Mã Trường

Mã Trường

Nghiên Cứu Khoa Học

Khoa học Công nghệ và tầm bay đất nước

Cập nhật 06/10/2012 - 09:22:09 AM (GMT+7)

(Dân trí) - Mục tiêu trung tâm của Việt Nam trong giai đoạn vượt bẫy thu nhập trung bình thấp sẽ là tập trung tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất các thành tựu KHCN vào công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức.

 

 

 

Xét theo mức thu nhập, thế giới được phân chia thành 4 nhóm quốc gia: thu nhập thấp (TNT); thu nhập trung bình thấp (TNTBT); thu nhập trung bình khá (TNTBK) và thu nhập cao (TNC). Một cách tương ứng, đây cũng là 4 nhóm quốc gia khác biệt nhau về trình độ phát triển.
 
Giữa các nhóm quốc gia này tồn tại một trạng thái, một ranh giới phát triển rất khó vượt qua, thường được gọi được gọi là “Bẫy thu nhập”. Trong lịch sử phát triển của thế giới, ở những giai đoạn phát triển xác định, thường chỉ có rất ít  quốc gia vượt qua được  ranh giới phát triển này, còn đa số các quốc gia khác mất rất nhiều năm vật lộn mà vẫn không  vượt qua được nó để gia nhập vào nhóm có “đẳng cấp” phát triển cao hơn.
 
Lấy ví dụ như Hàn Quốc, một mẫu mực của nỗ lực tiến vượt để đuổi kịp thế giới, đạt mức thu nhập trung bình 2000USD/đầu người vào năm 1969, thoát “bẫy” TNTBT (7250 USD) sau 19 năm vào 1988 và thoát tiếp bẫy TNTBK (11,750 USD), gia nhập vào nhóm nước phát triển một cách vững vàng sau 7 năm nữa, vào 1995. Trong khi đó Malaysia vượt nghèo cùng năm với Hàn Quốc, nhưng phải mất 27 năm mới thoát bẫy TNTBT và hiện nay dường như vẫn còn bị “kẹt” trong “bẫy” TNTBK; Philippines mắc “bẫy” TNTBT đã 36 năm, thế mà cho đến nay, vẫn chưa thấy lối thoát ra.

Bản chất sâu xa của bẫy thu nhập là năng lực của nền kinh tế về khoa học Công nghệ (KHCN). Năng lực này cũng được chia thành 4 cấp: yếu kém, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo KHCN (kể cả trong quản lý Nhà nước và quản lý doanh nghiệp, tổ chức…), tương ứng với 4 nhóm quốc gia TNT, TNTBT, TNTBK và TNC.

Việt Nam chúng ta thoát bẫy TNT (nước nghèo) vào 2001 và nằm trong bẫy TNTBT đã 11 năm. Tiền đồ Việt Nam sẽ theo kịch bản nào, như Phillipine hay khá hơn như Malaysia, hay thực sự hóa “rồng” như Hàn Quốc?

Sau 25 năm đổi mới và đạt được những bước tiến đáng tự hào, nguy cơ lớn nhất đặt ra cho chúng ta lúc này vẫn là “tụt hậu phát triển”, thậm chí là “tụt hậu xa hơn”; theo đó, thách thức cam go nhất mà chúng ta đối mặt vẫn là làm sao nhanh chóng rút ngắn nhất thời gian vượt các bẫy TNTBT và TNTBK, thu hẹp khoảng cách tụt hậu để sớm sánh vai “các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong ước?
 
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần xác định rõ 2 vấn đề lớn.

Một là xây dựng những mũi nhọn kinh tế có lợi thế cạnh tranh mang tầm thời đại trong môi trường toàn cầu hóa. Hai là xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của KHCN gắn liền với cải cách giáo dục và đào tạo (GDĐT), qua đó, tạo lập lực lượng sản xuất quyết định của thời đại kinh tế tri thức - công nghệ cao - nguồn nhân lực trí tuệ và kỹ năng cao.
 
Là một nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, đang trong thời kỳ “dân số vàng” (trẻ), có truyền thống hiếu học và cần cù lao động; là một nước nông nghiệp có truyền thống lâu đời; có hơn 3.300 km bờ biển đẹp với hàng ngàn đảo, khí hậu quanh năm ấm áp, có lịch sử văn hóa phong phú của 54 dân tộc, nằm ở trung tâm Châu Á với một tọa độ địa - kinh tế và địa - chiến lược tuyệt vời, lại là nước đi sau đang nỗ lực vươn lên, Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế cạnh tranh để trở thành cường quốc trong 4 lĩnh vực mũi nhọn kinh tế: Công nghệ thông tin; Nông nghiệp xanh; Du lịch và vận tải quốc tế.

Vì vậy, mục tiêu trung tâm của Việt Nam trong giai đoạn vượt bẫy TNTBT sẽ là tập trung tiếp nhận nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất các thành tựu KHCN vào công tác quản lý Nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức.
 
Hệ thống pin năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam.

Để làm được việc này, Việt Nam cần nâng cao dân trí thông qua GDĐT có chất lượng và phổ biến kiến thức về KHCN, đặc biệt là CNTT; tạo lập lực lượng lao động hùng hậu có tay nghề và kỹ năng cao, đội ngũ trí thức đông đảo, thông thạo tiếng Anh và CNTT; xây dựng hàng ngàn các tổ chức KHCN (Viện và Công ty) chuyên tiếp thu các thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới chuyển giao vào thực tiễn quản lý, kinh doanh và đời sống. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm của KHCN và GDĐT của đất nước trong giai đoạn này.

Trong giai đoạn đến năm 2020, mục tiêu trọng tâm sẽ là tiếp thu, làm chủ KHCN (công tác nghiên cứu và phát triển) và giai đoạn tiếp sau sẽ là sáng tạo KHCN, đặc biệt ưu tiên trong 4 mũi nhọn kinh tế nêu trên.

Trong thời đại ngày nay, việc tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo KHCN ngày nay đều thông qua Công nghệ thông tin. Vì vậy Công nghệ thông tin luôn phải đóng vai trò nền tảng, là “hạ tầng của hạ tầng” trong suốt quá trình đi lên hiện đại hóa của đất nước.

Nếu KHCN và GD-ĐT hoàn thành xuất sắc vai trò của mình thì tầm bay của Việt Nam sẽ vượt bẫy TNTBT vào năm 2020 và vượt bẫy TNTBK vào khoảng năm 2030. Nhiều hội thảo khoa học gần đây đánh giá về dự thảo Đề án phát triển KHCN và dự thảo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trình Hội nghị Trung ương 6 lần này cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu để Việt Nam đạt được tầm bay này.

Chúng ta không còn thời gian để chờ đợi. Đất nước đang trông đợi những quyết sách sáng suốt của Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 lần này.
 
(Theo Dân Trí)

Các Nội Dung Liên Quan


Giới Thiệu STU