Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Thi Quốc gia: Thầy giáo bày cách làm tốt bài thi môn Ngữ văn

Cập nhật 16/06/2015 - 11:03:48 AM (GMT+7)

Bài văn có “sức nặng”, chiếm được cảm tình của giám khảo là bài văn đi đúng trọng tâm, lập luận, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ và biết vận dụng, sáng tạo.

Vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi và nhiều tỉnh thành khác đã tiến hành tổ chức tập dượt, thi thử cho học sinh lớp 12 đối với các môn văn hóa sắp thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH, trong đó có bộ môn Ngữ Văn.

Đề thi thử môn Ngữ văn về cấu trúc và mức độ khó, dễ tương đương như đề minh họa của Bộ GD&ĐT từng giới thiệu, tuy nhiên, kết quả chưa khả quan, một số bài bị điểm liệt; ở các câu, nhiều thí sinh bộc lộ không ít hạn chế, khiếm khuyết từ hình thức trình bày đến cách hiểu, đánh giá.

Để thí sinh có thể làm tốt bài thi môn Ngữ văn, là một thầy giáo nhiều năm dạy văn lớp 12, tôi có một số kinh nghiệm muốn chia sẻ, trao đổi với các em.  

Môn Ngữ văn thuộc ngày thi thứ 2, không giống như kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm qua (môn Ngữ văn là môn thi đầu tiên).

Thời gian làm bài đề thi của môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia là 180 phút. Nên nhớ, thời gian 180 phút ấy, người ra đề đã tính đến thời gian để thí sinh suy nghĩ, đọc kỹ đề, lập dàn ý, viết nháp.

Theo kinh nghiệm của tôi, các em nên dành khoảng 30 - 40 phút cho việc làm trên, đặc biệt rất cần thiết đối với phần viết, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Bởi vì, khâu lập dàn ý, viết nháp giúp cho bài làm trong các tờ giấy thi có hệ thống, chặt chẽ về ý tứ, luận điểm hơn, tránh tình trạng sót, thiếu ý.

Theo tinh thần của Bộ GD và ĐT, năm nay, kết cấu đề thi môn ngữ văn gồm có 2 phần: Đọc- hiểu và viết, được chia tánh thành 3 câu cụ thể.

Câu 1 ( 3 điểm): Kiểm tra kiến thức về tiếng Việt như chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic, nhận diện các phong cách văn bản; yêu cầu xác định nội dung, chủ đề, tóm tắt ý chính của một đoạn văn cho trước; chỉ ra các phương thức biểu đạt, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc và tác dụng của biện pháp đó trong một hoặc hai đoạn văn, thơ cho sẵn. Đáng chú ý, phần đọc hiểu, ngữ liệu của đề thi có thể nằm ngoài văn bản sách giáo khoa.   

Phần này, thường có 8 câu hỏi nhỏ, thí sinh cần trình bày mạch lạc, gãy gọn theo yêu cầu cụ thể của từng câu, tránh viết dông dài, lan man đến cả trang giấy thi. Kể cả thí sinh sức học trung bình hoặc học yếu môn văn, nếu chịu khó để ý, biết cách làm thì phần Đọc-hiểu là cơ hội để có điểm khá, tốt.

Những kiến thức về luận điểm, nội dung, chủ đề đoạn thơ, đoạn văn; về các phong cách ngôn ngữ; về các thao tác lập luận; về các phương thức biểu đạt; về các biện pháp tu từ…từng được khá kỹ trong chương trình Ngữ văn THCS và THPT, thí sinh cần ôn tập, củng cố lại để xác định, nhận diện cho đúng.

Các câu yêu cầu trình bày về nội dung chính, trả lời câu hỏi tại sao, bày tỏ quan điểm của riêng em, khoảng từ 7 đến 8 dòng thì các em phải chú ý cách diễn đạt bằng lời văn của mình và tốt hơn nữa là các em nên viết nó như một đoạn văn nhỏ, ngắn, có kết cấu ba phần, mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Các vị giám khảo rất có tình cảm và đánh giá cao với những bài làm, cách trả lời bài bản, công phu, đúng đặc trưng môn ngữ văn như vậy của thí sinh.

Câu 2 ( 3 điểm): Ở câu nghị luận xã hội, câu hỏi và đáp án có tính mở, có tính chất tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hoá… Học sinh lớp 12 đã quá quen thuộc với việc ôn luyện, thực hành ba dạng bài cụ thể: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.

