Chưa bao giờ trong lịch sử, nền giáo dục của Việt Nam xuống cấp trầm trọng nhưhiện nay. Một hệ thống mấy trăm đại học, cao đẳng, với chất lượng thấp, bên cạnh một hệ thống dạy nghề yếu, trên nền một hệ thống giáo dục phổ thông cũ kỹ, lạc hậu, hơn hai thập kỷ nay vẫn loay hoay triền miên với những thí nghiệm tốn kém mà không mấy hiệu quả.
Những con số “đáng sợ” sau là minh chứng cho những bất cập của Giáo dục Đào tạo Việt Nam:
Hơn 50% SV được khảo sát không thật tự tin vào các năng lực/ khả năng học của mình.
Hơn 40% cho rằng mình không có năng lực tự học.
Gần 70% SV cho rằng mình không có năng lực tự nghiên cứu.
Gần 55% SV được hỏi cho rằng mình không thực sự hứng thú học tập.
Vậy mà chúng ta vẫn tự hào rằng có hơn 955 dân số biết chữ, chúng ta phổ cập giáo dục tiểu học, mọi trẻ em đều được đến trường. Họ đâu biết rằng, điều nguy hiểm nhất hiện nay là tinh thần tự học, ham học hỏi, tìm tòi của học sinh ở khắp nơi trên đất nước đang bị 'thủ tiêu'.
Phần lớn học sinh đi học không còn vì sự thích thú muốn tìm hiểu cái mới nữa, chúng đi học chỉ để được gặp gỡ bạn bè, hoặc bị cha mẹ ép buộc. Chương trình học, sách giáo khoa quá nặng nề, phần lớn đều là lý thuyết, cứng nhắc, thậm chí là gò bó, ép buộc và dối trá. Trong môn Ngữ Văn cấp 3, học sinh được học về cái hay của những bài văn qua miệng của cô giáo, học sinh buộc phải công nhận nó hay trong bài kiểm tra, cần phải chỉ ra đúng những điểm hay cô giáo đã chỉ mặc dù có đọc cả trăm lần đi nữa chúng vẫn chẳng thấy có tí cảm xúc hay tí sự hay nào.
Học sinh được học văn như những con vẹt chăm chỉ lặp lại lời kẻ nuôi, không chút sáng tạo, còn buộc phải làm khác với những gì mình nghĩ nếu muốn có điểm. Và trên hết những đứa trẻ đó không có niềm vui trong việc học của mình, chúng không còn khát khao tìm kiếm cái mới nữa, bởi chúng được dạy chỉ để lặp lại những thứ mà chúng đã chán ngán. Nhưng chưa hết, đáng buồn hơn nữa, những thứ chán ngán đó lại chẳng giúp ích tí gì trong cuộc sống của chúng. Chúng học văn từ lớp 2 lên lớp 12, mà chẳng thể cảm nhận được cái đẹp của một bài văn. Chúng học toán, lý, hóa, chẳng làm gì ngoài việc đi thi một kì thi duy nhất.
Hẳn sẽ có những người sẽ ngụy biện rằng, chương trình học phổ thông có mục đích chính là rèn luyện tư duy. Nhưng cái mục đích đó có lẽ đã thất bại thảm hại ở nước ta, sau ba năm học cấp 3 ở một trường giỏi của cả nước, tôi nhận thấy có một bộ phận học sinh ở đây hầu như không tư duy gì trong việc học của mình.
Rất nhiều cuộc tranh luận với câu cãi ngô nghê: “Mày làm sai rồi, thầy tao dạy làm như thế này mới đúng!”. Chúng không còn cái tôi nữa, không còn chính kiến, không còn sự tự tư duy, chúng làm được bài chỉ nhờ gặp đúng dạng đã học thuộc dạng bài và copy y hệt, nếu khéo léo sửa một vài chỗ nhỏ thì các bạn đó đều bó tay. Đó là ở trường giỏi của toàn quốc, vậy còn những trường khác, còn mặt bằng chung của cả nước thì sao đây?
Dẫu vẫn biết nền giáo dục hiện nay có quá nhiều vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc, nhưng dù sao cũng vẫn phải sửa, sửa càng nhanh càng tốt, mà trước hết cần phải hướng cho giới trẻ, tức các em học sinh hiện nay biết làm thế nào cho việc học trở nên thú vị và có ích.
Vậy làm thế nào để việc học thú vị và có ích hơn. Việc này khó không? Khó! Nhưng may thay nó lại ít liên quan đến những thứ người khác muốn dạy cho ta mà là những thứ ta muốn tự học, tự tìm tòi. Tự học tức là tự chủ động, tự hành động trong việc học. Nếu từ việc bị dạy các bạn chuyển sang tự học thì đó sẽ là một quyết định lớn lao trong cuộc đời bạn, nó mở ra vô vàn những điều vui thích và tốt đẹp. Ở đây tôi không muốn đưa ra những tâm gương về tự học. Tôi chỉ muốn nói rõ tại sao tôi cho rằng tự học, tự chủ động trong việc họ lại đem lại ích lợi và cả sự thích thú.
Ta bắt đầu tự học, thứ đầu tiên ta nhận được sẽ là sự tự do, thoát khỏi sự gò bó, ép buộc của môi trường giáo dục hiện nay và tìm cho mình một khu vực mới, một địa hạt rộng mở mà nơi đó không có ai đủ sức trói buộc chúng ta nữa. Chúng ta thỏa sức tìm tòi, học hỏi thể hiện chính kiến, nhận định của mình từ đó ta thấy được sự thích thú ẩn dấu trong từng tri thức mới. Và hơn cả thế, mỗi tri thức đều có tính ứng dụng mạnh mẽ đều phản ánh thực tế linh hoạt của cuộc sống. Kinh tế học không còn là những số liệu bảng phân tích khô khan nữa mà đã nói lên sự hoạt động và phản ứng của con người trước môi trường xã hội, triết học không còn là những thứ trừu tượng xa xôi nữa mà chính là cách chúng ta tìm câu trả lời cho những câu hỏi thuở ấu thơ.
Ứng dụng được tức đã hiểu sâu sắc, tự học giúp chúng ta điều đó và một khi ta hiểu sâu sắc hơn thì nhận thức cũng như con người của chúng ta sẽ đi lên một bước. Đó cũng là mục đích của sự tự học.
Tất cả những ý tôi nêu trên đều chỉ có một mong muốn đó là mong mọi người xem xét lại việc học của mình mà lấy việc tự học trở lại trung tâm trong sự học của mỗi người.
(GDVN)