Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Bỏ hay không bỏ điểm sàn?

Cập nhật 05/03/2013 - 09:48:05 AM (GMT+7)

Điểm sàn là mức điểm mà mọi năm hàng trăm ngàn thí sinh thi ĐH-CĐ luôn hồi hộp theo dõi bởi nó quyết định đỗ hay không đỗ của thí sinh. Để giảm nhiệt “sức nóng” của điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã kêu gọi đóng góp ý kiến xây dựng phương án điểm sàn năm nay.

Trường ngoài công lập: Đưa ra điểm sàn là vô lý

Nhiều ý kiến của lãnh đạo trường đại học ngoài công lập (NCL) khẳng định: Điểm sàn khiến họ không tuyển được sinh viên, đưa ra điểm sàn là vô lý?

TS. Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi cho rằng: Quy định điểm sàn là vô lý và cần được bỏ. Các trường quốc tế có cần điểm sàn đâu, như RMIT chẳng hạn. Không giải quyết được gì cả, chỉ thêm phiền hà và tốn kém tiền của, công sức của xã hội. Chỉ cần điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình của học sinh ở THPT là đủ”.

Theo ông Luận, chúng ta phải hướng đến mô hình đào tạo theo hình chóp. Quan trọng là kiểm soát chất lượng đào tạo, không học được hoặc không thích học đều có thể và phải thôi, chứ chặn “đầu vào” bằng điểm sàn để làm gì. Trong hoàn cảnh hiện nay mà Bộ GD-ĐT không thay đổi điểm sàn thì các trường ngoài công lập sẽ tan hết, kéo theo lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và tiền bạc.

Hiện ta cứ lưỡng lự nâng lên đặt xuống, rằng nếu hạ điểm sàn thì sợ không đảm bảo chất lượng còn không hạ thì các trường NCL không có sinh viên đến học. Sức mạnh của một trường nằm ở sinh viên chứ điểm sàn không đánh giá được chất lượng đào tạo. Và tôi khẳng định quan điểm của mình: Cần bỏ điểm sàn - ông Luận đề nghị.
 
 
 
Học sinh tham dự một chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2013. (Ảnh: Doãn Công)

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cho biết: “Điểm sàn không phải là yếu tố duy nhất để chứng tỏ được chất lượng đào tạo do chúng ta vẫn đang áp dụng tư duy cũ, chưa có nhiều đổi mới. Thí dụ một ngành đào tạo công nghệ thực phẩm, thí sinh có thể giỏi hóa, sinh nhưng không giỏi toán, và vẫn có thể trượt vì điểm môn toán thấp. Chất lượng đầu vào không phải ánh thực chất được chất lượng nguồn nhân lực, mà phải là đầu ra”.

GS Quân cho rằng, không gì lãng phí hơn khi một trường đại học với đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên mà không còn nguồn học sinh THPT đạt trên “điểm sàn” để tuyển sinh viên đến học. Thực tế với cung cách thi tuyển sinh hiện nay, mỗi năm có khoảng nửa triệu học sinh tốt nghiệp THPT nhưng kết quả thi dưới “điểm sàn” nên không được tiếp tục học đại học, cao đẳng trên đất nước mình. Nhiều em trong số đó phải lo kinh phí để đi du học tự túc ở nước ngoài hoặc du học tại chỗ trong các trường nước ngoài được phép đào tạo tại Việt Nam. Tại các trường đại học nước ngoài, các em vào học chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT.

GS Trần Hồng Quân đề nghị: “Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2013. Bộ GD-ĐT chỉ cần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn công việc tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển sinh thì trao quyền tự chủ cho các trường, thực hiện theo đúng Luật Giáo dục Đại học”.

GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng đặt vấn đề: “Chúng tôi đang thử hỏi là tại sao Bộ GD-ĐT khi xây dựng điểm sàn không lấy độ dôi lớn so với chỉ tiêu để tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ. Việc lấy dôi ra không có gì ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh bởi các trường vẫn xét tuyển theo nguyên tắc từ cao xuống thấp” .

“Tại sao điểm sàn cứ phải dao động trong phạm vi 13-15 điểm? Tôi nghĩ điểm sàn có thể cao hoặc thấp hơn tùy vào mức độ khó của đề thi. Nhiều em dự thi ĐH không đạt được mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng khi đi du học vẫn học tập có kết quả tốt. Qua đó cho thấy việc đánh giá qua thi cử của chúng ta là chưa phù hợp” - GS Nghị đặt câu hỏi.

