Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức Các Báo

Bỏ đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp - Cần có lộ trình

Cập nhật 23/12/2011 - 09:11:22 AM (GMT+7)
Quy định các đại học, học viện, trường đại học không đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) mà Bộ GD-ĐT ban hành là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, đằng sau nó vẫn còn nhiều điều lấn cấn nếu không có phương án giải quyết thỏa đáng. Nhiều người e ngại nếu làm không khéo có thể đi vào vòng luẩn quẩn.

Chủ trương đúng

Trước thực trạng các trường trung cấp teo tóp dần sau mỗi mùa tuyển sinh còn các trường đại học “ôm” hệ trung cấp còn nhiều hơn cả hệ ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT đã thẳng tay không cho các ĐH, học viện, trường ĐH tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Quyết định này đã nhận được sự đồng thuận của dư luận, giới chuyên môn cũng như các trường. Bởi lẽ, ngay trong Luật Giáo dục cũng quy định rất rõ các trường ĐH chỉ đào tạo từ hệ CĐ trở lên.

PGS –TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, phấn khởi: “Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT vì như thế các trường ĐH sẽ chuyên tâm vào nhiệm vụ chính của mình đó là đào tạo ĐH và sau ĐH. Hơn nữa, quy định này cũng là giải pháp cho các trường trung cấp thoát cảnh tuyển sinh èo uột”.

Nhìn lại quá trình đào tạo hệ trung cấp (chỉ đào tạo theo yêu cầu của địa phương không có trường trung cấp) của trường mình, ông Hùng thừa nhận trường chỉ đào tạo một số lượng rất ít theo đơn đặt hàng của địa phương và hoàn toàn không có liên thông lên ĐH. Do đó, trường phải điều giáo viên giảng dạy ĐH sang dạy trung cấp nên thực tế hiệu quả đào tạo không cao.

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: Bỏ hệ đào tạo TCCN trong các trường ĐH là một chủ trương đúng đắn. Hiện nay, trường có 3 ngành đào tạo trung cấp: kế toán, công nghệ thông tin chất lượng cao và trung cấp sư phạm mầm non. Chúng tôi sẵn sàng bỏ hệ đào tạo này đối với 2 ngành: trung cấp kế toán và trung cấp công nghệ thông tin chất lượng cao.

Trong khi đó, với đặc thù là trường đào tạo giáo viên kỹ thuật duy nhất tại khu vực phía Nam, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng: Bỏ hệ TCCN nhằm giúp các trường chuyên tâm để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo. Trả hệ trung cấp về cho các trường trung cấp là đúng.

Trong khi đó, các trường như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… dù có đến hàng ngàn chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN và cũng là nguồn liên thông lên CĐ, ĐH của trường cũng đồng tình ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT.

Cần nhìn toàn cuộc

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế và phân tích một cách toàn diện thì quy định trên của Bộ GD-ĐT có phần hơi cứng nhắc và vẫn còn theo kiểu không quản được thì cấm. Thực tế trong một thời gian dài bộ đã buông lỏng quản lý khi vẫn cho các trường chỉ tiêu tuyển sinh hệ TCCN và hầu như không kiểm soát. Do đó, khi thực hiện chủ trương này Bộ GD-ĐT cần suy xét thấu đáo hơn, đặc biệt là với những ngành nghề đặc thù.

PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn phân tích: “Đối với hệ trung cấp sư phạm mầm non hiện nay đào tạo chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thành phố vì giáo viên mầm non quá thiếu. Do đó, theo quy định của bộ thì trường phải ngưng đào tạo ngành này. Vì vậy, chúng tôi xin được giữ lại hệ trung cấp mầm non để đào tạo giáo viên cho các trường mầm non tại TPHCM”. Dẫn chứng thêm cho lập luận của mình, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn nói: “Theo Luật Giáo dục và chỉ đạo của UBND TPHCM, trình độ chuẩn của giáo viên mầm non chủ yếu là trung cấp nhưng mỗi năm chúng tôi đào tạo từ 600-800 giáo viên hệ vừa học vừa làm lẫn chính quy nhưng vẫn không đủ”.

