Những số liệu mới công bố của Bộ LĐTBXH về số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp năm 2013, đáng giật mình nhưng thực ra cũng không có gì khó hiểu, khi mà từ 10 năm trước, lời cảnh báo về dư thừa nguồn nhân lực đã được đưa ra trước Quốc hội.
Nhưng thực tế đã đi ngược hoàn toàn những gì được cảnh báo.
Đã cảnh báo
GS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - chia sẻ với Lao Động vào sáng 23.3: “Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là chuyện hoàn toàn có thể hiểu được, bởi số lượng đào tạo quá lớn, vượt xa nhu cầu thị trường lao động hiện nay”. Điều này đã được ông – khi đó còn là đại biểu Quốc hội - đưa ra cảnh báo trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI năm 2004 khi tính toán rằng, mỗi năm cả nước chỉ cần từ 13.000 – 15.000 cử nhân.
Về nhu cầu nhân lực, cả nước lúc đó có khoảng 100 khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút được tối đa 500.000 lao động, trong đó chỉ cần từ 5 - 7% cán bộ trình độ ĐH, 8% cán bộ trình độ CĐ, 60% công nhân kỹ thuật, còn lại là LĐ phổ thông. Giả sử mỗi năm có thêm 10 khu công nghiệp, khu chế xuất và có 10% cán bộ trình độ ĐH, CĐ về hưu cần được thay thế thì chỉ cần đào tạo thêm theo cấp số cộng mỗi năm khoảng 13.000 - 15.000 cán bộ là đủ.
Nhưng ngay tại thời điểm đó, mỗi năm các trường ĐH và CĐ cả nước đã cho ra trường trên 200.000 người – gấp hơn 10 lần so với nhu cầu. Và con số đó hiện nay là 400.000 người.
Đáng tiếc, những cảnh báo như vậy đã không được quan tâm. Thậm chí, từ sau kỳ họp đó cho đến năm 2010, quy mô GD-ĐH phát triển ồ ạt, với tốc độ cứ nửa tháng ra đời 1 trường, trong đó hầu hết các trường mới thành lập đều không đảm bảo điều kiện đào tạo.
Đáng nói hơn là lượng thạc sĩ thất nghiệp ngày càng lớn. Cử nhân ra trường có thể chấp nhận đi làm việc chân tay, nhưng thạc sĩ có mấy ai chấp nhận điều này? Ngoài ra, nhiều cử nhân ra trường, do loay hoay không xin được việc nên đành tiếp tục học luôn cao học cho... được việc, sau đó tính tiếp. Lượng thạc sĩ ngày càng dư thừa, là điều chẳng có gì khó hiểu.
Cử nhân, kỹ sư tìm việc ở các sàn giao dịch việc làm tại TP.Hồ Chí Minh nhưng chỉ có một số ít có được việc làm. Ảnh: lê tuyết
Nhà nước quá “chiều” ngành giáo dục
Ở một khía cạnh khác, GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nguồn nhân lực dư thừa với số lượng lớn đặt ra câu hỏi lớn cho chất lượng giáo dục hiện nay. Vấn đề "thầy nhiều hơn thợ" được đặt ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng chưa có giải pháp thỏa đáng, bởi thiếu hẳn chiến lược giáo dục bài bản, có tính toán hợp lý. “Mỗi năm số sinh viên ra trường thì nhiều, trong khi công nhân có tay nghề luôn thiếu thì không đào tạo.
Các trường ĐH, CĐ mọc lên quá nhiều, chất lượng đào tạo thì thấp. Những bức xúc này, ngành giáo dục phải đặt ra và giải quyết triệt để, nếu không muốn tiếp tục để nguồn nhân lực cử nhân, thạc sĩ bị dồn ứ ngày càng nhiều” – GS Nguyễn Xuân Hãn cho biết.
Một số chuyên gia cũng nhìn nhận, việc thừa nhân lực, trước hết trách nhiệm thuộc về người học. Với cơ chế thị trường, người học phải tự “bơi” thì không cần phải học lấy bằng cử nhân, thạc sĩ bằng mọi giá nếu không có khả năng xin được việc, và không phải đại học là con đường duy nhất để kiếm sống. Thay vào đó, hãy lựa chọn một nghề phù hợp và theo đuổi nó.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể không nói đến trách nhiệm của Nhà nước như “bàn tay” điều tiết. Theo đó, chiến lược phát triển nhân lực của Nhà nước cần phải tính toán, chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan như hiện nay. “Việc mở ồ ạt các trường ĐH gây tốn thời gian, kinh phí của xã hội. Có những ngành hoàn toàn có thể tính được lượng cung – cầu, như ngành sư phạm.
Còn với các ngành “hot”, Bộ GDĐT cần chấm dứt tình trạng “khép, mở” các ngành mà thiếu sự dứt khoát. Nhiều trường mở ra vì mục đích kinh doanh, thu lãi chứ chưa hẳn là vì giáo dục, thậm chí trường công cũng cố gắng tăng số lượng sinh viên để tăng học phí. Nhưng nếu Nhà nước cứ “chiều” thế thì xã hội sẽ tiếp tục khủng hoảng thừa nguồn nhân lực” – GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
Tấm bằng ĐH chỉ là bước đầu, người xin việc phải trang bị cho mình kỹ năng và thái độ làm việc tốt mới mong kiếm được việc làm tốt. Ảnh: Lê tuyết
Hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp kém!
Đánh giá về con số 72.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp trên cả nước mà Bộ LĐTBXH công bố, nhiều người am hiểu tình hình cho rằng, thực tế con số này còn cao hơn nhiều, đó là chưa kể số cử nhân, thạc sĩ làm trái ngành nghề, làm những công việc không cần bằng cấp, trình độ.
Chị Lê Thanh Nhã, tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) đã 2 năm nay, vẫn không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Hiện tại, chị đang là nhân viên tiếp thị cho một quầy hàng tại siêu thị Big C (Q.Tân Bình, TPHCM). Theo tiêu chí khảo sát của Tổng cục Thống kê thì chị Nhã vẫn được xếp vào diện không thất nghiệp!
“Khi tuyển dụng một người, tôi không cần biết anh học trường nào, bằng cấp gì, mà tôi chỉ cần biết anh làm được gì hay không? Nhiều cử nhân, thạc sĩ có bằng đỏ, yêu cầu nhà tuyển dụng phải trả lương trên 20 triệu đồng/tháng. Tôi hỏi bạn có đủ năng lực để kiếm lợi nhuận 20 triệu/tháng về cho Cty không thì bạn lại im lặng...
Đừng quá coi trọng chuyện bằng cấp, mà hãy coi trọng khả năng làm việc của chính bản thân mình" - ông Nguyễn Đức - chủ một Cty chuyên về dịch vụ mạng, TPHCM - thẳng thắn nói.
“Việc hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ thất nghiệp là hệ quả của việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh kém hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp phụ thuộc nhiều ở sinh viên, tấm bằng chỉ là khởi đầu.
Chỉ dựa vào tấm bằng, lại thiếu kỹ năng hoặc thái độ chưa tốt thì hành trình tìm việc sẽ rất dài" - ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - nhận xét. Lê Tuyết