Cách tính điểm sàn chưa phù hợp!

Ngược lại với ý kiến của đại diện trường ngoài công lập, nhiều lãnh đạo trường công lập tán thành với quy định điểm sàn hiện nay và đề nghị Bộ có cách tính điểm sàn phù hợp hơn.

Trung tướng, GS.TS.Nguyễn Tiến Bình - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, cách tính điểm sàn của Bộ GD-ĐT như mọi năm là hợp lý. Trên thực tế, có trường không để ý đến điểm sàn, nhưng cũng có trường điểm sàn thấp vẫn không có học sinh. Đó không phải do điểm sàn không hợp lý mà vì thực tiễn ở nước ta các trường không đồng đều về chất lượng. Chất lượng trường công lập khác, dân lập khác, trường ở Hà Nội khác, trường ở vùng khác khác.

GS Bình khẳng định: “Điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để các trường không được lấy số học sinh quá yếu. Điểm sàn thấp quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Với các trường có uy tín, vấn đề điểm sàn với họ không phải bàn thêm vì Bộ đã làm tốt rồi. Chỉ có những trường không có thí sinh mới muốn cho điểm sàn thấp xuống nữa”.

PGS.TS. Lê Hữu Lập - phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, việc cho rằng cách xác định điểm sàn là nguyên nhân khiến các trường ngoài công lập khó tuyển sinh, theo tôi là chưa xác đáng. Nguyên nhân khủng hoảng tuyển sinh của trường NCL là việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần tiếp tục nghiên cứu cách tính điểm sàn vừa khoa học vừa phù hợp với thực tiễn và phải tìm rõ nguyên nhân các thí sinh có từ điểm sàn, không vào đại học, cao đẳng NCL thì họ đi đâu?.

PGS Lập cho rằng: “Bộ GD-ĐT nên tiếp tục cải tiến phương thức xác định điểm sàn. Việc xác định điểm sàn lâu nay dựa trên số lượng thí sinh dự thi ÐH, tính toán cân đối một lượng dôi dư nhất định thí sinh đạt điểm sàn trở lên so với chỉ tiêu để giúp các trường tuyển đủ. Thực tế cách tính này không phù hợp khi số thí sinh trên điểm sàn dư mà các trường vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu”.

Ông Lập phân tích, để xác định được điểm sàn hợp lý, một trong những yếu tố quan trọng là căn cứ vào phổ điểm của từng môn thi trong từng năm. Bởi mỗi một kỳ tuyển sinh đề thi ra khó dễ khác nhau. Nếu năm nào đề thi ra khó, phổ điểm thấp, Bộ GD-ĐT có thể mạnh dạn hạ điểm sàn xuống cho phù hợp và ngược lại. Một vấn đề nữa là cần xác định số dư bao nhiêu cho phù hợp. Nhiều thí sinh đủ điểm sàn nhưng họ vẫn không đi học, mà họ sẽ ôn thi sang năm thi lại, không vào học các trường thương hiệu thấp.

Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng nên có 2 mức điểm sàn. Về vấn đề này, TS Lê Thị Thanh Mai -  Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: “Muốn lấy điểm sàn như thế nào thì cần phải căn cứ trên kết quả điểm thi của thí sinh. Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT dự kiến việc xác định điểm sàn theo phổ điểm ba môn thi là tương đối hợp lý. Riêng với  luồng ý kiến cho rằng cần có 2 mức điểm sàn khác nhau tôi nghĩ là không hợp lý. Chúng ta nên chỉ có một mức điểm sàn làm tiêu chuẩn. Trong đó, mức điểm sàn cần phải được tính toán làm sao để đạt được con số 40% trên tổng số thí sinh. Chứ như cách tính hiện nay, chúng ta chưa đạt được con số 40% thì rất hẹp nguồn tuyển cho các trường”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Việc xét điểm sàn hiện nay chưa thực sự khiến dư luận và các trường hài lòng. Bộ sẽ nghiên cứu lại cách xác định điểm sàn, ví dụ như có thể xác định theo phổ điểm của từng môn và lấy trung bình chung của các môn thi/khối thi (thấp hơn hoặc bằng mức điểm này), đồng thời đề nghị các trường có những sáng kiến để xác định điểm sàn có tính thuyết phục nhất. Bộ cũng đang cố gắng ra đề thi cho phù hợp”.

(Theo Dân trí)


Giới Thiệu STU