Mã Trường

Mã Trường

Công Tác Giáo Dục

Đôi nét về qui hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô - xít giai đoạn 2007 - 2015 (có xét đến năm 2025) (*)

Cập nhật 07/07/2009 - 11:01:50 AM (GMT+7)
align="justify">Nước ta có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với trữ lượng khác nhau như than đá, dầu khí… đang được khai thác với số lượng ngày càng nhiều và tương lai sẽ hết. Trong khi đó, quặng bô – xít có trữ lượng lớn ở vùng Tây Nguyên và là nguyên liệu để sản xuất ra alumin – một sản phẩm luyện kim theo phương pháp Bayer, có dạng bột siêu mịn màu trắng với hàm lượng oxit Nhôm chiếm tới 99,5%. Sản phẩm alumin có giá trị thương mại cao, là nguyên liệu chính để sản xuất nhôm kim loại. Hiện nay, nhu cầu về nhôm kim loại trên thị trường thế giới và trong nước ngày càng tăng.

Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô – xít là chủ trương nhất quán của Đảng được nêu trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc. Gần đây nhất, ngày 24/4/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 245 – TB/TW về qui hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô – xít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025 với bước đi cụ thể và chỉ đạo triển khai 2 dự án khai thác bô – xít, sản xuất alumin đầu tiên tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Trong thông báo có nêu “Nước ta có nguồn tài nguyên bô – xít dồi dào, việc phát triển thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến alumin, nhôm để sử dụng trong nước và xuất khẩu là chủ trương đúng, đã được nêu trong hai kì Đại hội IX và Đại hội X của Đảng. Trong thời gian tới, phát triển ngành công nghiệp khai thác bô – xít, chế biến alumin, nhôm phải đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng. Trong giai đoạn đầu sản xuất alumin, cần khẩn trương đẩy mạnh xây dựng các dự án thủy điện, cung cấp một phần cho việc luyện nhôm để nâng cao giá trị nguồn tài nguyên bô – xít phục vụ trong nước và xuất khẩu”.

Công trường chuẩn bị xây dựng Nhà máy luyện alumina Nhân Cơ, ở huyện Đak R’Lấp, Đắc Nông - Ảnh: TTO

Chính phủ cũng đã chỉ đạo tìm kiếm, lựa chọn đối tác nước ngoài có năng lực để hợp tác phát triển kết cấu hạ tầng và đầu tư xây dựng ngành công nghiệp bô – xít, alumin, nhôm. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao làm chủ đầu tư thực hiện 2 dự án trên và chủ trì đàm phán với các đối tác nước ngoài.

Việc xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng bô – xít phải gắn với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ngành công nghiệp sản xuất alumin và luyện nhôm phải đảm bảo phát triển hài hòa kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và các địa phương liên quan. Thông báo kết luận số 245 – TB/TW ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị lưu ý: “Qui hoạch và kế hoạch triển khai các dự án phải trên cơ sở hiệu quả tổng thể, gồm cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội; trong đó, chú ý đúng mức đến việc tiết kiệm tài nguyên, nhu cầu thị trường, sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Quan tâm đúng mức đến đời sống và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm cho nhân dân địa phương”. Do đó, công tác di dân tái định cư phải bảo đảm đời sống của người dân tại nơi ở mới được cải thiện tốt hơn ở nơi cũ.

Một vấn đề quan trọng là khai thác, chế biến bô – xít có tác động lớn đến môi trường từ khâu khai thác, chế biến, vận chuyển đến xử lí chất thải, nếu không được quản lí tốt, không tính đến tác động môi trường thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, cần lập thiết kế kỹ thuật hồ thải bùn đỏ, có kế hoạch trồng lại rừng tại các khu vực khai thác quặng là đất lâm nghiệp, trồng cây xanh phục hồi môi trường; không để quỹ rừng giảm đi.

Hiên nay, việc khai thác, chế biến bô –xít là một vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm ở nước ta, chúng ta cần phải thật sự lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc những ý kiến góp ý đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, của cán bộ, đảng viên và nhân dân để các bộ, ngành liên quan và các địa phương nơi thực hiện dự án có trách nhiệm đề ra những giải pháp kinh tế, kĩ thuật, giải pháp xã hội phù hợp, đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bô – xít, alumin, nhôm thành một ngành kinh tế mạnh của đất nước.

THỦY NGUYÊN (lược ghi)

Nguồn: Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025.