Mã Trường

Mã Trường

Khoa Học Công Nghệ

Trang web nghe nhạc Zing MP3 là “ổ chứa mã độc”?

Cập nhật 01/04/2012 - 08:04:12 PM (GMT+7)
(Dân trí) - Trong số 20 trang web lưu trữ và lây lan mã độc hại nhiều nhất tại Việt Nam do Kaspersky công bố, có sự hiện diện của trang nghe nhạc trực tuyến mp3.zing.vn, một trong những trang web có lượng người truy cập lớn nhất tại Việt Nam.
Trong bản báo cáo tình hình bảo mật tháng 2/2012 của hãng bảo mật Kaspersky cho thấy Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia có số lượng máy chủ chứa mã độc nhiều nhất thế giới, đặc biệt là trang Mp3.zing.vn, trang web âm nhạc hàng đầu Việt Nam bị liệt vào "danh sách đen".

Theo Kaspersky, có đến hơn 27% người dùng máy tính tại Việt Nam bị lây nhiễm mã độc hại, xếp vị trí thứ 29 trong số các quốc gia có tỉ lệ người dùng bị lây lan mã độc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số lượng này mới chỉ tính dựa trên thông tin thu thập từ người dùng đang sử dụng phần mềm bảo mật Kaspersky, nếu tính toàn thể người dùng máy vi tính trên toàn lãnh thổ Việt Nam, con số này hẳn sẽ cao hơn rất nhiều.

Đáng chú ý, trong số 20 trang web lưu trữ và lây lan mã độc hại nhiều nhất tại Việt Nam do Kaspersky công bố, có sự hiện diện của trang nghe nhạc trực tuyến mp3.zing.vn, một trong những trang web có lượng người truy cập lớn nhất tại Việt Nam.

Kaspersky-report-1_bc5a7.jpg
Top 20 trang web lây lan mã độc nhiều nhất tại Việt Nam

Đây là một thông tin khá bất ngờ, vì Zing (trực thuộc công ty truyền thông VNG) là một trong những cổng thông tin cung cấp nhiều dịch vụ đang được đông đảo người dùng tại Việt Nam sử dụng.

Tuy nhiên, bản báo cáo của Kaspersky không nêu chi tiết nội dung mã độc hại được lưu trữ trên máy chủ của Zing, cũng như cách thức lưu truyền mã độc hại vào máy người dùng.

Ngay sau khi có thông tin bất ngờ này, phóng viên báo Dân trí đã liên hệ với bộ phận truyền thông của Zing để tìm hiểu nguyên do. Trả lời câu hỏi của phóng viên, chị Mỹ Châu, đại diện truyền thông của Zing cho biết:

“Với cơ chế kiểm duyệt hiện tại của Zing Mp3 thì không thể có chuyện lây lan virus và mã độc hại đến với máy người dùng. Đây có thể là một sự hiểu lầm trong cơ chế kiểm tra của Kaspersky. Hiện Zing đang liên hệ với Kaspersky để tìm hiểu sự thực, cũng như sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này”.

Nếu những thông tin Kaspersky là đúng sự thực thì đây thực sự là một vấn đề đáng lưu tâm, vì với lượng người dùng rất lớn của Zing Mp3 thì số lượng lây nhiễm mã độc có thể bị lây truyền trên máy tính người dùng tại Việt Nam đã tăng lên rất nhiều.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, rất có thể đây là một sự nhầm lẫn của Kaspersky. Trong số danh sách 20 trang web chứa mã độc hại lây lan lớn nhất tại Việt Nam mà Kaspersky công bố, có những trang web chỉ đơn thuần là một file HTML với nội dung đơn giản (đơn cử như trang web adsvi…), nhưng không hiểu vì lý do gì, Kaspersky vẫn đưa trang web này vào “danh sách đen”.

T.Thủy

Giới Thiệu STU