Với tiền thân là trường trung cấp rồi nâng cấp thành trường CĐ và nay là trường ĐH, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trăn trở: “Tuy chủ trương đúng, phù hợp nhưng khi vận dụng đối với các trường mới được nâng cấp lên ĐH, Bộ GD-ĐT cần có lộ trình cho các trường thực hiện chứ cắt ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của trường”. Lý do mà TS Hùng đưa ra là trường xuất phát từ một trường đào tạo trung cấp nên hiện nay tỷ lệ đào tạo bậc trung cấp của trường chiếm đến 50%, CĐ 40% và ĐH mới chỉ có 10%. Việc đầu tư cho bậc học trung cấp ở các ngành kỹ thuật rất tốn kém. Trường đã phải đầu tư cả trăm tỷ đồng cho việc xây dựng phòng thí nghiệm, tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Vì lẽ đó, nếu bỏ ngay hệ đào tạo này sẽ ảnh hưởng đến đội ngũ giáo viên. “Phải có lộ trình để trường có thời gian nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên đang dạy trung cấp lên trình độ ĐH, thạc sĩ để tiếp tục giải quyết việc làm cho họ ngay tại trường” - TS Hùng kiến nghị.

Đề xuất phương án thực hiện chủ trương trên, TS Kiều Xuân Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, cho rằng: “Bộ GD-ĐT phải cắt giảm chỉ tiêu trong vòng khoảng 3 năm để các trường ĐH và cả các trường trung cấp có thời gian chuẩn bị. Trong đó, các trường ĐH có thời gian để giải quyết về nhân sự, cơ sở vật chất vì mỗi năm các trường ĐH có đào tạo hệ TCCN thu hút hơn 50% học sinh của trường trung cấp”. “Như vậy, liệu khi xóa bỏ hệ đào tạo này thì các trường trung cấp có gồng gánh nổi nếu không chuẩn bị đầu tư thêm cơ sở vật chất, giáo viên đến thiết bị thực hành?” – TS Hùng đặt nghi vấn.

Tránh rơi vào vòng luẩn quẩn

Thực tế, chuyện các trường ĐH cố ôm đồm đào tạo hệ TCCN có 2 lý do: nguồn thu và nguồn tuyển cho hệ CĐ, ĐH. Ngoại trừ 2 ĐH Quốc gia và một số học viện, hiện nay hầu như trường ĐH nào cũng đào tạo hệ trung cấp. Thậm chí có trường ĐH hệ trung cấp còn nhiều hơn cả hệ ĐH. Do đó, khi quyết định này ban hành đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, nhất là nguồn thu, nguồn tuyển… nên các trường sẽ tìm mọi cách để giữ hệ TCCN.

Theo thông tin từ các trường tại TPHCM, để duy trì hệ đào tạo này không còn cách nào khác là phải nhanh chóng viết đề án thành lập trường trung cấp chuyên nghiệp. Xác nhận điều này, một chuyên viên của Bộ GD-ĐT cho biết: Ngay sau quy định của bộ ban hành, nhiều trường đã liên hệ xin tư vấn để viết đề án thành lập trường.

Như vậy, đằng sau quy định bỏ hệ TCCN trong các trường ĐH sẽ có một phong trào “trường ĐH đẻ trường trung cấp”. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng: Để chủ trương đúng bộ cần phải có cách kiểm soát và quản lý đồng bộ, chặt chẽ. Trước đây, các trường từ trung cấp nâng cấp lên CĐ, ĐH nhưng nay quay lại mở trường trung cấp thì rơi vào vòng luẩn quẩn.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Bộ GD-ĐT cần xem xét lại một số ngành đặc thù để duy trì nguồn nhân lực, chỉ cần bộ kiểm tra, hậu kiểm và giao chỉ tiêu đúng cho một trường đặc thù, có thế mạnh thì chắc chắn quy định trên sẽ phát huy được hiệu quả.



Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật