Mã Trường

Mã Trường

Công Tác Giáo Dục

Thư nối đất liền với Trường Sa

Cập nhật 08/04/2009 - 09:29:25 AM (GMT+7)
Hưởng ứng cuộc vận động “Một triệu lá thư tay tặng các cán bộ chiến sĩ” do Thành Đoàn Hà Nội phát động, hơn 30 ngàn lá thư tay và gần 400 bức tranh của thanh thiếu niên Thủ đô Hà Nội sẽ được chuyển tới Trường Sa, chở nặng yêu thương gửi lính đảo nơi đầu sóng.

Thư của bé Phạm Minh Hằng, lớp 5 trường tiểu học Kim Đồng bắt đầu bằng: “Dạo này các chú vẫn khỏe chứ ạ? Bữa ăn các chú có đầy đủ không? Nước sinh hoạt có đủ dùng cho các chú không?

Chắc các chú nhận được nhiều thư động viên từ gia đình lắm. Ở ngoài biển đáng sợ nhất là gặp phải bão biển các chú nhỉ?...Cháu rất vui khi thấy trên tivi các chú ngồi quây quần bên nhau ôm cây đàn ghita hát, ấm cúng như anh em một nhà”.

Trần Ngọc Tân, học sinh trường tiểu học Khương Thượng dành hẳn hai buổi tối miệt mài vẽ tranh. “Đây là biển, đây là chú bộ đội hiên ngang bồng súng. Ngoài Trường Sa, chắc biển còn rộng lớn hơn gấp nhiều lần”.

Thi thoảng cháu còn bị điểm 7 môn tập viết, nhưng cháu sẽ sửa dần dần! Các chú thấy chữ cháu viết trong thư có đẹp không?”. Bé Nguyễn Hà An (tiểu học Tân Mai) chia sẻ trong bức thư dài gần ba trang giấy.

Mẹ An kể: “Cháu nắn nót viết từng chữ trong thư, cứ sai lỗi chính tả là viết lại. Bởi thế chăm chỉ tập viết hơn. Bài luyện chữ mới đây được 9 điểm. Gặp ai cháu cũng khoe nhờ viết thư gửi các chú canh gác ở Trường Sa”.

Hàng ngàn bức thư tay của thanh thiếu nhi Thủ đô gửi các chiến sĩ Trường Sa

Nối dài yêu thương

 Mỗi khi nghe đến hai chữ Trường Sa, trong cháu lại vang lên điệp khúc bài hát Gần lắm Trường Sa ơi của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long.

...Cháu mong ước ngày nào đó sẽ được ra đảo chia sẻ khó nhọc với các chú. Gửi các chú thật nhiều cái ôm

Nguyễn Hải My, lớp 5D, trường tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội

Nguyễn Thị Liên Nga, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, bắt đầu viết thư gửi chiến sĩ Trường Sa đầu năm 2008 và đến nay, được gần 30 lá “Mỗi lần gửi đi một thư tôi đều ghi vào cuốn lịch nhỏ và đặt tên cho từng bức thư ấy theo số thứ tự: Thư gửi Trường Sa số 1, thư gửi Trường Sa số 2…”.

Từ những bức thư làm nhịp cầu, Nga tìm được người anh kết nghĩa Nguyễn Văn Hải, công tác tại đảo Sinh Tồn. Tết vừa rồi, tôi có về thăm gia đình anh ở Hải Dương” - Nga chia sẻ.

Chúng tôi còn được nghe kể về câu chuyện tình của chiến sĩ Lê Văn Hải (quê Nghệ An) và sinh viên văn khoa năm cuối ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Trần Minh Thư (quê Nam Định).

Năm 2007, Hải là một trong 200 chiến sĩ ở đảo có thành tích xuất sắc được về thăm đất liền. Để rồi sau lần ấy, Minh Thư bồi hồi ghi vào nhật ký :“Em đã nhìn vào đôi mắt anh, em nhớ bàn tay nắm chặt, mạnh mẽ và ấm áp của anh.

Nụ cười anh làm em thương nhiều thứ lắm: em thương biển, thương nắng, thương những cánh hải âu chập chờn, thương những con tàu và,  hơn tất cả, thương cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nơi anh”.

Những cánh thư chở nặng yêu thương cứ thế nối nhau bay xa: “Bạn bè em không mấy người tin nhưng em vẫn cảm nhận rất rõ tình yêu của chúng ta đang cháy…

Khi giọt mồ hôi của anh rơi trên vọng gác, trên thao trường thì em đến với những trẻ mồ côi của làng trẻ SOS,  dạy chúng đọc sách, nấu ăn  và giúp các mẹ chăm sóc chúng, em thấy gần anh hơn”.

Trong tháng Tư này, những lá thư được gửi tới lính đảo vào dịp kỷ niệm 34 năm giải phóng Trường Sa. Cô sinh viên văn khoa ghi thêm những dòng viết vội: “Đón nhận lá thư của em anh nhé, cả Hà Nội của em, cả nắng, cả gió và cả hàng xà cừ trên đường Hoàng Diệu…”. 

Theo TPO