Giảm chỉ tiêu tuyển sinh, không mở mới ngành đào tạo, số lượng thất nghiệp tăng cao… đã khiến ngành tài chính – ngân hàng không còn sức hấp dẫn trong mùa tuyển sinh năm nay. Trong khi đó, xu hướng chọn các ngành công nghệ, kỹ thuật dường như tăng cao.
Số liệu Viện Nhân lực ngành Ngân hàng Tài chính mới công bố gần đây đã chỉ ra, trong thời gian khoảng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không xin được việc dự kiến là gần 13.000 người. Vì thế, giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong năm 2013 là dừng cấp phép mở mới các trường đào tạo chuyên về ngành tài chính - ngân hàng, kế toán kiểm toán, quản trị kinh doanh.
Hiện nay trên cả nước có gần 1.856 cơ sở đào tạo ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh. Số sinh viên đang theo học những ngành này chiếm tới hơn 1/3 tổng số sinh viên trên cả nước. Cũng theo khảo sát của Viện Nhân lực ngành Ngân hàng Tài chính, năm 2013 này sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường, nhưng sẽ có khoảng 1/3 số này thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề.
Theo quan điểm của ông Phạm Như Nghệ, Vụ phó Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), trên thực tế thị trường lao động VN chưa phát triển. Tình trạng người nhiều việc ít khiến cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp các bậc học, không cứ tài chính, ngân hàng mà cả kỹ thuật, cũng đều rất khó xin việc.
Ông Nghệ cũng nhận định, ngành tài chính ngân hàng những năm trước tuyển rất nhiều, song đến thời điểm hiện tại lại quá dư thừa nhân lực. Trước thực tế đó, khá nhiều người không còn hứng khởi thi vào tài chính ngân hàng như thời gian trước nữa. Số liệu của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy, so với năm trước, lượng sinh viên theo học ngành này đã giảm từ 20-30%.
Dự đoán ngành nghề nào sẽ lên ngôi trong thời gian tới, theo ông Nghệ, đó là một bài toán khó vì sinh viên đại học phải mất 4 năm mới ra trường, các em trung cấp thì 2 năm là tốt nghiệp. 2 năm tới thực tế xã hội đã khác, 4 năm lại càng khó dự đoán hơn.
Tuy nhiên, ông Nghệ cho rằng, về lâu về dài, với một đất nước đang phát triển như VN thì những ngành nghề sẽ khan hiếm là công nghệ và kỹ thuật. Đi kèm theo đó là xây dựng và giao thông buộc phải phát triển. Một số ngành nghề khác như may mặc, du lịch, chế biến nông lâm thủy sản cũng có cơ hội phát triển trong vòng 2, 3 năm tới do vậy cũng cần nhiều nhân lực.
Đây cũng là xu hướng, chủ trương của Bộ GDĐT là khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao như nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật...
Về vấn đề tuyển sinh của hệ trung cấp chuyên nghiệp, ông Nghệ cũng cho biết thêm, các trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp theo lộ trình giảm ít nhất 20%/năm. Trường trực thuộc dự kiến giảm chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp nhanh hơn và dự kiến sẽ chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017.
Trước mùa tuyển sinh đang cận kề, ông Nghệ đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ, mong muốn học đại học của các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT là chính đáng, tuy nhiên phải biết cân nhắc, lựa chọn con đường đi phù hợp với năng lực bản thân.
“Đừng nghĩ chỉ học đại học mới thành công, thực tế xã hội cho thấy nhiều học sinh đi theo con đường trung cấp chuyên nghiệp lại thành công hơn so với nhiều sinh viên đại học ra trường mà vẫn thất nghiệp hoặc phải làm trái ngành, trái nghề”, ông Nghệ khẳng định
.