Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Đủ kiểu làm thêm

Cập nhật 13/08/2013 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Nhiều việc làm thêm thú vị đã giúp các bạn trẻ rèn luyện thêm kỹ năng, kinh nghiệm nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Như mọi năm, Phan Mỹ Duyên, sinh viên (SV) năm 3 Trường ĐH Kiến trúc TP HCM, lại tất bật “chạy sô” làm thêm. Năm nay Duyên thử sức với một nghề mới khá thú vị - người mẫu trang điểm. “Thu nhập ổn định lại không mấy vất vả nên tôi rất thích công việc này” - Duyên nói.

Nghề “độc” hút sinh viên

Hè này, Duyên được bạn bè giới thiệu làm người mẫu trang điểm cho 2 trung tâm thẩm mỹ, trang điểm. Mỗi giờ làm mẫu cho các học viên học nghề, Duyên kiếm được 100.000 đồng. Không cần ngoại hình, gương mặt xinh xắn hay khả năng giao tiếp, tất cả các bạn nữ đều thích hợp với công việc này.

“Nghề này gọi nôm na là “nghề cho thuê mặt”. Hiện nay, các dịch vụ trang điểm mọc lên như nấm nên nhu cầu thuê người làm mẫu mặt tăng cao. Công việc nhàn hạ, thu nhập lại khá nên thu hút rất đông SV nữ” - Duyên nói.

 

Nghề bán bảo hiểm xe máy được nhiều sinh viên lựa chọn trong mùa hè này.

Phan Bá Quang, SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cũng chọn cho mình nghề làm thêm khá thú vị trong mùa hè này. Sẵn năng khiếu hội họa, Quang nhận mũ, áo, giày, túi xách… từ các cửa hàng để vẽ slogan. Với mỗi sản phẩm, Quang nhận được từ 50.000-100.000 đồng. Mẫu mã nào bán chạy, thù lao có thể lên tới 300.000 đồng/sản phẩm.

Quang nói: “Công việc tưởng chừng đơn giản song đòi hỏi óc thẩm mỹ và sự sáng tạo ở người thực hiện. Do vậy, luôn cập nhật các xu hướng mới nhất của giới trẻ để tạo ra sản phẩm”. Trừ các khoản chi phí như: màu, cọ vẽ…, tháng đầu tiên Quang đã kiếm được hơn 3 triệu đồng.

Chưa phổ biến nhưng nghề đóng giả manơcanh cho các cửa hàng thời trang cũng hút khá nhiều nữ SV trong dịp hè. Để lôi kéo khách hàng, nhiều cửa hàng thời trang nghĩ ra hình thức quảng cáo độc đáo là thuê người thật mặc trang phục để quảng bá.

Phan Thư, SV Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2, cho biết chỉ cần vóc dáng cao ráo, dễ nhìn là được nhận vào làm. Hiện Thư đang cộng tác với 2 shop thời trang ở quận Phú Nhuận, TP HCM, mức lương từ 100.000 - 150.000 đồng/2 giờ/shop. Nghề bán bảo hiểm xe máy cũng “nở rộ”.

Nguyễn Thanh An, SV Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2, khoe cứ bán được 10 thẻ bảo hiểm sẽ được hưởng hoa hồng khoảng 100.000 đồng. Nhiều công việc lạ nhưng thú vị cũng được các bạn trẻ chú ý trong mùa làm thêm này như: giáo viên dạy nhảy, đọc sách thuê, nhân viên khảo giá, hướng dẫn viên cắm trại…

“Đổ mồ hôi, sôi nước mắt”

Cách chọn công việc có sự khác biệt so với mọi năm giúp SV có thêm nhiều trải nghiệm nhưng cũng đối mặt với nhiều tình huống dở khóc dở cười. Công việc “cho thuê mặt” giúp Phan Mỹ Duyên có thu nhập nhưng cũng là nguyên nhân khiến Duyên phải nhập viện do dị ứng mỹ phẩm.

Duyên chia sẻ kinh nghiệm: “Trước khi nhận việc, phải tìm hiểu kỹ nguồn gốc mỹ phẩm mà trung tâm sử dụng qua đồng nghiệp, học viên”. Nghề “manơcanh sống” tuy nhàn hạ nhưng không bền. Do cần sự độc đáo, mới lạ nên các cửa hàng liên tục thay người. Thực tế, không ít bạn nữ làm “manơcanh sống” đã bị khách hàng nam trêu chọc, sàm sỡ. Phan Thư kể: “Chúng tôi luôn phải lịch sự, nhẫn nại. Nếu khách hàng quá quắt, biện pháp cuối cùng là nhờ sự can thiệp của bảo vệ”.

Tiềm ẩn rủi ro không kém là nghề bán bảo hiểm xe máy. Anh Nguyễn Thanh An cho biết việc bán bảo hiểm không quy định giờ làm cụ thể nhưng muốn bán được nhiều sản phẩm phải bỏ thời gian, công sức để tiếp thị. Nếu siêng năng, trung bình một ngày, An bán được từ 15-30 bảo hiểm. Do treo bảng ở lòng đường nên hầu như tuần nào An và đồng nghiệp cũng bị công an “hỏi thăm”. Đứng ở các tuyến đường lớn để bán bảo hiểm, họ còn phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn từ các phương tiện giao thông.


Giới Thiệu STU