Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

"Giữ chân" học sinh đoạt giải Olympic quốc tế: Khó khăn!

Cập nhật 01/11/2012 - 09:15:25 AM (GMT+7)

Bộ GD-ĐT cần sớm hoàn thiện chi tiết đề án phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài, để có thể giúp các em học sinh giỏi có những định hướng đúng cho việc học tập và làm việc sau này.

Đó là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu ra trong lễ tuyên dương 31 học sinh tham dự và đoạt giải tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2012 mới đây.

Học chuyên Toán nhưng lại đoạt HC Vàng Vật lý

Trong lúc chưa có được một đề án bài bản, quy mô của Nhà nước, thì những “học sinh vàng” này đang phải “nhờ cậy” vào sự định hướng của gia đình, của giáo viên cũng như phải tự thân vận động để tìm ra con đường phát triển phù hợp với bản thân.

Để được như ngày hôm nay, các em cần có sự định hướng đúng đắn từ phía gia đình và nhà trường để phát huy được hết khả năng của bản thân. Đơn cử như trường hợp của hai huy chương vàng môn vật lý. Ngô Phi Long là học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Sơn La. Lý giải về sự “tréo ngoe” khi Long học chuyên toán nhưng lại giành giải cao ở môn vật lý, mẹ em - chị Trần La Giang, cũng là giáo viên dạy em - cho biết: “Từ nhỏ Long đã rất thích vật lý, nhưng gia đình định hướng cho cháu vào chuyên toán vì muốn con hoàn thiện hơn. Trong môn vật lý thì toán là công cụ thiết yếu, muốn học vật lý tốt phải có kỹ năng tính toán tốt, nên gia đình tư vấn cho Long thi vào lớp toán; nhưng hướng theo đuổi lâu dài của Long vẫn là vật lý”.

Đối với ''huy chương vàng vật lý Đinh Ngọc Hải'', điều khá bất ngờ là trước đây, năng khiếu và môn học yêu thích của Hải lại là toán. Từ khi học THCS, em đã được vào đội tuyển toán của trường. Tuy nhiên, sau đó được tư vấn, bố mẹ Hải đã khuyên em chuyển sang học vật lý.

Thầy Hà Duy Hưng - giáo viên khoa Toán, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội - chia sẻ: Trong việc định hướng cho học sinh, đương nhiên cả gia đình và nhà trường đều có vai trò. Tuy nhiên, vai trò của nhà trường, của các thầy cô giảng dạy đối với các em có tính quyết định. Đặc biệt đối với môi trường nhỏ hẹp như ở lớp chuyên, thầy cô là người nắm rõ nhất khả năng của học sinh, sẽ không chỉ có trách nhiệm tư vấn cho các em mà còn cho cả các phụ huynh, để sao cho giúp các em lựa chọn được con đường tốt nhất.

Cũng theo thầy Hưng, học trò thì luôn luôn là học trò, kể cả đã lên tới bậc đại học. Khi tới bậc học này, các em càng cần thiết phải được gặp gỡ, làm việc với những thầy giáo tốt, có tinh thần, ý chí để hướng dẫn các em. Nếu không, học càng cao, biển kiến thức càng lớn mà các em phải tự bơi thì sẽ rất khó khăn.

Đừng sợ học trò rẽ ngang

Nhiều người đã tỏ ra tiếc rẻ khi thấy nhiều em học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sau này lại chọn học những ngành trái các môn học các em đoạt giải - chủ yếu là học kinh tế - cho rằng như thế không tận dụng, không phát triển được tài năng của các em. Trái với quan điểm này, những người thầy gần gũi với các em đều cho rằng không có gì phải quá quan trọng. Thầy Hưng cho biết, trong 3 học trò vừa đoạt giải quốc tế của mình, thì có Tạ Duy- mặc dù gia đình và đương nhiên là cả giáo viên muốn em tiếp tục theo ngành toán khi lên đại học, nhưng em đã quyết định chọn khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để theo học. Thầy Hưng cho biết, Duy chọn là do em đã suy nghĩ rất nhiều, bản thân em học môn gì cũng giỏi và là một người sắc sảo, vì vậy không có gì cần băn khoăn về sự lựa chọn này.

Thầy Vũ Đình Hòa- Trường ĐH Sư phạm Hà Nội- cũng chia sẻ không coi việc học sinh rẽ ngang là đáng lo, mà thước đo là việc các em có lên được đỉnh cao trên con đường các em đã lựa chọn hay không, là sự đóng góp như thế nào sau này.

Mục tiêu cuối cùng là du học?

Theo quy chế của Bộ GDĐT, thành viên đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Nhưng tới thời điểm này, tất cả các em đoạt giải của năm nay đã học xong lớp 12 đều đang học tập tại một trường ĐH trong nước và tự kiếm tìm cho mình cơ hội đi du học.

Hiện nay, Đinh Ngọc Hải - đoạt huy chương vàng kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2012 - đã được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (ngành tự động hóa). Dự định của em là học thêm tiếng Anh và đi du học tại Trường ĐH Quốc gia Singapore.

Trần Thị Mai Hương (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) - huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế năm 2012- đang học tại ĐH Dược Hà Nội, nhưng cho biết em đang tập trung học tiếng Anh để tìm học bổng du học. Các thành viên khác của đội tuyển hóa, như Phạm Đăng Huy - với thành tích một huy chương vàng và một huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế sau hai lần liên tiếp dự thi- cũng đặt ra mục tiêu đi du học trong thời gian tới…

Đối với hai thành viên khác của đội tuyển toán quốc tế là Đậu Hải Đăng và Phương Minh, mặc dù đang học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng mục tiêu của các em và gia đình cũng là đi du học ở nước ngoài…

(Lao Động)


Giới Thiệu STU