Theo cảm quan của tôi, Ban ra đề của Bộ cũng không làm khó học sinh nên sẽ ra những vấn đề, hiện tượng gần gũi, quen thuộc, phổ biến, có ý nghĩa, mang tính thời sự trong đời sống xung quanh ta. Chẳng hạn, an toàn giao thông, thực phẩm, bảo vệ môi trường, về đạo đức, lí tưởng, lẽ sống, tình bạn, tình yêu, nghề nghiệp....dưới dạng nghị luận giải thích, làm sáng tỏ, anh/ chị suy nghĩ gì, bày tỏ thái độ như thế nào....

Về mức độ yêu cầu cơ bản, các em cần giới thiệu, giải thích, nêu rõ vấn đề cần bàn luận, biết phân tích những mặt đúng - sai, lợi - hại có liên quan đến vấn đề, biết bàn bạc, mở rộng, nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức, hành động, biết chỉ nguyên nhân, biện pháp và bày tỏ thái độ, ý kiến của mình về hiện tượng xã hội đó.

Hạn chế thường thấy ở nhiều bài làm của thí sinh là phần bình luận, mở rộng vấn đề ở dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lý, ở chỗ  chưa biết đặt ngược vấn đề, những tồn tại, mặt trái, tiêu cực…của vấn đề nghị luận.

Để làm tốt đề nghị luận xã hội, ngoài việc rèn luyện kĩ năng, lập luận, các em cần cập nhật, siêng năng đọc, nghe, thu thập tài liệu, số liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài..., giúp cho bài viết có thêm những luận cứ  phong phú, xác đáng, thuyết phục.

Câu này, đề thi thường giới hạn số lượng chữ từ 400 đến 600 chữ, khoảng 1 trang rưỡi giấy thi,  thí sinh không nên viết vượt quá nhiều so với giới hạn.  Về bố cục, kết cấu, thí sinh nhất thiết phải viết thành một bài văn hoàn chỉnh, có mở bài - thân bài - kết bài. Nhiều thí sinh lâu nay có thói quen chỉ viết 1 đoạn văn thì không đảm bảo về cấu trúc , sẽ bị trừ điểm nặng.

Trong ba phần, phần kết thúc bài nghị luận xã hội là khó viết nhất, nhiều bài thường rơi vào công thức, lối mòn “bằng lời hứa hoàn thành nhiệm vụ học tập, tu dưỡng này nọ trong khi đó chủ đề bàn luận rất ít liên quan đến hai nhiệm vụ kia.” Tránh cái này, thí sinh cần bám sát đề bài, chủ động bộc lộ những suy nghĩ của mình, trình bày cả những điều mình đang băn khoăn, trăn trở, bằng lý lẽ chân thành và thuyết phục.

Mặt khác, cách diễn đạt nôm na, dẫn chứng, lý lẽ vụn vặt, lung tung…cũng thường thấy trong bài văn nghị luận xã hội. Bài văn nghị luận xã hội được đánh giá cao, cần lắm những luận điểm cùng với các dẫn chứng xác thực từ trải nghiệm, đời sống và sách vở.

Câu 3 (4 điểm). Câu nghị luận văn học có mục đích phân hoá cao, hướng tới tuyển sinh ĐH. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một hoặc hai văn bản, trích đoạn. Đây là phần “ăn” nhiều điểm nhất, nên thời gian suy nghĩ, làm bài câu này của thí sinh phải nhiều hơn, công phu hơn.

Đề nghị luận văn học về thơ ca, đặc biệt dạng đề so sánh luôn là một thử thách không nhỏ đối với học sinh lớp 12 hiện nay. Các em phải biết cách phân tích, cảm nhận thơ, về mặt hình thức, nghệ thuật trên các khía cạnh sau: thể loại, từ ngữ hay, đắt, độc đáo, có giá trị thẩm mĩ, hình ảnh thơ tiêu biểu, giàu ý nghĩa, hiệp vần, phối thanh, ngắt nhịp, giá trị của các biện pháp tu từ, giọng điệu, lời thơ....biết soi xét, đối chiếu để làm nổi bật điểm giống nhau và khác nhau, biết lồng ghép, hòa quyện giữa nội dung và hình thức trong quá trình phân tích, cảm nhận.

Nghị luận văn học về văn xuôi, đáng lo ngại ở nhiều bài viết của thí sinh là tình trạng  “tràng giang đại hải”, nặng về kể lể, thuyết minh, thiếu đi khả năng khái quát, xâu chuỗi các luận điểm, luận cứ cùng với cách bình luận, đánh giá sắc nét.

Bài văn có “sức nặng”, chiếm được cảm tình của giám khảo là bài văn đi đúng trọng tâm, lập luận, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ và biết vận dụng, sáng tạo. Đây cũng là yêu cầu của Bộ GD và ĐT thể hiện trong một số đề và đáp án minh họa vừa rồi.

(Theo Báo Giáo Dục)


Giới Thiệu STU