 6 và những tháng tiếp theo sẽ gia tăng sự cạnh tranh giữa nhu cầu tìm việc của người lao động có kinh nghiệm và lực lượng lao động vừa gia nhập thị trường lao động theo xu thế tuyển dụng lao động phù hợp vị trí tuyển dụng, vị trí việc làm. Người lao động, thanh niên, sinh viên hài hòa được 3 yếu tố: kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…) sẽ có ưu thế và thuận lợi tìm được việc làm thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, có một thực tế khó tránh khỏi là, nếu lực lượng sinh viên ra trường không có đủ những kỹ năng cần thiết tối thiểu nêu trên, thì việc họ dễ dàng “bị loại” khỏi cuộc đua tìm việc là điều có thể nhìn thấy. Bởi có thể khi ra trường, sinh viên học một đằng tìm việc một nẻo; rồi là đua nhau học tập trung vào những ngành, nghề “hot” đến khi ra trường thì tìm việc lại bấp bênh. Đó chính là sự mất cân đối triền miên giữa đào tạo và tìm việc, sự lệch pha giữa cung và cầu. Đây thuộc về vấn đề chiến lược. Bởi thế, việc cần xác định được khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu công việc xã hội và các DN, hạn chế việc đào tạo tự phát, không bảo đảm chất lượng gây tình trạng thừa - thiếu lao động và gia tăng thất nghiệp, là công việc cấp bách hơn bao giờ hết. “Việc đào tạo cần phải có chiến lược cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước, cá nhân, gia đình và xã hội”. Chuyên gia lao động Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.
Nguồn: vneconomy.com.vn