Bộ LĐ-TB&XH vừa thông báo bức tranh lao động Việt Nam 2013 và dự báo năm 2014. Theo đó có 72.000 cử nhân tốt nghiệp từ ĐH trở lên thất nghiệp, lao động qua đào tạo sẽ tăng nhanh hơn theo xu hướng phát triển và đòi hỏi của nền kinh tế là những nhận định mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra.
Trình độ càng cao càng dễ thất nghiệp
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2013, dù tốc độ tăng trưởng kinh tế đã cải thiện so với năm 2012 nhưng chưa có tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm chưa được cải thiện. Bức tranh cho thấy một nghịch lý trong thị trường lao động, đó là thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi, là lứa tuổi đang sung sức nhất, đóng góp nhiều vào thị trường lao động, lại có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở mức 5,95% trong quý IV/2013. Cùng đó, thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm tỷ lệ rất cao (44,2%), tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2012. Tỷ lệ này ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn nhiều so với không có chuyên môn kỹ thuật: 54,4% so với 39,6%. Tính riêng quý IV/2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp (tăng 48.000 người so với cùng kỳ 2012) và hơn 1,2 triệu lao động trong độ tuổi thiếu việc làm. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ giảm thì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị lại tăng lên 3,19%. Lao động thiếu việc làm tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn (chiếm tới 85% tổng số người thiếu việc làm) và trong ngành nông nghiệp (chiếm 68% tổng số). Theo vị thế việc làm, nhóm tự làm và lao động gia đình không hưởng lương chiếm gần 70% tổng số thiếu việc làm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp rất cao ở những người có trình độ chuyên môn. Cụ thể, ở nhóm lao động có trình độ CĐ nghề, tỷ lệ thất nghiệp là 7,68%, tăng 1,3 lần so với IV/2012 (tương đương 8.300 người); tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ CĐ là 6,74%, tăng 1,3 lần (khoảng 19.200 người); tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ ĐH trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần, nghĩa là có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV/2012. Đặc biệt, nhóm thanh niên từ 20-24 tuổi tốt nghiệp CĐ và ĐH trở lên (sinh viên mới ra trường) có tỷ lệ thất nghiệp rất cao, lên tới 20,75. Theo ông Ngọc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường CĐ, ĐH chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu công khai, minh bạch thông tin tuyển dụng phần nào hạn chế khả năng tiếp cận, tìm kiếm việc làm của nhóm lao động này.
Sẽ “khủng hoảng thừa” cử nhân
Hồ sơ xin việc của SV tốt nghiệp ra trường được chất đống tại một ngày hội việc làm vừa được tổ chức trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: M.Tâm |
Đưa ra dự báo triển vọng việc làm năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự báo tăng trưởng GDP dự báo cho năm 2014 là 5,8%, cao hơn mức tăng của năm 2013 là 5,4%. Lực lượng lao động sẽ đạt 54,87 triệu người vào năm 2014. Lao động qua đào tạo sẽ tăng nhanh hơn theo xu hướng phát triển và đòi hỏi của nền kinh tế. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ việc làm trong nông nghiệp tiếp tục giảm. Trong khi đó, mỗi năm có hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường và chủ yếu là cử nhân ĐH. Báo cáo 3 công khai của các trường cho thấy tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của các trường khá cao trong khi thực tế lại không khả quan như vậy.
Phân tích về điều này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bất kỳ nền kinh tế nào, lao động việc làm, tiền lương, tiền công luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, của người lao động, doanh nghiệp. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng đưa ra thông tin cập nhật về thị trường lao động phục vụ công tác nghiên cứu và quản lý. Từ năm 2011, Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra lao động việc làm hàng tháng và công bố kết quả hàng quý. Tuy nhiên, các thông tin đã được công bố, chuyển tải đến các nhà hoạch định chính sách và công chúng dường như vẫn thiếu những thông tin chuyên sâu liên quan đến công tác quản lý, đánh giá và điều chỉnh, triển khai chính sách trong lĩnh vực lao động xã hội; chưa có thông tin chi tiết và đầy đủ về thị trường lao động, đặc biệt thiếu các số liệu chi tiết phản ánh xu hướng dịch chuyển lao động, dự báo nhu cầu lao động theo ngành nghề và hiệu quả của các biện pháp can thiệp. Việc cập nhật thường xuyên các thay đổi biến động của nền kinh tế, đặc biệt các động thái của thị trường lao động là rất cần thiết, từ đó đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị trong điều chỉnh chính sách, quản lý thích hợp nhằm ổn định thị trường lao động, giảm thất nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng việc làm góp phần phát triển kinh tế xã hội.